Nói về việc chống thất thu thuế mua bán bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết có trường hợp ban đầu kê khai việc mua bán chỉ 500 triệu nhưng sau khi được giải thích đã kê khai lại lên 10 tỉ đồng, gấp 20 lần.

 

Mua bán bất động sản: Ban đầu khai bán 500 triệu, sau đó khai lại giá 10 tỉ đồng - Ảnh 1.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm – Ảnh: QUOCHOI.VN

Sáng 2-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có phần giải trình 3 nhóm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó nổi bật là vấn đề thu thuế bất động sản, thị trường chứng khoán và giá.

Về việc thu thuế bất động sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết theo quy định hiện nay, người nộp thuế phải khai thuế trên hợp đồng đúng với giá mua bán hai bên thỏa thuận, nếu thấp hơn sẽ tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế.

Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng người dân khi mua bán đã trốn thuế và trục lợi. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan thuế phải kiểm soát việc mua bán bất động sản đúng giá trị thỏa thuận, chống thất thu thuế.

Qua đó, trong 5 tháng đầu năm 2022 đã thu được 16.200 tỉ đồng, vượt thu so với cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỉ đồng.

“Có những trường hợp ban đầu kê khai việc mua bán chỉ 500 triệu, nhưng sau khi được giải thích đã kê khai lại lên 10 tỉ đồng, gấp 20 lần. Cũng có trường hợp khai lại giá mua bán gấp 60 lần, còn bình quân là gấp 6 lần”, ông Phớc cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, vấn đề kiểm soát giá mua bán, chống thất thu thuế là việc cần thực hiện và đúng quy định. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan thuế nghiêm cấm cán bộ thu thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân.

“Nếu các cấp, các ngành giám sát thấy cơ quan thuế có nhũng nhiễu, lót tay, trục lợi, hối lộ thì sẽ xử lý nghiêm. Sắp tới, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, dữ liệu mua bán bất động sản để minh bạch hơn, chống thất thu thuế từ mua bán bất động sản”, ông Phớc cho biết.

 Việc chúng ta kiểm soát như hiện nay là phòng ngừa để không xảy ra các vụ án hình sự về thuế, ví dụ đối với người bán nhà trốn thuế thông qua kê khai hai hợp đồng có thể sẽ bị xử lý tội trốn thuế. Việc làm như thế này hoàn toàn đúng pháp luật.

Về thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay thị trường chứng khoán gồm có thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và phái sinh. Ông Phớc nhận định vừa qua thị trường chứng khoán rất tốt và là kênh gọi vốn, đầu tư trung dài hạn.

Ông ví dụ thị trường cổ phiếu năm 2021 đạt 7.774.000 tỉ, chiếm 92% GDP, tăng so với năm 2020 là 46,7%, bình quân giao dịch trên 26.000 tỉ. Hay thị trường trái phiếu, ngoài trái phiếu Chính phủ có trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 đạt 13.740.00 tỉ đồng, 15% GDP.

“Có thể thấy tỉ lệ % thị trường trái phiếu doanh nghiệp/GDP của nước ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, ví dụ Trung Quốc 35,6%, Nhật Bản hơn 17%. Do vậy, chúng ta vẫn có tiềm năng rất tốt để huy động vốn trên thị trường trái phiếu của doanh nghiệp”, ông Phớc nói.

Người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay một số vụ việc sai phạm vừa qua là do vi phạm các quy định Luật chứng khoán và một số nghị định liên quan như thao túng chứng khoán, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu… Những vụ việc này đang được xử lý nghiêm.

Bộ Tài chính đã yêu cầu Ủy ban chứng khoán và các các cơ quan kiểm tra vấn đề phát hành trái phiếu riêng lẻ và các công ty kiểm toán độc lập đã kiểm toán báo cáo tài chính của các công ty phát hành, từ đó phát hiện một số vi phạm. Dù vậy, ông Phớc vẫn bày tỏ tin tưởng thị trường chứng khoán sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả.

“Sắp tới chúng tôi sẽ trình Chính phủ sửa đổi nghị định 153 để thực hiện minh bạch tốt hơn, vận hành tốt hơn và bịt một số lỗ hổng. Đặc biệt phải sửa luật bởi hiện nay luật không khống chế điều kiện, mục đích phát hành hoặc bất cập trong việc quy định về vốn, chỉ tiêu nợ trên vốn sở hữu”, ông Phớc nói.

Đinh Phương

Theo Tuổi Trẻ