(Vtrend.vn) Với các thông số của bệnh nhân được đưa vào, hệ thống này sẽ tính toán, rà soát qua hơn 15 triệu hồ sơ bệnh án, các phác đồ mới cập nhật để đưa ra những gợi ý về phác đồ điều trị ung thư tốt nhất cho người bệnh. Bác sĩ là người quyết định cuối cùng dựa trên những gợi ý này.
Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ là 2 bệnh viện ở miền Bắc triển khai thử nghiệm “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư”.
Sau 3 tháng triển khai, hơn 200 bệnh nhân ứng dụng phương pháp này tại hai bệnh viện cho thấy kết quả đạt được cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống đưa ra và phác đồ của bác sĩ của bệnh viện là trên 90%.
“Ưu điểm nổi bật của hệ thống, đó là đưa ra những phác đồ gợi ý dựa trên việc tiếp cận dữ liệu hồ sơ bệnh án và y văn nhanh cũng như các phác đồ điều trị tiên tiến, mới nhất trên thế giới. Cho tới nay, WFO hỗ trợ các thông tin liên quan tới 13 loại ung thư và hệ thống đã triển khai tại hơn 80 bệnh viện và cơ sở y tế tại 13 quốc gia trên toàn thế giới. Phác đồ mà hệ thống đưa ra đều có những bằng chứng khoa học, nghiên cứu chứng minh”, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết.
PGS Quảng cho biết thêm, tại Bệnh viện K, hệ thống được đưa vào thử nghiệm từ cuối tháng 1/2018 trên số lượng 200 ca bệnh, tập trung phần lớn là bệnh ung thư vú, phổi ở giai đoạn sớm.
Sau 3 tháng triển khai thử nghiệm, kết quả đạt được cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ mà hệ thống đưa ra và phác đồ của bác sĩ của bệnh viện là trên 90%. Điều này cho thấy các bác sĩ của bệnh viện đã cập nhật và sử dụng các phác đồ điều trị ung thư tiên tiến trên thế giới.
Tương tự, tại BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau hơn 3 tháng triển khai hệ thống này, 19 bệnh nhân được ứng dụng trong điều trị mang lại hiệu quả tốt.
BS Trần Xuân Vĩnh, Trung tâm ung bướu BV Phú Thọ, cho biết để đưa ra phác đồ điều trị ung thư, bác sĩ luôn cập nhật, tham khảo những hướng dẫn điều trị chuẩn trên thế giới, từ đó đưa ra các gợi ý lựa chọn, kế hoạch điều trị.
Với hệ thống này sẽ hỗ trợ bác sĩ “quét” dữ liệu nhanh và đưa ra các phác đồ gợi ý chuẩn nhất. BS tham khảo và là người đưa ra phác đồ điều trị hợp lý nhất cho hoàn cảnh thực tế của bệnh nhân, của bệnh viện.
“Khi đưa những thông tin về chẩn đoán, giai đoạn bệnh, giải phẫu bệnh, xét nghiệm, kết quả chiếu chụp, đột biến gen… để hệ thống ghi nhận, đối chiếu với kiến thức từ đó đưa ra những gợi ý phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân ung thư. Giá trị nhất, đó là các gợi ý được đưa ra đều được dẫn chứng bởi các nguyên cứu, bằng chứng để bác sĩ dựa vào bằng chứng xem xét kĩ hơn các phác đồ”, BS Vĩnh nói.
Đứng trước một người bệnh, sau khi khám, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh để đưa ra chẩn đoán đúng, chọn phác đồ điều trị cho người bệnh hết sức quan trọng. Hệ thống giúp các bác sĩ tiết kiệm thời gian do quét được cơ sở dữ liệu lớn, chọn lọc ra các phác đồ chuẩn. Tuy nhiên để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất bác sĩ là người lựa chọn cuối cùng, phải có kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong điều trị ung thư.
TS Quảng cũng cho rằng, y học dựa trên bằng chứng là cách tiếp cận phổ biến hiện nay. Hệ thống này đưa ra những bằng chứng khi lựa chọn phác đồ điều trị. Hệ thống đặc biệt hữu ích trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của bác sĩ, đặc biệt là các bác sĩ trẻ và nhất là tại tuyến tỉnh. Vĩnh cho rằng nó cũng mang lại giá trị tinh thần cho người bệnh rất lớn, bởi họ được nhìn thấy những cơ sở cho việc chữa trị, dựa trên các bệnh án tương tự được tập hợp nhiều nơi trên thế giới, mang lại giá trị tinh thần rất lớn cho người bệnh.
Các chuyên gia cũng lưu ý, nhiều người đang hiểu lầm cho rằng đây là một phương pháp điều trị khỏi ung thư hoàn toàn. Thực tế đây không phải là phương pháp chẩn đoán hay điều trị ung thư mà là phương tiện gợi ý, giúp bác sĩ chuyên ngành ung thư có thêm sự lựa chọn, tham khảo trong quá trình điều trị.
Việc quyết định điều trị cuối cùng cần thiết phải dựa trên kiến thức, kỹ năng của bác sĩ chuyên khoa trên từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, đặc biệt những ca bệnh khó cần dựa trên quyết định của tiểu ban chuyên khoa (tumour board), bao gồm bác sĩ phẫu thuật, xạ trị, nội khoa, cận lân sàng… bởi lẽ điều trị ung thư không những cần áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mà còn đòi hỏi cả nghệ thuật, kinh nghiệm của người thầy thuốc.
BS Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm ung bướu Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho rằng, khi ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn tốt. Hệ thống này không thể thay thế được con người, mà những chỉ định cận lâm sàng hợp lý để đưa ra thông tin càng chính xác bao nhiêu vào phần mền càng đưa ra được phác đồ điều trị hiệu quả nhát cho bệnh nhân.
Trước khi ứng dụng hệ thống, các bác sĩ cũng hội chẩn đưa ra phác đồ điều trị, cho thấy tương đồng cao với hệ thống đưa ra.
TS Quảng cũng khẳng định: “Xu hướng điều trị ung thư là cá thể hóa và việc đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào đặc điểm của từng bệnh nhân, chỉ có bác sĩ mới đưa ra các chỉ định tinh tế phù hợp với điều kiện sinh học và hoàn cảnh xã hội khác nhau của từng người bệnh. Vậy nên, hiện tại và lâu dài hệ thống này không thể thay thế bác sĩ trong việc khám, chẩn đoán và quyết định điều trị lâm sàng và càng không phải là phương pháp điều trị, mà là một công cụ hỗ trợ, gợi ý cho bác sĩ”, PGS.TS Lê Văn Quảng khẳng định
TS.BS Đào Văn Tú, Phụ trách Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Viện ung thư quốc gia cho biết thêm, trong 200 bệnh nhân được ứng dụng hệ thống thì có 7 trường hợp không tương đồng khi thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư.
BS Vĩnh nhấn mạnh thêm: “Bác sĩ sẽ là người cụ thể hóa phác đồ phù hợp với từng bệnh nhân, điều kiện bệnh nhân cũng như điều kiện về thuốc men, phương tiện kỹ thuật mà đơn vị điều trị có”, BS Vĩnh cho biết.
Theo Dân Trí
Minh Xuân