(Vtrend.vn) Làm sao để phân bổ những công việc không bị xáo trộn lẫn nhau và khiến chúng ta mất tập trung? Đây là câu hỏi mà rất nhiều các bạn sinh viên phải trả lời.
Rõ ràng, sống có kế hoạch và làm việc năng suất là cả một quá trình luyện tập. Đối với các bạn sinh viên vừa học, vừa tham gia các hoạt động ngoại khóa và làm thêm, việc lập thời gian biểu là rất quan trọng.
Nhưng lập được thời gian biểu rồi, làm thế nào để bạn có thể giữ đúng “tiến độ” làm việc mà không bị mất tập trung? Hãy tham khảo ngay 3 cách sau đây:
Luôn ép bản thân tìm cách giải quyết khác
Mỗi khi gặp một vấn đề khiến công việc trở nên “tắc nghẽn”, bạn phải luôn tự ép bản thân tìm một cách giải quyết khác nếu muốn lịch trình của mình không thay đổi.
Việc tự ép bản thân vào guồng suy nghĩ này sẽ khiến bạn đưa ra đáp án một cách dễ dàng cho câu hỏi: Nên tiếp tục làm hay dừng lại và tập trung cho chuyện khác?
Câu hỏi này sẽ giúp bạn không chỉ tăng hiệu quả công việc mà còn giúp bạn giảm thiểu thời gian ngồi nghĩ về những vấn đề. Lo lắng vốn dĩ chẳng giải quyết được điều gì. Không chỉ vậy, “độ ăn hại” của nó còn tăng lên gấp đôi khi ngốn quá nhiều thời gian. Do đó, vứt bỏ hẳn một vấn đề nào đó ra khỏi tâm trí sẽ khiến bạn đưa ra quyết định đúng đắn hơn với các công việc khác.
Đừng để vấn đề “nằm” đó, hãy đặt câu hỏi cho cách giải quyết!
Một tâm lí bình thường của rất nhiều các bạn sinh viên khi gặp khó khăn trong công việc, học tập là… than vãn. Tuy nhiên, việc ngồi than thở không hề giúp bạn động não để tìm ra bản chất thực sự của vấn đề. Vì thế, theo các chuyên gia, bạn rất nên đặt một câu hỏi khá “thừa” để kích thích não bộ hoạt động: “Vậy cách giải quyết là gì?”
David Allen, tác giả cuốn sách Getting Things Done, đã từng lí giải rằng câu hỏi này giống như một cách để con người ta “tỉnh ngộ” trong hoàn cảnh khó khăn. Nếu biết phân bổ thời gian một cách khoa học, bạn phải học cách nghĩ mình sẽ làm được. Và quan trọng hơn, bạn phải thực sự bắt tay vào làm.
Ví dụ, một bài tập về lập trình chỉ có thể làm khi bạn thực sự ngồi trước máy tính. Nếu đang đi chơi với bạn bè hay lái xe trên đường, đừng cố gắng nghĩ về nó. Bởi chắc chắn bạn sẽ chẳng làm được gì cả.
Tập trung vào một việc quan trọng
Để có thể phân bổ thời gian tốt hơn, bạn nên nhìn vào môi trường xung quanh và nghĩ xem: Mình hợp làm việc gì tại địa điểm nào nhất? Những việc nên kết hợp cùng làm với nhau? Thời điểm nào cho từng công việc cụ thể?
Ví dụ, khoảng thời gian dắt chó đi dạo chính là lúc đầu óc bạn đủ thảnh thơi để nghĩ về việc lên lịch sinh hoạt; quãng đường từ nhà tới chỗ làm thêm sẽ là khi bạn nghĩ về việc phát triển các ý tưởng, hay khoảng thời gian 10h sáng đến 12h chiều là lúc bạn nhận các cuộc điện thoại về công việc.
Và nhớ là, một khi đã cụ thể hóa cho những việc làm của mình, hãy tự mình tuân thủ nó. Nếu biến việc lên lịch trở thành một thói quen, chắc chắn năng suất làm việc của bạn sẽ tăng lên đó!
Minh Xuân.