(Vtrend.vn) Hành trình xuyên 2 nước, băng qua 3 hòn  đảo lớn nhỏ, 4 tỉnh thành trong 8 ngày, 7 đêm và 6 chuyến bay.

Chuyến Presstrip mùa Thu (Chương trình tham quan, khảo sát tuyến điểm du lịch dành cho báo chí) do Tổng cục du lịch Hàn quốc tại Việt Nam (KTO) kết nối 7 thành viên chúng tôi đến với xứ sở Kim chi rồi vượt biển sang thăm đất nước Mặt trời mọc.

Chương trình do văn phòng trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh Jeonnam, Jeju – Hàn quốc và tỉnh Fukuoka, Yamaguchi – Nhật bản phối hợp tổ chức.

Ốc đảo tình yêu

Chặng đầu tiên, sau 7 tiếng bó gối chồn chân từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Seoul – thủ đô Hàn quốc, chúng tôi lại tiếp tục nối tuyến đến Jeju, nơi được mệnh danh với tên gọi mỹ miều Ốc đảo tình yêu bởi cảnh quan thiên nhiên lãng mạn, hữu bình và là nơi chứng nhân cho biết bao cặp đôi đến đây hẹn hò, trăng mật hoặc chụp album hình cưới.

Hấp dẫn hơn, tại đây còn có Khu vườn tình ái – Love Land mà theo lời bạn Nguyễn Kim Liên – Hướng dẫn viên Shinwall Travel, được đề cử kiêm luôn chức Trưởng đoàn, giới thiệu một cách bí ẩn và lấp lửng theo kiểu: “chuyện mà ai cũng biết mà không nói ra í” càng làm chúng tôi thêm tò mò, rạo rực.

Và cuối cùng, đến tận nơi kích mục sở thị và thật sự “chạm” vào thì trong mỗi chúng tôi, ai cũng phải ồ…, à… xuýt xoa thán phục. Có lẽ thời điểm tham quan vào buổi đêm cũng đã giảm bớt đi sự ngại ngùng. Trong cảnh tranh tối tranh sáng đầy ma mị, các cặp đôi nam nữ quấn quít bên nhau tình tứ thật không bút nào tả xiết, thật đẹp và cũng thật “quái dị”. Bỏ qua những bở ngỡ, e dè ban đầu, càng xem càng thích thú bởi cái cách mà họ, những họa sĩ, điêu khắc gia đã khắc họa lại chuyện ái ân một cách tài tình đến thế. Tổng thể gần 150 bộ tượng điêu khắc trưng bày tinh tế tại đây.

Không thể thiếu trong hành trình thăm thú Đảo Yêu là việc thưởng thức tại chỗ món bào ngư tươi roi rói vừa được các nữ thợ lặn địa phương mò bắt lên. Vị ngon ngọt, dòn sần sật của bào ngư đẫm tương ớt, ngọt mềm của hàu sống kèm tí mù tạt cay xè, chẳng mấy chốc đĩa tôm, cua, ốc, mực, bạch tuộc v.v.. hết veo.

Cuối buổi, nhà báo Nguyễn Đức Xuyên – Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Việt Nam tấm tắc mãi: “Loại sơn hào hải vị đại bổ này kèm tí Sochu đưa cay, đúng là tuyệt thật anh ạ”. Quả thật, trong buổi bình minh biển sớm, veo véo gió luồn qua kẽ đá ở Mõm Đầu rồng, cảm giác lâng lâng, bềnh bồng theo chúng tôi mãi đến lúc máy bay hạ cánh xuống sân bay Gwangju, tỉnh Jeollanam-do (Jeonnam).

Từ đất liền ra đảo Jeju khá dễ dàng bằng đường hàng không và đường biển. Đặc biệt đối với du khách Việt, chính sách miễn thị thực nhập cảnh tại “Hòn đảo tự trị” (Tỉnh tự trị đặc biệt Jeju) này khá thông thoáng khi khách đáp thẳng chuyến bay từ Việt Nam tới Jeju mà hành trình không đi tiếp vào nội địa xứ Hàn.

Đằng vân qua eo biển xanh

Đến ốc đảo tình yêu Jeju trong chiếc hộp sắt biết bay bít bùng, ngắm nhìn toàn cảnh biển đảo Jeju qua ô cửa sổ tròn tròn, nhỏ tẹo so với việc “bay là đà” qua đảo Dolsan bằng cabin cáp treo trong suốt, quả là điều kì thú bạn không thể bỏ qua khi đến tham quan thành phố Yeosu của tỉnh Jeonnam này.

Càng tuyệt vời hơn khi được lặng ngắm mặt trời mọc trên vịnh biển Suncheon từ tầng 15 MVL hotel Yeosu là một trãi nghiệm tuyệt vời khó quên. Cả không gian lẫn thời gian như hòa làm một bởi óng ả một màu vàng rực, đánh thức cả Yeosu bừng tỉnh giấc. Còn về đêm, rực rỡ ánh đèn hắt lên từ chương trình Big O show trong Khu phức hợp triển lãm quốc tế Yeosu Expo. Ắt hẳn show nhạc nước kèm phun lửa này sẽ khiến các bạn từ ấu nhi cho đến sồn sồn cũng phải mồm chữ O mắt chữ A trầm trồ thích thú.

“Đằng vân” qua eo biển xanh trên vịnh Suncheon bằng tuyến cáp treo Yeosu dài 1,5km sẽ lướt ngang cầu dây văng Geobukseon tuyệt đẹp nối liền bán đảo Yeosu ra đảo Dolsan (cầu Geobukseon còn gọi là cầu Dolsan II – dài 464m, xây dựng vào 6/2008 – khánh thành 4/2012 với 4 làn xe). Ngoài ra, để qua đảo Dolsan, còn cầu Dolsan I nhỏ và ngắn hơn, thông xe vào năm 1985. Thời khắc vàng để ngắm nhìn hai chị em cầu Dolsan là lúc bình minh vừa đủ ửng hồng đôi má hoặc khi hoàng hôn vừa nhạt màu nắng, hai chị em khác nào các nàng tiên cá kiều diễm, hững hờ tựa mình vắt qua đôi bờ phơi nắng sớm.

Trước khi chia tay hòn đảo yên bình và tĩnh lặng này, chia tay những cây cầu nối nhịp bờ vui, chúng tôi được phen vận động chân tay bằng bài tập thể dục đạp xe trên đường ray xe lửa nằm cách Yeosu Expo 2km theo đường chim bay. Đây là đường ray dọc biển, xây dựng vào thời kì Phát xít Nhật chiếm đóng, đoạn ray này bị bỏ hoang nhiều năm trước khi được đưa vào khai thác du lịch.

Loại xe đạp 4 bánh thiết kế với 4 chỗ ngồi, di chuyển nhờ sức người qua 4 guồng đạp. Tất nhiên với kiểu truyền động chung này có cái lợi là khi người này mệt thì có thể nghỉ, nhường việc gò lưng đạp xì khói cho các thành viên khác. Ấy vậy mà tại cung đường ray ôm bọc bờ  biển Yeosu lồng lộng gió, thật phi thường, chị Chung Dung – Chủ biên tờ Kiến thức du lịch, lại là thành viên nhẹ cân nhất đoàn vẫn đạp lã lướt về đích, nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng.

Mênh mang cánh đồng ngập mặn vịnh Suncheon

Cơn gió thoảng của chị Dung tiếp tục “thổi” chúng tôi tới Vịnh biển Suncheon, nơi có Vườn quốc gia vịnh sinh thái cùng tên. Nơi này luôn thu hút đông đảo du khách tham quan bởi cảnh đẹp hoang sơ đầy mê hoặc.

Du khách đến đây không chỉ để tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng mà còn để  hòa mình vào với thiên nhiên đến ngút ngàn. Không gian bao la rộng lớn của bức tranh sơn thủy khổng lồ, biến vùng ngập nước ven biển Vịnh Suncheon chính thức trở thành khu bảo tồn quốc gia Ramsar vào năm 2006.

Trecking trên con đường lát gỗ quanh co, khúc khuỷu đưa chúng tôi như chìm trong cánh đồng lau sậy bạt ngàn. Đầu Thu, màu xanh mơn man dần chuyển sang sắc vàng, mỗi cơn gió thoảng qua, cả cánh đồng lau vàng ươm lại dập dờn trong gió, trông thật ngoạn mục và hữu tình. Ngoài thảm thực vật phong phú, tại đây còn bảo tồn hàng trăm loài động vật khác nhau. Hàng năm mỗi độ Đông về, đàn sếu hàng ngàn con ríu rít bay về tránh rét.

Diện tích khu vịnh biển Suncheon 26,5 cây số vuông, gồm bãi bồi và bãi sậy. Bãi bồi ngập đầy bùn lầy, bằng mắt thường có thể dễ dàng nhìn thấy cư dân chính nơi này là loài cua và một số loài cá nhỏ. Thi thoảng, bất ngờ vài cánh chim trời sà xuống gắp cá.

Đến nơi này, chỉ còn mỗi cảm giác thật thanh bình. Bạn Nguyễn Thị Cẩm Thư – Biên tập viên Đài truyền hình TPHCM cảm thán.

Chuyện chim trời cá nước sẽ tiếp tục trong một hành trình khác vì em Phạm Thị Thu Hường, HDV tại Hàn quốc hốt hoảng, tong tả chạy đi tìm anh chàng cameraman của đội HTV. Lạc trong biển người tại đây thì khả năng cuộc tìm sâm phải đình trệ mất. May thay, túm được anh chàng to, đen nhưng không hôi tại đầu cầu khi đang bấm shot cuối, lướt theo vài chú sếu bổ nhào. Tươi như hoa, em Hường gióng giả: Nhanh lên mọi người ơi, sâm sâm sâm…

Câu hiệu lệnh thúc giục: “Sâm sâm sâm” bắt đầu xuất hiện từ đây. Chặng tiếp theo do chưa thuộc khẩu lệnh, tôi phải một phen giật mình hoảng hốt khi xém lạc lối trong ngôi làng cổ với những con đường vòng vèo, đan xen nhau như bát quái trận đồ.

Lạc bước ở ngôi làng đẹp như trong truyện cổ tích

Làng truyền thống Naganeupseong thuộc tỉnh Jeonnam, ngôi làng văn hóa dân gian này vẫn mộc mạc những phong tục tập quán của triều đại Joseon cổ xưa (kéo dài hơn 500 năm, 1392 – 1910). Để đến đây, từ trung tâm thành phố Suncheon có thể bắt taxi hoặc xe bus Jonghap tuyến 63 và chỉ mất tầm tiếng rưỡi cho quảng đường gần 30 cây số.

Băng qua cổng thành cao nghệu, một không gian khác mở ra và chúng tôi chính thức bước vào câu truyện cổ tích từ hàng trăm năm trước.

Vào đúng dịp làng tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm, nườm nượp khách khứa từ khắp nơi đổ về; cả một rừng người nô nức trẩy hội. Theo lời bác hướng dẫn viên địa phương đưa chúng tôi đi tham quan: Làng hiện có 85 gia đình, với khoảng 229 nhân khẩu; nơi này hiện được bảo tồn và phục dựng kì công nên vẫn giữ nguyên vẹn nét cổ kính thời xưa. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, tôi nhẩm đếm được khoảng 200 nóc nhà to nhỏ như thế.

Vừa đi vừa mãi mê ghi lại những hình ảnh sống động của một làng quê mộc mạc như trong truyện cổ tích. Thú thật, do mãi mê mẩn ngắm nhìn cô dâu xinh xắn, trắng trẻo trong bộ Hanbok đỏ rực qua khung ngắm máy ảnh, tôi ngơ ngẩn để lạc mất đoàn mình lúc nào không biết. Cứ thế, cuốn theo đám rước và nàng dâu xinh đẹp, tôi băng qua những ngôi nhà tranh vách đất mái phủ rơm, hình dạng khum khum như bàn tay úp, trông thật ngộ nghĩnh. Đến đoạn ngang qua hàng cột gỗ phù điêu làm từ những thân cây khô khốc, xù xì đen xạm, chạm khắc những hình nhân lạ lùng, tôi mới giật mình: Quái thật, đoàn mình lạc trôi vào xứ nào nhỉ!.

Tìm đường tắt quay lại cho nhanh thì càng rối rắm hơn bởi đường ngang, lối dọc ngoằn ngoèo như mê cung. Mãi sau mới ra đến đoạn giữa làng, khoảng không gian mở rộng hơn với tòa biệt phủ lợp ngói nguy nga, cổ kính. Sát bên, dân làng dựng lên một khán đài và rất đông khán giả đang xem chương trình biểu diễn; trên sân khấu các thiếu nữ xúng xính trang phục cổ truyền múa hát trong làn điệu dân ca.

Thở phào nhẹ nhỏm khi may mắn gặp lại đoàn lúc các thành viên còn đang hăng say hái hồng bằng cây sào tre dài ngoẳng. Bạn Liên trưởng đoàn lại tí tởn khoe: Ối, em vừa vặt được quả hồng to vãi.

Vào mùa thu hoạch, nổi bật trên nền trời xanh thẩm, chi chít trên cành, một màu cam pha đỏ của vườn hồng trĩu quả, trông thật hấp dẫn. Du khách được tự tay mình hái những quả hồng chín mọng, ngon ngọt thì quả là điều tuyệt thú. Nếu không vội chương trình săn tìm củ sâm quý xứ Cao ly cách xa hàng trăm cây số ở Busan, chắc chắn chúng tôi sẽ còn tham dự nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn khác tại đây như: cà kheo, thả diều, hóa trang, tháp người, làm nông v.v..

Sâm Cao ly

Nhân sâm là loại dược liệu quý, ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể còn có thể chữa bách bệnh. Sâm cao ly Hàn quốc được đánh giá là tốt nhất. Sâm có nhiều loại, sau qua trình tuyển lựa khắt khe từng giai đoạn; sau 6 năm kì công, khoảng tháng 9 – 12 là mùa thu hoạch. Sâm đạt chuẩn thường phải đạt từ 4 – 6 năm, 1 kg trung bình từ 3 – 8 củ, giá khá đắt, còn những củ không đạt chuẩn, được loại dần và bán rẻ như rau. Hàng năm, tại Hàn quốc sản xuất trung bình khoảng 30 tấn nhân sâm, thu về hàng trăm triệu USD.

Về tới Busan, chúng tôi vẫn kịp ghé ngôi chợ chuyên về “kính thưa các loại sâm” để tuyển vài kí “Cao ly” đem về ngâm rượu. 20 giờ 30 phút, còn duy nhất mỗi tiệm (đã alo hẹn trước) chưa phủ bạt. Không sao, trước khi cổng chợ sập xuống, 30 phút vẫn kịp chán thời gian cho mọi người tuyển lựa: nào rượu thuốc, rượu bổ, rượu sâm, sâm củ, sâm miếng, sâm dẽo, kẹo cứng v.v.. và cả mấy hộp thuốc sâm “hồi tỉnh” cũng được các thành viên lỉnh kỉnh tay nách xách mang tha về khách sạn.

Thủ tục check-in khách sạn khá muộn sau chặng đường dài, mãi khuya đoàn chúng tôi vẫn còn lục đục với việc xếp sâm và chuẩn bị hành lí để sáng hôm sau chia tay xứ sở của sâm Cao ly, tiếp tục hành trình tìm về nơi Mặt trời mọc.

Sáng ra, Trương Ngọc Bảo – Phóng viên Đài truyền hình HTV còn ngái ngủ, làu bàu: Quái thật, đêm qua, cứ nghe vẳng vẳng ở đâu hình như có tiếng hô: sâm sâm sâm cùng tiếng  tiếng nện thình thịch cả đêm.

Nhà Xuyên tủm tỉm: Đêm qua hẳn là anh Long bị sâm với bào ngư hành chú ạ.

(Còn tiếp)

Mỏm đá Đầu rồng
Bình yên Jeju
Điêu khắc tượng trong Khu vườn tình ái

 

Đạp xe trên đường ray xe lửa – Bicycle rail Yeosu

 

Nghi thức đón chào du khách trước cổng Làng truyền thống Naganeupseong
Đám rước dâu theo phong tục cổ truyền

Hữu Long

(Doanh nghiệp viết)