(Vtrend.vn) Công ty Thiên Sơn tiếp tục phủ nhận trách nhiệm trong sự cố làm 9 bệnh nhân chạy thận thiệt mạng và cho biết sẽ kiện Bệnh viện đa khoa Hòa Bình vì không trả tiền theo hợp đồng.
Cuối phiên xét xử buổi sáng nay 22-5, chủ tọa công bố lời khai của ông Trương Quý Dương – nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình – vì đã triệu tập nhưng từ khi phiên tòa bắt đầu ông đều vắng mặt.
“Bán cái” hợp đồng cùng ngày ký với bệnh viện
Theo lời khai của ông Dương, sau khi ký hợp đồng sửa chữa hệ thống nước RO số 2, bệnh viện đã triển khai nội dung cụ thể. Ông Dương giao trách nhiệm cho Phòng vật tư phối hợp với khoa hồi sức tích cực chịu trách nhiệm thực hiện.
Các đơn vị này phân công cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm trực tiếp giám sát nhà thầu trong việc cung cấp thiết bị, giám sát quá trình lấy mẫu kiểm nghiệm… nếu đạt yêu cầu báo cáo lãnh đạo khoa, bệnh viện tổ chức nghiệm thu và nhận bàn giao.
Cũng theo lời khai của ông Dương, việc sửa chữa thay thế phải đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước sử dụng trong máy chạy thận nhân tạo, chịu sự giám sát của nhân viên bệnh viện. Chỉ được hợp nhất nguồn nước đưa vào chạy thận khi đảm bảo nghiệm thu và đã báo cáo lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa.
Ông Dương khẳng định hoàn toàn không biết việc Công ty Thiên Sơn đã “bán cái” cho Công ty Trâm Anh thực hiện việc sửa chữa hệ thống nước RO tại bệnh viện. Ông Dương đại diện bệnh viện ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn ngày 25-5-2017 nhưng ngay sau đó công ty này đã “bán cái” lại cho Công ty Trâm Anh trong cùng ngày.
Nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định bác sĩ Hoàng Công Lương được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Qua các lần kiểm tra hay họp ban giám đốc, trưởng khoa có báo cáo về việc bác sĩ Tình được giao quản lý đơn nguyên hồi sức tích cực, bác sĩ Lương phụ trách chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo.
Sau khi công bố lời khai trên, tòa hỏi ý kiến các bị cáo. Bác sĩ Hoàng Công Lương phản đối và tiếp tục khẳng định không được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Bị cáo Trần Văn Sơn thì cho biết mình không được cầm hợp đồng, không biết nội dung hợp đồng nên không nắm được việc phải lấy mẫu nguồn nước xét nghiệm đảm bảo an toàn mới nhận bàn giao thiết bị.
Ký hợp đồng không qua đấu thầu
Tại tòa, đại diện của Công ty Thiên Sơn cho biết đã thực hiện đúng các quy định pháp luật về đảm bảo hợp đồng ký với bệnh viện. Căn cứ hợp đồng dựa trên Bộ luật dân sự, luật kinh doanh thương mại, Công ty Thiên Sơn gửi báo giá đến bệnh viện không tham gia đấu thầu.
Chủ tọa đặt câu hỏi về việc tại sao trong hợp đồng ghi rõ căn cứ Luật đấu thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu? Đại diện Công ty Thiên Sơn cho rằng bệnh viện có cơ chế, ký hợp đồng phụ thuộc vào vốn ngân sách hay vốn ngoài nên phải căn cứ vào đấu thầu.
“Chúng tôi chấp nhận điều khoản và những phát sinh từ hợp đồng này. Đây là giao dịch dân sự có phát sinh quan hệ kinh tế, nội dung hợp đồng trọn gói, nghĩa là không thay đổi về giá trị, khối lượng, nội dung công việc trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng”, đại diện Công ty Thiên Sơn nói.
Công ty Thiên Sơn nói không có trách nhiệm
Tại tòa, đại diện Công ty Thiên Sơn tiếp tục khẳng định không có trách nhiệm trong thảm họa y khoa 9 người chết vì cho rằng nguyên nhân là do các bị cáo đưa thiết bị vào sử dụng khi chưa sửa chữa xong, chưa bàn giao thiết bị và thanh lý hợp đồng với bệnh viện.
Công ty Thiên Sơn cũng khẳng định không chịu trách nhiệm bồi thường mà chỉ “chia sẻ với nỗi đau của các gia đình nạn nhân”. Công ty đã chuyển 370 triệu đồng cho bệnh viện để hỗ trợ gia đình các bệnh nhân.
Đại diện Công ty Thiên Sơn khẳng định trong những lần sửa chữa trước đây chỉ bàn giao bằng văn bản không có hình thức bàn giao nào khác. Nếu sửa chữa thiết bị có liên quan đến nguồn nước thì điều kiện để bàn giao là phải lấy mẫu đi kiểm nghiệm và có kết quả đạt chuẩn.
Về việc các bị cáo và một số bác sĩ khai từ trước đến nay vẫn đưa thiết bị vào sử dụng ngay sau khi sửa chữa, việc lấy mẫu nước xét nghiệm được thực hiện sau đó để hoàn thiện hồ sơ về mặt thủ tục, đại diện Thiên Sơn cho rằng đây là “lời khai vô trách nhiệm”.
“Nếu như vậy thì rất nguy hiểm, bệnh viện trả lời thế là vô trách nhiệm, bệnh viện nói thế thì không cần phải cứu chữa người nữa. Nếu không xét nghiệm nguồn nước thì không thể đưa vào con người được. Nếu đã kiểm nghiệm nguồn nước tôi khẳng định không có chết người”, đại diện Công ty Thiên Sơn nói.
Công ty Thiên Sơn cho biết trong số 19 máy chạy thận đặt tại bệnh viện thì có 13 máy được công ty này lắp đặt hình thức xã hội hóa theo 4 hợp đồng. Hiện Thiên Sơn đã bàn giao 2 hợp đồng tương đương 8 máy chạy thận cho bệnh viện, chỉ còn 5 máy thuộc sở hữu của Thiên Sơn.
Theo các hợp đồng, Công ty Thiên Sơn được hưởng 90%, tương đương 7,7 USD/ca chạy thận, bệnh viện hưởng 10% và không phải đầu tư. Phía Thiên Sơn cũng cử kỹ thuật, bác sĩ lên tận bệnh viện đào tạo “cầm tay chỉ việc cho bác sĩ”, tài trợ cho các điều dưỡng đi tham gia tập huấn…
Công ty Thiên Sơn dọa kiện bệnh viện
Đại diện Công ty Thiên Sơn cho biết ngày 29-5-2017 và đầu năm 2018, nhận được 2 quyết định của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về xử lý hành chính và không trả tiền cho Thiên Sơn theo hợp đồng.
“Chúng tôi không đồng ý với bệnh viện nhưng chúng tôi thấy đây là quyết định hành chính. Chúng tôi sẽ xác định thiệt hại sau phiên tòa này và có thể khởi kiện ở vụ án khác” – đại diện công ty nói.
Theo tuoitre.vn
Minh Xuân