(Vtrend.vn) Nếu so với giá bình quân quặng mà Việt Nam ra thị trường thế giới, giá quặng xuất sang Trung Quốc có giá rẻ hơn một nửa. Còn nếu so với giá xuất khẩu quặng mà Việt Nam xuất sang một số thị trường khác, giá số quặng và khoáng sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc rẻ gấp 5 lần.
Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng quặng và khoáng sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm gần 80% tổng lượng mặt hàng này bán ra thế giới. Giá bán sang Trung Quốc hiện ở mức rất rẻ.
Số liệu thống kê 4 tháng đầu năm 2018 của hải quan cho thấy, lượng quặng và các loại khoáng sản xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt hơn 65 triệu USD. Bình quân, giá quặng xuất khẩu đạt 988.000 đồng/tấn.
Lượng quặng và khoáng sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm 80% tổng lượng mặt hàng này xuất khẩu thời gian qua. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc khá rẻ.
Cụ thể, lượng quặng, khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc 4 tháng qua đạt gần 1,2 triệu tấn, kim ngạch hơn 29 triệu USD; giá xuất khẩu trung bình 560.000 đồng/tấn.
Như vậy, giá trị xuất khẩu của quặng Việt Nam sang Trung Quốc rẻ hơn so với giá trung bình của quặng, khoáng sản xuất khẩu ra các thị trường gần 1 nửa.
Bên cạnh 80% lượng quặng, khoáng sản xuất vào Trung Quốc, số còn lại hơn 333.000 tấn quặng, khoáng sản được xuất sang các thị trường khác có giá khá cao đạt gần 2,5 triệu đồng/tấn. Gấp gần 5 lần so với giá bán quặng và khoáng sản cho Trung Quốc.
Cùng kỳ năm 2017, lượng quặng và khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam cũng đạt 1,4 triệu tấn, kim ngạch đạt 59 triệu USD. Số hàng xuất sang Trung Quốc cũng đạt trên 1,1 triệu tấn, chiếm gần 80% tổng lượng bán ra của Việt Nam.
Hiện, rất nhiều loại khoáng sản ở Việt Nam bị Chính phủ cấm bán ra nước ngoài, trong đó có những loại quặng sắt, nhôm và titan… vì đây là những loại quặng, khoáng sản khan hiếm, được bảo vệ để phục vụ cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu khoáng sản bằng cách chế biến theo chiều sâu, có giá trị gia tăng cao hơn so với xuất khẩu quặng, khoáng sản tiền chế, thô sơ.
Mặc dù việc xuất khẩu bị kiểm soát ngặt nghèo, song với mức giá trung bình xuất khẩu quặng vào Trung Quốc với giá xuất bán trung bình ra các nước và khu vực còn lại, rõ ràng có sự chênh lệch giá bán rất lớn. Điều này dấy lên lo ngại các doanh nghiệp được cấp phép chế biến sâu về sản phẩm quặng, khoáng sản đã xuất khẩu các loại quặng tiền chế, thô chứ không gia công, chế biến, gây thất thoát tài nguyên và trục lợi chính sách.
Theo Dân Trí
Minh Xuân