Viện Khoa học tổ chức nhà nước đề xuất hợp nhất Bộ Tài chính và Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Xây dựng, giảm một phó thủ tướng.
Chiều 19/2, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) đã nêu đề xuất trên tại Hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026”.
Theo ông Tuấn, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nên rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Viện cũng đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số bộ, cơ quan ngang bộ, như thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi tên thành Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo; điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo; thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa, Thể thao và Thanh niên.
Viện Khoa học tổ chức nhà nước đề xuất cơ cấu nhân sự của Chính phủ gồm Thủ tướng, 4 phó thủ tướng (hiện tại 5 phó thủ tướng) và 20 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Ông Tuấn cho rằng, mô hình giả định về cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nếu được hiện thực sẽ là một bước đổi mới quan trọng để thực hiện các quan điểm của Đảng về xây dựng một Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Lê Anh Tuấn báo cáo tại Hội thảo của Bộ Nội vụ chiều 19/2. Ảnh: Anh Tuấn |
Giải thích về đề xuất trên, TS Tuấn cho biết, nhiều quốc gia có quy mô dân số, kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần, nhưng số bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động dưới 20. Ví dụ Trung Quốc và Malaysia có 25 bộ, Indonesia 24, Nga 21, Pháp 18, Singapore 16, Mỹ 15, Đức 14 bộ…
Trong khi đó, tại Việt Nam, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XIII (2011-2016), XIV (2016-2021) được giữ nguyên như khóa XII, gồm 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
“Điều dễ nhận thấy là ở các nước phát triển, cơ cấu Chính phủ thường gọn nhẹ hơn so với các nước khác. Số bộ ít hơn, nghĩa là các đầu mối quản lý tinh giản hơn, số siêu bộ nhiều hơn”, ông Tuấn nói và cho rằng việc bố trí nhiều phó thủ tướng thực chất là một cấp trung gian, lẫn giữa quyền và trách nhiệm của bộ trưởng với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực; đồng thời không phù hợp với nguyên tắc đảm bảo quyền và trách nhiệm của Thủ tướng.
Thứ trưởng Nội vụ Triệu Văn Cường đề nghị Viện Khoa học tổ chức nhà nước lắng nghe, tiếp thu ý kiến chuyên gia để tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo.
Trước đó, tại cuộc phỏng vấn cuối năm 2019, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện chủ trương của cấp trên, phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ sẽ được nghiên cứu để đề ra giải pháp thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như ngành giao thông – xây dựng; tài chính – kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc – tôn giáo…
“Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành tổng kết và đề xuất xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa tới bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả”, ông Tân nói.
Theo Vnexpess