(Vtrend.vn) Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoàng Sơn chỉ ra nhiều “Thói hư, tật xấu” trong văn hóa ứng xử của người Việt hiện nay.

Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoàng Sơn trình bày tham luận tại hội thảo sáng nay, 16.3 /// Ảnh Lê Hiệp
Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoàng Sơn trình bày tham luận tại hội thảo sáng nay, 16.3

ẢNH LÊ HIỆP

Người Việt quá tin vào số phận, may rủi

Tham luận tại hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” sáng 16.3 trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019, ông Bùi Hoàng Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nhận định sự gắn bó, hòa mình vào thiên nhiên của người Việt đã hình thành lối sống lệ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào thiên nhiên ưu đãi, từ đó dễ sinh ra lười biếng lao động.
“Đối diện với sự biến thiên của tự nhiên, đáng lý ra người Việt phải biết tìm cách làm chủ và tự do trước thiên nhiên, người Việt lại quá lệ thuộc vào trời, nên người Việt thường tin vào số phận, may rủi, trông chờ vào thiên nhiên, dẫn đến người Việt thường dễ chán nản, chùn bước khi gặp phải khó khăn”, ông Sơn nhận định.
Theo vị viện trưởng này, lối tư duy và lối sống tiểu nông đã hình thành lối làm ăn tùy tiện, manh mún, không biết lo xa, hạch toán, thiếu khả năng lao động liên kết, thiếu đầu óc tính toán trong kinh doanh, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiển cận, thực dụng, tính tổ chức kỷ luật kém, tính cục bộ, phường hội, địa phương chủ nghĩa…
“Lối tư duy và lối sống tiểu nông cũng đã hình thành phương thức “ăn xổi, ở thì”, đề cao những lợi ích thiết thực ngay trước mắt chứ ít chú tâm đến những lợi ích chiến lược, lâu dài hay phải làm những gì có tính bền lâu”, ông nói thêm.
Cũng theo ông Sơn, cũng chính vì chịu ảnh hưởng bởi văn hóa với những chuẩn mực về việc học để vượt qua các kỳ thi, từ đó hưởng vinh hoa phú quý nên người Việt học hành thường không đến nơi đến chốn.
“Vào các thư viện trong các trường đại học ta thấy có người đến đọc sách, học tập, nghiên cứu không nhỏ, nhưng số người đến thư viện đọc sách, học tập, nghiên cứu vì say mê khoa học không nhiều. Họ đến đó đọc sách hay học tập để thi, để hoàn thành một chứng chỉ, hay làm xong một việc nhất định nào đó rồi bỏ đấy”, ông Sơn nói và cho rằng, khi học tập, nghiên cứu, người Việt nặng nề với giáo điều, sao chép và thuộc lòng các lý thuyết có sẵn, cũng vì thế không có tư duy phản biện, thiểu tự tin và không dám vượt bỏ quá khứ.

Một người làm thì tốt, ba người làm thì tồi, bảy người làm thì hỏng

Trọng danh, theo ông Sơn, cũng là một đặc trưng của người Việt. Trọng danh dẫn đến đức hiếu học khi một điều tra năm 1996 cho thấy, khoảng 60% công nhân Việt Nam mong muốn con cái mình trở thành trí thức, chỉ có số ít mong muốn con cái nối tiếp sự nghiệp của mình, tức trở thành công nhân.
“Song đi liền với tính trọng danh là thói háo danh, mua danh: được thể hiện rõ qua nạn bằng giả, bằng thật học giả trong xã hội hiện nay”, ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, tính gắn kết, cố kết cộng đồng là một trong những đặc điểm truyền thống nổi bật của người Việt Nam. Song, mặt trái của tính cộng đồng lại dẫn tới tính cục bộ, kéo bè, kéo cánh.
“Tình trạng níu kéo nhau, không muốn cho người khác hơn mình (khôn độc không bằng ngốc đàn), thói quen ghen ghét, đố kỵ khi thấy người khác hơn mình khiến cho người Việt không bao giờ tạo ra được một sự hiệp thông thống nhất. Điều này dẫn đến việc một người thì làm tốt, ba người thi làm tồi, bảy người thì làm hỏng”, ông Sơn nói.

Nhiều khi hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục

Dẫn lại kết quả Viện Nghiên cứu xã hội Mỹ về 10 đặc điểm cơ bản của người Việt Nam, ông Sơn cho biết, người Việt thông minh, sáng tạo song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn.
Bên cạnh đó, người Việt có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
Ông Sơn cũng cho hay, Viện Nghiên cứu xã hội Mỹ nhận định, người Việt yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục; thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh.
Vị viện trưởng cho hay, những kết quả nghiên cứu nêu trên khiến chúng ta phải nhìn lại mình, từ đó tìm cách khắc phục, vượt qua, phá bỏ những rào cản, những trở lực, những sức ì khá nặng nề cho bước đi lên của đất nước.
10 đặc điểm cơ bản của người Việt Nam theo Viện nghiên cứu xã hội học Mỹ:
– Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
– Thông minh, sáng tạo song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
– Khéo léo song không duy trì tới cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
– Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
– Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất căn bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì trí đam mê).
– Xởi lởi hiếu khách, song không bền.
– Tiết kiệm song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
– Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
– Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.
– Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh.
Mai Phương