Thầy trò HLV Gong Oh-kyun để lại nhiều dấu ấn cả về lối chơi lẫn tinh thần, dù vừa phải dừng chân ở tứ kết giải U23 châu Á.
Thầy trò HLV Gong Oh-kyun để lại nhiều dấu ấn cả về lối chơi lẫn tinh thần, dù vừa phải dừng chân ở tứ kết giải U23 châu Á.
Thua U23 Saudi Arabia 0-2 trong thế mất 1 người, U23 Việt Nam kết thúc hành trình U23 châu Á với nhiều bài học và cả những hy vọng mới.
45 phút lãng mạn và hồn nhiên
Nếu trận tứ kết của U23 Việt Nam chỉ gói gọn trong 45 phút đầu tiên, nó sẽ tôn vinh một đội bóng “cửa dưới” nhưng thi đấu chững chạc, tự tin, đầy ý tưởng trước ứng cử viên vô địch. Đó cũng là 45 phút hấp dẫn, kịch tính của thứ bóng đá ăn miếng trả miếng, khiến người ta không dễ nhận ra khoảng cách giữa đội thứ 53 và 98 trên bảng xếp hạng FIFA.
HLV Gong Oh-kyun chọn cách tiếp cận trận đấu mở, nghĩa là vẫn chú trọng phòng ngự nhưng ưu tiên đủ nhân lực cho lối đá phản công. Với những cầu thủ như Trần Danh Trung, Nhâm Mạnh Dũng, Lê Minh Bình, Khuất Văn Khang ở tuyến trên, chúng ta có nhiều điểm đến cho những pha giải vây, thay vì phá bóng cầu may.
Loi chia tay nhieu hy vong cua U23 Viet Nam anh 1
Nhâm Mạnh Dũng thi đấu ấn tượng tại VCK U23 châu Á 2022. Ảnh: AFC.
U23 Việt Nam cũng tuân thủ chiến thuật pressing ngay từ sân đối phương. Thầy Gong biến các tiền đạo thành cầu thủ đánh chặn tiên phong, các tiền vệ thành lớp áo giáp thứ hai và điều thú vị hơn là các hậu vệ khi cần có thể đưa bóng về cho Quan Văn Chuẩn “đề pa” dài như một tình huống kiến tạo bất ngờ.
Đã rất lâu rồi bóng đá Việt Nam mới có một thủ môn chơi được cả 2 chân ổn định, ném bóng xa quá nửa sân như Văn Chuẩn. Từ chỗ chỉ là dự bị cho Nguyễn Văn Toản, người gác đền quê gốc Tuyên Quang này đã mở ra thêm nhiều phương án chơi bóng chủ động từ sân nhà cho các đồng đội Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình hay Phan Tuấn Tài.
Với một đội hình cân bằng giữa thủ và công, U23 Việt Nam khiến “ông lớn” U23 Saudi Arabia không thể tung hết lực lượng gây sức ép. Các đợt hãm thành của đội bóng Tây Á vì thế chỉ nhịp nhàng ở giữa sân, nhưng khi tiếp cận vòng cấm của chúng ta, họ không đủ quân số để dàn xếp đến cự ly dứt điểm thuận lợi.
Dù các chỉ số chuyên môn lép vế hơn, U23 Việt Nam không hề thua kém về số cơ hội rõ rệt được tạo ra. Nếu cú sút xa của Minh Bình may mắn thêm chút nữa để không dội trúng xà ngang, lợi thế rất lớn đã có thể nằm trong tay thầy Gong và các học trò. Đấy chỉ là một trong những pha điển hình cho dấu ấn lãng mạn mà một đội bóng Đông Nam Á táo bạo mang đến vòng “nốc ao” của châu lục.
Không ghi được bàn trong tình huống đó, thật tiếc cho U23 Việt Nam khi một thoáng mất tập trung ở hàng thủ đã khiến chúng ta thủng lưới cuối hiệp 1. Chúng ta đã hồn nhiên đến mức đứng sững lại chờ còi, không có sự hỗ trợ nào cho pha bóng bật ra từ vị trí của Việt Anh, và khi nhận ra Moteb Al Harbi tung cú sút chéo góc như kẻ chỉ thì tất cả đã muộn rồi.
Nó là bước ngoặt của trận đấu, vì từ đó trở đi, cách chơi của chúng ta buộc phải thay đổi, tâm lý của chúng ta đương nhiên bị ảnh hưởng, và cái hố sâu về đẳng cấp cũng do vậy mà hiện ra thăm thẳm.
Dấu hỏi cho thầy Gong, công hay thủ?
Bàn thua đáng tiếc đã làm phá sản những kế hoạch của thầy Gong.
Ông thầy 47 tuổi đã dụng ý để dành những mũi nhọn có độ “sát thương” cao như Nguyễn Hai Long, đặc biệt là Nguyễn Văn Tùng cho khoảng 2/3 thời gian của hiệp 2, với điều kiện chúng ta vẫn cầm cự tốt trước đối thủ. Nhưng bị dẫn bàn, ông buộc phải đưa họ vào sớm hơn, trong lúc U23 Saudi Arabia lùi về và đá chậm, chắc, không cho chúng ta khoảng trống phản công.
Hiệp 2 trở nên dài đằng đẵng trong thế thủ không được, tiến không xong của thầy Gong. Những tiền vệ mà ông thay vào tiếp như Huỳnh Công Đến, Lê Văn Đô chỉ giúp chúng ta tăng thời gian cầm bóng mà không cải thiện được độ sắc bén trong những pha lên bóng.
Loi chia tay nhieu hy vong cua U23 Viet Nam anh 2
Trước khi thủng lưới vì thoáng sai lầm, U23 Việt Nam đã chơi sòng phẳng với đối thủ hàng đầu châu lục. Ảnh: AFC.
Với thế trận đó, việc thầy Gong chơi tất tay ở những phút cuối cùng nhưng vẫn nhận thêm 1 bàn thua, 1 thẻ đỏ là kịch bản thường gặp trong bóng đá. U23 Việt Nam không thể làm được điều phi thường, không thể gây bất ngờ như khi gặp U23 Hàn Quốc ở vòng bảng, đơn giản chỉ là câu chuyện về đẳng cấp và câu chuyện về tính khốc liệt của một trận đấu loại trực tiếp.
HLV Gong Oh-kyun đã thổi một luồng gió mát lành vào lực lượng U23 vừa vô địch SEA Games 31, kết hợp cùng những gương mặt không nằm trong lựa chọn của thầy Park cho chiến dịch kể trên. Chỉ trong một thời gian ngắn, thầy Gong đã biến họ từ một tập thể không được đánh giá cao về chất lượng thành những niềm hy vọng vừa trẻ trung vừa hiện đại của bóng đá nước nhà.
Điều tươi mới nhất là dưới tay thầy Gong, một đội bóng trẻ Việt Nam đã dần chứng tỏ ngoài đòn sở trường phòng ngự, họ hoàn toàn có thể chơi tấn công. Tấn công trước những đội ngang tầm hoặc yếu hơn là điều dễ hiểu, nhưng tấn công ngay cả khi đối mặt với U23 Hàn Quốc hay U23 Saudi Arabia thì thực sự là một đổi thay táo bạo.
Dĩ nhiên, sự đổi thay nào cũng có cái giá của nó. Chúng ta chưa đủ tầm vóc để chơi ngang ngửa với những nền bóng đá thường chơi Olympic hay World Cup. Chúng ta cũng chưa đủ thời gian để thích nghi, thẩm thấu những triết lý phiêu lưu, hào sảng của thầy Gong.
Vậy nên dừng bước trước U23 Saudia Arabia là điều không sửng sốt, nhưng cái cách dàn cầu thủ trẻ của Gong Oh-kyun ngẩng cao đầu rời VCK U23 châu Á cũng là thứ mà chúng ta có thể tự hào. Chúng ta còn có thể thở phào bởi nỗi lo kế cận đã phần nào được vỗ về, và thêm một tướng tài nữa đến từ xứ Hàn dường như đã sẵn lòng gánh vác tương lai phía sau thầy Park.
Thầy Gong đã có một giải đấu không thất bại. Đưa đội nhà vượt qua vòng bảng, ông đã được coi là hoàn thành mục tiêu. Ở một góc nhìn khác, thầy Gong cũng nhận được những bài học quý khi cầm quân ra châu Á, dám tấn công là tiến bộ, nhưng biết co mình lại phòng thủ mới là thức thời.
Loi chia tay nhieu hy vong cua U23 Viet Nam anh 3