(Vtrend.vn) Đây là kết quả thống kê mới nhất về tình hình ô nhiễm không khí toàn cầu vừa được WHO công bố.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 90% dân số trên trái đất đang phải hít không khí ô nhiễm mỗi ngày. Ô nhiễm cũng cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm.
“Ô nhiễm không khí đang đe dọa tất cả chúng ta, nhưng những người nghèo và thiệt thòi phải gánh chịu nhiều nhất”, Business Times dẫn lời giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một tuyên bố.
Nghiên cứu của WHO, trong đó kiểm tra mức độ nguy hại với sức khỏe của cả ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, nhận thấy rằng “khoảng 7 triệu người tử vong mỗi năm do tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm”.
Đáng chú ý, hơn 90% trong số 7 triệu ca tử vong trên xảy ra ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, chủ yếu ở châu Á và châu Phi.
Theo WHO, nghiên cứu của họ tập trung vào các hạt bụi nguy hiểm có đường kính từ 2,5 đến 10 micromet (PM10), và các hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5).
PM2.5 gồm các chất độc như sulfate và carbon đen – có thể thâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ tim mạch. Chúng có thể gây ra các bệnh như đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, WHO cho biết.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là hơn 40% dân số toàn cầu vẫn chưa tiếp cận được các nhiên liệu và công nghệ nấu ăn sạch trong nhà của họ.
Tại nhiều nước, người dân vẫn phải nấu ăn, sưởi ấm hoặc thắp sáng nhà mình bằng dầu hỏa hay gỗ thay vì những loại nhiên liệu sạch hơn như gas hay điện.
Đánh giá toàn cầu của WHO dựa trên dữ liệu thu thập từ vệ tinh cũng như lấy mẫu từ dữ liệu của hơn 4.300 thành phố trên khắp thế giới, tăng gần 50% so với báo cáo hồi năm 2016.
Hiện WHO lên kế hoạch tổ chức một hội nghị đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm môi trường và sức khỏe vào cuối tháng 10 tới để thúc đẩy sự thay đổi trong cách hành động ở cấp toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo Tuổi Trẻ
Minh Xuân