Thời gian qua, các bếp ăn dịch vụ đã cung cấp hàng nghìn suất mỗi ngày khi nhiều doanh nghiệp chú trọng chăm sóc nhân viên trong mùa dịch.

Từ khi đi làm trở lại vào ngày 4/10, Bảo Trâm – nhân viên truyền thông của một công ty bất động sản tại TP HCM – bắt đầu ăn theo khẩu phần do công ty đặt cho nhân viên vào mỗi buổi trưa. Phần ăn bao gồm cơm với một món chính, rau xào hoặc luộc, canh và tráng miệng bằng trái cây. Các phần ăn đều được làm mới mỗi ngày, chủ yếu là các món truyền thống. Thời gian tới, các món bún thịt nướng, mì xào… sẽ được thêm vào thực đơn.

Đổi lại, Trâm bị mất đi khoản phụ cấp ăn trưa 720.000 đồng. Chị chấp nhận điều này và cảm thấy thoải mái: “Đi làm trở lại trong mùa dịch, tôi và đồng nghiệp đều ngại ra ngoài mua thức ăn, thậm chí đặt shipper giao vẫn thấy chưa an toàn”. Chị cho rằng, việc công ty đặt phần ăn cho nhân viên sẽ hạn chế nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc.

Từ tháng 7, khi TP HCM giãn cách xã hội với các lệnh hạn chế đi lại, chị Nhi – thư ký một công trình xây dựng – đã tìm đặt dịch vụ giao phần ăn cho lao động theo yêu cầu của công ty. Số lượng mỗi ngày từ 50-55 phần và duy trì đến nay.

Trước đây, nhân viên bếp của công trình sẽ tự đặt mua thực phẩm và nấu ăn chia khay cho người lao động. Từ khi đặt dịch vụ giao phần ăn, chị Nhi nhận thấy giá rẻ hơn tự nấu vì đã bỏ bớt các chi phí gia vị, vệ sinh chén dĩa… Trong bối cảnh dịch bệnh, việc này cũng giúp đảm bảo sức khỏe cho lao động, bản thân chị cũng nhẹ được một phần việc vì công tác thanh toán rõ ràng, đơn giản hơn.

Không chỉ công ty của chị Nhi, giãn cách xã hội cũng là thời điểm các doanh nghiệp khác bắt đầu tìm kiếm và đặt các suất ăn cho nhân viên của họ, nhất là từ khi phải thực hiện “ba tại chỗ”. Chị Diệu Trần – chủ bếp La Mama, một đơn vị cung cấp suất ăn tại TP HCM – cho biết các đơn đặt hàng mà chị nhận trải đều cả ba buổi với số lượng khoảng 20-50 phần mỗi buổi. Doanh nghiệp lớn hơn có thể đặt 100-250 phần ăn.

Nhóm khách hiện tại của La Mama gồm nhân viên ngân hàng, giám đốc, trưởng phòng của các công ty, doanh nghiệp, nhân viên một số hãng hàng không… Theo chị Diệu Trần, nhóm khách hàng có thu nhập cao là những đối tượng chú trọng vào chất lượng bữa ăn, quy cách trình bày và chất lượng đóng gói hơn so với giá thành.

Do đó, ngoài khẩu vị và chất lượng món ăn, bếp của chị còn đầu tư sử dụng hộp giấy chuyên biệt để tăng tính thẩm mỹ. Giá trung bình một phần ăn trưa khoảng 58.000-89.000 mỗi người hoặc cao hơn, tùy vào nhu cầu của khách hàng.

Giai đoạn này, tuy không hoạt động suốt tháng nhưng bếp La Mama đã cung cấp khoảng 1.400-1.500 phần ăn mỗi tháng cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, lượng khách hàng đa dạng hơn so với thời điểm bán cho khách lẻ rất nhiều. Bếp cũng giữ được doanh thu bằng giai đoạn trước dịch, có lúc tăng lên 30-50%.

Không chỉ là cơ hội của các doanh nghiệp chuyên bán lẻ chuyển đổi phân khúc, đây còn là thời cơ cho các startup. “Giai đoạn này là khoảng thời gian tốt nhất để các công ty mới ra đời có cơ hội trau dồi và tích góp kinh nghiệm”, anh Võ Minh Hiếu – chủ bếp Đại Mộc chia sẻ.

Khởi động từ tháng 3, bếp Đại Mộc có được khách hàng đầu tiên là một doanh nghiệp sản xuất nhựa với số lượng gần 1.000 suất ăn mỗi ngày. Doanh thu tháng đầu tiên của bếp này đạt gần 392 triệu đồng.

Hiện tại, bếp Đại Mộc phục vụ khoảng 10 doanh nghiệp với công suất 2.000 suất ăn mỗi ngày. Các phần ăn được khách hàng ưa thích là món thuần túy Việt Nam, được chế biến gần gũi như bếp nhà. Đối với các xí nghiệp, mức giá trung bình khoảng 25.000 đồng mỗi phần, còn với khách văn phòng, giá dao động trung bình từ 35.000-50.000 đồng.

Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Đông Huy – founder và CEO nền tảng đặt dịch vụ ăn uống tận nơi dành cho doanh nghiệp Pito, xác nhận xu hướng đặt cơm văn phòng được các doanh nghiệp ưu tiên sử dụng trong thời gian qua. Từ tháng 7 đến nay, Pito phục vụ 47 doanh nghiệp với hơn 65.500 suất ăn thông qua 14 đối tác bếp ăn và nhà hàng. Trước đây, gần như đa số các doanh nghiệp không đặt cơm văn phòng cho nhân viên mà nhân viên chủ động đặt riêng, mang cơm theo hoặc ăn căn tin. Hiện nhóm doanh nghiệp ngân hàng và ngành dược sử dụng dịch vụ này nhiều nhất.

Giải thích về lý do xu hướng trên phát triển mạnh, ông Huy cho rằng trước hết dịch vụ đặt phần ăn đáp ứng nhu cầu thể hiện sự quan tâm, chăm lo của doanh nghiệp dành cho nhân viên khi làm tại văn phòng trong giai đoạn khó khăn, “ba tại chỗ” trước đây hoặc bình thường mới sau này. Dịch vụ trên cũng đảm bảo an toàn phòng dịch vì việc đặt – giao phần ăn chung một đầu mối, hạn chế tiếp xúc nhiều người không cần thiết.

“Trong bối cảnh bình thường mới, khi tình hình dịch chỉ vừa có các tín hiệu đáng mừng nhưng chưa thể kiểm soát hoàn toàn, nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng đối với dịch vụ cơm văn phòng giao tận nơi sẽ ngày càng cao”, ông Huy dự đoán.

Theo ông, sự thay đổi trong nhận thức về an toàn phòng dịch và hành vi ăn uống tại văn phòng đã khác trước. Dân công sở sẽ quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe để lựa chọn món ăn, cũng như hạn chế ra ngoài ăn ở những chỗ đông đúc để tránh lây bệnh.

Nhiều công ty đã chú trọng hơn những bữa ăn trưa và đưa phần này vào chính sách đãi ngộ cho nhân viên. “Thời gian tới, có thể nảy sinh một số thay đổi nhỏ như họ sẽ không còn đặt cơm cho toàn bộ công ty mà chỉ đặt cho vài bộ phận đặc thù hoặc những nhóm nhỏ vẫn cùng đặt để tiện lợi và tiết kiệm hơn”, ông nói thêm.

Phần ăn có giá 40.000 đồng đang được nhân viên một bếp ăn chuẩn bị. Ảnh: Mạnh Khang

Phần ăn có giá 40.000 đồng đang được nhân viên một bếp ăn chuẩn bị. Ảnh: Mạnh Khang

Tuy nhiên, dịch vụ giao phần ăn cho doanh nghiệp cũng dần xuất hiện một số thách thức. Ngoài việc phải đảm bảo phòng dịch, ông Huy cho rằng, khi các hàng quán được bán trở lại, đòi hỏi các phần ăn theo số lượng lớn phải ngày càng nâng cao về chất lượng và sự đa dạng. Áp lực cạnh tranh là điều khó tránh khi nhiều đối tác bếp ăn có thể cùng hợp tác với nền tảng trung gian như Pito hay việc mua các nguyên liệu cũng “dễ thở” hơn so với giai đoạn căng thẳng trước đây.

Anh Hiếu – chủ bếp Đại Mộc – cũng lường trước tính cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Anh cho rằng, nhiều công ty có thể hạ thấp giá thành để đấu thầu, dẫn đến việc chất lượng sản phẩm cung ứng cho công nhân bị giảm….

Ngoài ra, theo chị Diệu Trần – chủ bếp La Mama, áp lực rất lớn đến từ giá cả nguyên vật liệu thay đổi thất thường do ảnh hưởng dây chuyền từ đại dịch, vận chuyển khó khăn. Nhân sự trong ngành phải đáp ứng nhiều điều kiện phòng dịch mới có thể đi làm. Doanh nghiệp ngoài đảm bảo vệ sinh thực phẩm, còn phải đảm bảo sức khỏe cho nhân viên, đối tác và khách hàng.

“Đồng thời, trong giai đoạn này, nguồn doanh thu từ buôn bán tại chỗ vẫn bằng không, nên bài toán cân đối cho các chi phí cố định so với doanh thu có được vẫn khá nan giải”, chị nói thêm.

Mia