(Vtrend.vn) Lúc nào cũng giữ cái cớ tết chán rồi nhạt nhẽo, nhiều người vì thế lại hô hào, rủ nhau “xách ba lô lên và đi”. Nhưng đã bao giờ tự hỏi, bạn sẽ được gì sau mỗi chuyến đi ngày Tết: Có thêm những trải nghiệm cuộc sống hay ngày càng rời xa gia đình?
Chẳng máu me như hội “phượt thủ” nhưng tôi cũng nhận mình là một gã cuồng chân thích đi du lịch, một năm cũng cố gắng xuất ngoại hai lần, chạy lòng vòng để phủ kín cái bản đồ Việt Nam. Tuy nhiên, anh em đi du lịch chúng tôi – dù không phải tất cả, cũng giữ một nguyên tắc: Đi đâu thì đi, không nhằm vào ngày Tết.
Một năm có tới 365 ngày với vô số dịp nghỉ lễ, chưa kể ngày phép; tại sao không kéo nhau đi chơi vào ngày thường mà cứ chọn ngày tư ngày tết rồi tìm cớ “chuồn êm” khỏi nhà? Hội thích đi du lịch có lý do của riêng mình và những người chủ trương ở nhà ngày Tết cũng vậy; lựa chọn là của mỗi người, chỉ là chúng ta trân trọng điều gì hơn: Những trải nghiệm du lịch mới mẻ hay thêm chút thời gian bên gia đình.
Đi du lịch ngày Tết: Tưởng rẻ mà đâu có rẻ
“Đi du lịch ngày Tết đi, vừa rẻ vừa vắng, tha hồ thảnh thơi ngắm cảnh”, ai đó sẽ nói như vậy. Nhiều người cũng tin vậy.
Tuy nhiên, tôi chắc chắn đây không phải câu chuyện của hội đi du lịch nước ngoài khi chỉ có khoảng vài nước trên thế giới ăn tết âm lịch, còn lại cuộc sống ở mọi ngõ ngách trên hành tinh này vẫn vận hành bình thường. Bạn vẫn phải chen nhau để chụp ảnh với tháp Eiffel, đông nghẹt người mỗi tối trên con phố Khao San hay điểm trượt tuyết ở Nhật Bản cũng chẳng thưa người đi chút nào. Các chuyến bay ngày Tết đi nước ngoài cũng chẳng rẻ khi bạn được đi chơi còn các phi công và tiếp viên hàng không vẫn phải đi làm? May mắn canh được vé rẻ thì có giá phải chăng, còn đâu thì cũng ngán ngẩm lắm!
Còn đi du lịch trong nước cũng là một câu chuyện chẳng phải suôn sẻ gì cho cam: Cả nước nghỉ Tết, tìm được hàng quán ăn tại các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn không phải quá khó nhưng giá thì được tăng theo “giá ngày Tết”. Dịch vụ cũng ít hơn ngày thường, lỡ bị chém đẹp thì cũng chỉ biết cười gượng khi người ta nói “Tết mà, tính toán làm gì”.
Ừ, Tết mà…
Tránh Tết một ngày thì được, tránh cả đời làm sao?
Cô bạn tôi ngoài 30 chưa lấy chồng, năm nào cũng kiếm đường đi du lịch vì sợ bị hỏi han quá nhiều. Cứ thành thông lệ, nghỉ Tết ở cơ quan xong là vali sẵn sàng lên đường, đi xuyên Tết tới tầm mùng 4, mùng 5 rồi về.
“Đi thôi, chứ ở nhà mọi người nói vào nói ra mệt lắm”.
Những cô hàng xóm tọc mạch sẽ vẫn tọc mạch; họ vẫn sẽ hỏi bạn “bao giờ cưới chồng” quanh năm suốt tháng chứ không chỉ riêng ngày Tết. Chúng ta đều mong có một năm mới thoải mái, nhẹ nhõm nhưng còn hơn 300 ngày khác trong năm thì sao? Khi chúng ta còn sống trong nỗi sợ hãi sự gièm pha của mọi người thì cái Tết còn là điều đáng sợ, nhưng nếu không vượt qua được những điều này, còn bao nhiêu thách thức khác trong cuộc sống sẽ đương đầu ra sao?
Khi chúng ta coi những điều mình làm là đúng đắn; độc thân, theo đuổi công việc đam mê lương thấp hay thậm chí là thất nghiệp; những điều người khác nói chỉ như gió thổi qua tai. Câu chuyện “sợ Tết” cũng như bao nỗi sợ khác trong cuộc sống, điều cốt lõi là bạn nên chấp nhận sự tồn tại của nó; chối bỏ hay trốn tránh thì mọi điều phiền toái cũng không biến mất.
Sẽ có lúc, bạn nhớ nhà thật nhiều
Chẳng ai quên được Tết, chúng ta chỉ đang trốn Tết mỗi hành trình du lịch cuối năm. Trong đêm cuối năm, khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm Tất niên, bạn đang ngồi nhâm nhi một ly cocktail trên bờ biển. Nhưng cái thời khắc Giao thừa tới, bạn cũng nhẩm đếm, cũng nhớ lại nếu ở nhà giờ thì mình đang làm gì, những cái Tết đi qua bỗng dội lại trong tâm trí.
Hóa ra, bạn nhớ nhà nhiều hơn mình tưởng.
Sẽ luôn có những điều gợi nhớ chúng ta đến Tết trong mỗi chuyến đi: Một gia đình hân hoan đi chơi đầu năm như ngày nhỏ bố mẹ hay dắt bạn xuống phố, đâu đó có tiếng người cười nói chúc nhau đầu năm mới. Chúng ta chọn một chuyến đi đầu năm mới để mong có thể thoát được những thói quen Tết “tẻ nhạt”, những món ăn chán ngán từ năm nay qua năm khác… nhưng cuối cùng vẫn để nỗi nhớ len lỏi trong tâm trí mình.
Nếu nơi ấy có gió se se lạnh, ta bỗng nhớ một sáng mùng Một man mát theo ba mẹ đi chúc Tết; trong cơn gió mang theo mùi khói bếp, ta bỗng nhớ nồi bánh chưng hay nồi nước mùi đặc trưng của đông Hà Nội. Chốc chốc ta lại tự hỏi: Giờ này mẹ đang làm gì nhỉ? Không biết bố đã mua được chậu thủy tiên ưng ý chưa? còn thằng em chắc tầm này cũng kha khá tiền lì xì rồi.
Mang theo nỗi nhớ đường xa, chi bằng ở nhà đón Tết cùng mẹ cha ông bà?
Niềm thương gia đình ngày Tết: Liệu thời gian có một lần trở lại?
Có bao giờ trước mỗi chuyến du lịch trong Tết, bạn tự hỏi mình câu hỏi:
Rồi sẽ còn bao nhiêu cái Tết nữa với bố mẹ?
365 ngày trong năm, có bao nhiêu ngày chúng ta thực sự dành cho gia đình?
Nếu trả lời được cả hai câu hỏi trên với đáp án tự tin “Còn rất nhiều” hay “ngày nào cũng dành cho gia đình cả”, tôi chúc bạn có một chuyến đi đầu năm với nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng tôi, và nhiều người khác, không tài nào trả lời được những câu hỏi này. Ở cái tuổi “chân đi không mỏi” cũng là lúc bố mẹ tôi đã ngoài 50 tuổi. Mỗi cái Tết rời xa gia đình là một lần, tôi lướt qua quãng đời của bố mẹ mà đếm đi đếm lại cũng chẳng còn là bao. Có những thứ lấy lại được, đi đến được, sẽ trải nghiệm không sớm thì muộn nhưng thời gian của bố mẹ không như cuốn phim kia, muốn tua lại lúc nào thì tua. Rồi sẽ có lúc, tôi nghĩ mình sẽ muốn đi du lịch khi Tết đến, đó là khi căn nhà trống trải vắng bóng bố mẹ, chẳng ai chờ và chẳng ai níu chân bạn trước mỗi khi lên đường.
Nhưng đó là bước chân đi đầy ắp buồn thương.
Những người bạn quanh tôi nói rằng “Cả năm ở nhà với bố mẹ rồi, Tết đi chơi một chuyến có sao đâu”. Chúng ta mặc định sự “tồn tại” của mình trong căn nhà là “với bố mẹ”, trong khi đôi lúc, nó thiếu đi nền tảng quan trọng của gia đình: gắn kết. Có bao giờ bạn gói bánh chưng cùng bố mẹ ngoài Tết? Bạn cùng mẹ đi chợ Tết, cùng bố đi tảo mộ, cùng cắt tiết gà, dọn dẹp nhà cửa…. Sự gắn kết chính là thứ được vun đầy trong gia đình mỗi dịp Tết đến, không phải chiếc tủ lạnh chất đầy thức ăn, bánh kẹo. Chỉ có Tết và với Tết, người ta mới dành thời gian nhiều hơn cho gia đình – như một nốt trầm trong cả năm để mỗi người nhìn lại.
Người trẻ lấy “tự do” làm thước đo thành công của thời thanh xuân, họ chọn một cái Tết xa nhà như minh chứng cho hoài bão khám phá, ước mơ vẫy vùng của mình. Khi đọc được những dòng này, có thể bạn sẽ cười phá lên vì những giáo điều già nua, cổ lỗ. Nhưng đến khi Tết được truyền lại sang gen Z, bạn sẽ thấm thía hơn một cái Tết không có tiếng chào con trẻ: “Bố mẹ ơi, con về rồi đây”.
Vì nhà, chỉ có một mà thôi.
Theo kenh14.vn
Minh Xuan.