Sáng 17/7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 8 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 8 luật vừa được Quốc hội thông qua - Ảnh 1.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 8 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5.

Theo đó, 8 luật vừa được Quốc hội thông qua, gồm: Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Giá; Luật sửa đổi, bổ một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Phòng thủ dân sự.

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) gồm 8 chương, 53 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật GDĐT (năm 2005).

Luât GDĐT sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng 4.0 và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia; khẳng định giá trị pháp lý về GDĐT, công nhận GDĐT có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực; ưu tiên, khuyến khích thực hiện GDĐT, phát triển GDĐT toàn diện, toàn trình bằng các chính sách giúp tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý GDĐT thuận tiện, an toàn và tin cậy hơn.

Luật Đấu thầu có 10 chương với 96 điều, được ban hành nhằm tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu. Đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; phòng chống, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu. Xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để hỗ trợ, phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu và cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu.

Luật Hợp tác xã được thông qua ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật HTX số 23/2012/QH13. Luật gồm 12 chương, 115 điều, tăng 3 chương và 51 điều so với Luật HTX năm 2012 (gồm 9 chương, 64 điều).

Luật được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho các tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tham gia vào nền kinh tế – xã hội trong nước và hội nhập quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0; bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của HTX; thu hút nhiều thành phần, đối tượng tham gia, phát triển thành viên; loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, giúp nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của các thành viên và góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011. Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII, Hiến pháp 2013, để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế – xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương – Cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai xây dựng Dự án Luật theo các quy định của pháp luật. Ngày 20/6/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV  đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có 7 chương, 80 điều. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật mới bổ sung 1 chương; số lượng các điều tăng từ 51 lên 80 điều.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 8 luật vừa được Quốc hội thông qua - Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 8 luật vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 – Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Luật Giá  được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau 10 năm thi hành, Luật Giá đã giúp công tác quản lý, điều hành giá được thực hiện nhất quán theo thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội; hoạt động thẩm định giá phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện Luật Giá đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất là trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật giá là cần thiết.

Khắc phục những tồn tại hạn chế sau 10 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành nhằm tạo lập môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực giá, đẩy mạnh phân công, phân cấp trong quản lý giá, củng cố, kiện toàn các định để nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập trên nguyên tắc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 19/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Giá với nhiều nội dung mới, trong đó có quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời xác định rõ quan hệ giữa Luật Giá với các Luật có quy định về giả để nhằm khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa Luật giá với các luật chuyên ngành…

Về Luật sửa đổi, bổ một số điều của Luật Công an nhân dân, thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Đề án số 292-ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021- 2026), Chính phủ giao Bộ Công an tiến hành tổng kết, rà soát Luật Công an nhân dân năm 2018.

Kết quả tổng kết, rà soát cho thấy, quá trình thi hành Luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, công tác công an. Bên cạnh đó, Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí để thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập… Từ những lý do nêu trên, việc Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ một số điều của Luật Công an nhân dân là cần thiết.

Luật được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019; khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân năm 2018.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật củ Nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp với thực tiễn và giải quyết những vấn đề cần điều chỉnh để góp phần thực hiện tốt hơn đường lối đổi ngoại, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Luật được ban hành là bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư. Đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế – xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về lĩnh vực phòng thủ dân sự, ngày 20/6/2023, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng thủ dân sự với tỉ lệ phiếu đồng thuận rất cao (94,94%).

Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 55 điều, quy định cụ thể về: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự; thông tin về sự cố, thảm họa; cấp độ phòng thủ dân sự; khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự; hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tỏng hoạt động phòng thủ dân sự; nguồn lực cho phòng thủ dân sự;…

Nguyễn Hoàng

Báo Chính Phủ