(Vtrend.vn) Dù chỉ trong 3 phiên giao dịch nhưng vẫn có cổ phiếu tăng giá 30% thậm chí là 40%.
Ngay sau kỳ nghỉ lễ dài, thị trường tiếp tục điều chỉnh nhẹ. Trong phiên đầu tuần, áp lực bán mạnh đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn ‘nằm sàn’, sự tiêu cực chỉ hạ bớt trong hai phiên cuối tuần nhưng phân hóa mạnh ở nhóm vốn hóa lớn.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 2,23% xuống 1.026,8 điểm. HNX-Index giảm 0,06% xuống 122,57 điểm. UPCoM-Index giảm 0,8% xuống 56,12 điểm.
Điểm đáng chú ý của thị trường tuần qua là việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nằm sàn liên tục.
Trên sàn HOSE, dù không thuộc top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất nhưng GAS là một trong các tác nhân chính kéo chỉ số giảm. Trong tuần, GAS giảm từ 111.500 đồng/CP xuống 98.000 đồng/CP, tương ứng giảm 12%. Đáng chú ý, do tuần qua thị trường chứng khoán chỉ giao dịch 3 phiên nên với mức giảm 12 của một cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS là điều làm ảnh hướng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Nếu tính rộng hơn thì GAS đã có 4 phiên giảm sàn liên tiếp và chỉ chịu dừng lại trong phiên cuối tuần.
Một cổ phiếu cũng thuộc nhóm dầu khí là PVD đứng ở vị trí thứ 10 về mức giảm tại sàn HOSE. PVD chỉ sau 3 phiên giao dịch đã mất 13,24%.
Trong top 10 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HOSE có 2 cái tên thuộc nhóm vốn hóa lớn đó là NVL và HSG. Trong tuần, NVL giảm 15,45% từ mức 61.500 đồng/CP xuống 52.000 đồng/CP. HSG có 2 phiên giảm sàn và hồi phục nhẹ vào phiên cuối tuần, tính chung cả tuần HSG giảm 14,6%.
Trong khi đó, dẫn đầu danh sách giảm giá là PLP với 17,5%. Đà giảm sâu của PLP bắt đầu sau khi cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra. ĐHĐCĐ của công ty đã thông qua việc phát hành 15 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tương đương tỷ lệ 100%) với giá 12.000 đồng/cp. Mức giá chào bán này thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của PLP tại ngày 31/12/2017 là 13.575 đồng/CP và giá đóng cửa trung bình của cổ phiếu PLP trong 100 phiên giao dịch (từ ngày 9/11/2017 – 9/4/2018) là 21.999 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, trong top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HOSE chỉ có 5 mã tăng giá trên 10%. Dẫn đầu danh sách này là TCH với 12,69%; tiếp đến là TLD với mức tăng 12%.
Trên sàn HNX, vẫn có những cổ phiếu tăng giá trên 20% chỉ sau 3 phiên giao dịch. Cái tên đầu tiên là KTS, cổ phiếu này tăng 25,2%. Đáng chú ý, trong tuần trước, KTS đã có trọn vẹn 4 phiên giảm sàn.
Tiếp đến, CAG cũng tăng gần 21% sau 3 phiên. Tuy nhiên, CAG là cổ phiếu có thanh khoản rất thấp, mỗi phiên CAG chỉ giao địch được vỏn vẹn 100 cổ phiếu.
Trong khi đó, dẫn đầu danh sách giảm giá sàn HNX là MAS với 19,4%. SMT và DST giảm lần lượt 17% và 16,3%.
Còn tại sàn UPCoM, biên độ tăng/giảm giá vẫn là lớn nhất. Nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy những cổ phiếu tăng giá trên 30% thậm chí là 40% chỉ sau 3 phiên. Trong đó, SD8 dù thị giá hiện tại chỉ là 294 đồng/CP nhưng trong tuần cổ phiếu này đã tăng 47% chỉ trong 1 phiên.
Tiếp sau đó là BAL, cổ phiếu này đã tăng gần 40% trong 1 phiên với lượng khớp lệnh vỏn vẹn 100 cổ phiếu/
Việc cả SD8 và BAL có mức tăng mạnh như trên chỉ sau 1 phiên là điều không quá khó hiểu khi theo quy định cổ phiếu không có giao dịch trên 25 phiên giao dịch liên tiếp, trong ngày đầu tiên giao dịch trở lại, biên độ dao động giá được áp dụng là ± 40% so với giá tham chiếu.
Trong khi đó, L63 là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn UPCoM với 26%. 4 cổ phiếu khác là VPC, SJM, SVH và BHA đều giảm trên 21%.
Theo ndh.vn
Minh Xuân