(Vtrend.vn) “Dù đã đi hết mọi ngả đường tuổi trẻ, tôi vẫn sẽ không quên mùi hương của thất lý hương, những hồi ức xa xôi ngàn dặm và giấc mộng về thần tượng tuổi thiếu thời”.
Có một bài hát của Jay Chou có thể khiến rất nhiều người mỉm cười khi lắng nghe ở tuổi 15 và bật khóc vào 10 năm sau đó, đó là “Fragant Rice” – Hương Lúa. Nếu như Jay đã viết trong bài hát rằng “còn nhớ bạn đã nói gia đình là thành trì duy nhất”, thì có lẽ thành trì duy nhất của anh là người mẹ của mình. Những câu chuyện về cuộc đời như một thước phim của Jay có thể có nhiều phiên bản, nhưng tất cả các phiên bản này đều có một điểm chung đó là hình bóng của người mẹ. Bản thân chỉ là một giáo viên âm nhạc vô danh, bà đã biến con trai thành người hùng của âm nhạc Trung Hoa chỉ dựa vào niềm tin tuyệt đối và sự ủng hộ hết mình.
Năm 4 tuổi, Jay bắt đầu được tiếp xúc với piano. Phát hiện ra năng khiếu của con trai với những phím đàn, bà đã cho con đi học tại học viện âm nhạc tốt nhất, dù học phí tại những học viện âm nhạc đó là không tưởng đối với một giáo viên âm nhạc. Bất chấp phản đối từ người chồng rằng những lời khen của cô giáo dành cho Jay chỉ là lời xã giao, bà quyết định tiêu tốn hết tất cả khoản tiết kiệm của gia đình để mua một chiếc piano cho con trai. Niềm tin của người mẹ ngày một lớn khi Jay chỉ cần nghe cô giáo đàn một lần là đã có thể lặp lại, bà cũng ngay lập tức đáp ứng khi con trai tâm sự rằng bản thân đã tìm thấy một tình yêu mới cello sau khi được xem vở “Hồ Thiên Nga”.
Vốn là một giáo viên dạy khoa học tự nhiên, việc đặt cược cả gia tài để đầu tư cho tài năng và tương lai âm nhạc của con trai dường như là việc khiến bố anh khó chấp nhận. Lớn lên cùng những cơn cãi vã liên miên của bố mẹ, đến năm 13 tuổi, thành trì của Jay đã chính thức tan vỡ. Nhạy cảm với những lời trêu đùa, Jay dần dần trở nên nổi loạn và với thành tích học tập sa sút, anh thậm chí chỉ “đậu vớt” vào cao trung nhờ vào tài năng âm nhạc của mình. Thành tựu âm nhạc cũng không thể cứu được thành tích học tập ở cao trung, Jay thậm chí còn bị giáo viên nhận xét rằng dường như anh đã có vấn đề về thần kinh khi không bao giờ nở một nụ cười khi tiếp xúc với người khác. Kết quả tất yếu, Jay không được nhận vào đại học dù đã cố gắng nhiều lần.
Đối mặt với tất cả những vấn đề đó, mẹ của Jay không hề trách móc hay đổ lỗi cho thái độ nổi loạn của con trai. Bà hiểu rằng bối cảnh gia đình đã khiến con trai từ một đứa trẻ năng động trở thành lầm lì u ám và tương lai dường như là con số 0 tròn trĩnh. Không một lần nghĩ rằng con trai có vấn đề thần kinh như nhận xét của những người đã tiếp xúc, mẹ và bà của Jay vẫn luôn cùng chàng trai 18 tuổi đối mặt với thất bại và tìm kiếm một con đường cho tương lai của mình.
Bước ngoặt đến với cuộc sống của Jay khi anh đi phục vụ tại một nhà hàng. Trong một lần tranh thủ đàn một bản nhạc của Chopin vào cuối giờ làm, Jay được quản lý phát hiện và được mời làm nhạc công thay vì công việc rửa bát đĩa như trước đây. Nhà hàng trở nên đông khách, việc được trình diễn và được công nhận cũng khiến cho âm nhạc sống lại trong anh. Anh đăng kí tham dự một cuộc thi tìm kiếm tài năng với một ca khúc tự sáng tác nhưng không đủ tự tin để trình diễn mà chỉ đệm đàn piano. Giọng hát của người bạn không được đánh giá cao, phần thi của hai người không có kết quả tốt nhưng bài hát phức tạp của Jay lại gây được ấn tượng với MC, ca sĩ Ngô Tông Hiến.
Jay chính thức đứng ở hậu trường sản xuất tại công ty của Ngô Tông Hiến vào năm 20 tuổi, nhưng mẹ anh lại là… nhà ngoại giao chính, thậm chí bà còn quen thuộc với đồng nghiệp trong công ty hơn cả anh. Phong cách âm nhạc của Jay không hợp với thị hiếu vào thời điểm đó, những ngôi sao hàng đầu như Trương Huệ Muội, Lưu Đức Hoa đều thẳng thừng từ chối các sáng tác của Jay. “Tối hậu thư” cuối cùng được Ngô Tông Hiến đưa ra là nếu Jay có thể sáng tác 50 bài hát thì công ty sẽ chọn 10 bài để cho chính anh ra mắt. Album “Jay” ra đời với mục tiêu duy nhất không gì khác hơn là thu hồi được vốn sản xuất, nhưng nó lại bất ngờ trở thành một cú nổ lớn tại làng giải trí Đài Loan. Ngoài những thành công về mặt thương mại,”Jay” còn đem đến cho anh 5 đề cử và giải thưởng “Best Pop Vocal Album” tại Golden Melody Award lần thứ 12, giải thưởng của bộ văn hóa Đài Loan.
“Kì tích chính là tên gọi khác của nỗ lực”, và kì tích mà Jay đã đạt được trong sự nghiệp âm nhạc không chỉ có nỗ lực của riêng anh, nó còn bao gồm nỗ lực và niềm tin không ngưng nghỉ của người mẹ. Thừa thắng xông lên với album thứ 2, thứ 3 và đứng vững ở vị trí ngôi sao của không chỉ Trung Quốc mà còn cả châu Á, Jay đã dành trọn album thứ 4 lấy tên là “Diệp Huệ Mĩ” để viết tặng người phụ nữ vĩ đại nhất cuộc đời mình. Jay của những năm trước 20 tuổi chắc hẳn cũng là một người trẻ có tương lai mông lung chỉ biết bám víu vào giấc mơ mông lung không kém đó là âm nhạc, cũng sẽ nhiều khi hối hận vì tài năng mình sở hữu rốt cuộc lại là một thứ gánh nặng đến nỗi trở thành nguyên nhân phá tan cả hạnh phúc gia đình. Thế nhưng khi cả thế giới quay lưng thì Jay vẫn còn ít nhất một người tin tưởng anh vô điều kiện, đó là hạnh phúc lớn mà không phải ai cũng có được.
Cho đến tận sinh nhận 39 tuổi, sau một dòng trạng thái vu vơ rằng “hi vọng có thêm ca khúc mới,” Jay đã bất ngờ phát hành ca khúc “Đợi em tan học”. “Đợi em tan học” viết về một chàng trai luôn tự trách rằng ước gì mình đã chăm chỉ học hành để có thể đi cùng người con gái mình yêu, giống như hoàn cảnh của Jay vào năm 18 tuổi. Rất nhiều MV do anh đạo diễn cũng có kịch bản về những chàng trai nghèo không thể bảo vệ được tình yêu. Hành trình tuổi trẻ với đầy đủ mọi khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua có lẽ đã trở thành nguyên liệu sáng tác tốt nhất cho Jay, và âm nhạc mọc lên từ đau thương luôn là âm nhạc bám rễ sâu vào lòng người nhất.
Rất dễ dàng để phân loại nền âm nhạc Trung Hoa vào những thập niên 80, 90 của thế kỉ trước. Bên cạnh những ca khúc mang âm hưởng dân tộc với âm thanh từ bộ nhạc cụ dây truyền thống, âm nhạc phổ biến dành cho giới trẻ thường là những bản ballad hoặc rock có phần beat là bản thu “sống” từ ban nhạc. Không có quá nhiều kĩ thuật phòng thu, thứ âm nhạc Lo-fi mang dáng dấp của những chung cư cao tầng cũ kĩ và nhịp sống chưa hoàn toàn hiện đại là đặc trưng lớn nhất mỗi khi hoài niệm về nền giải trí giai đoạn này. Âm nhạc Hàn Quốc cũng dần phát triển và vươn khỏi biên giới Hàn Quốc để đến với đất nước tỉ dân, nhưng phần đông công chúng Trung Hoa vẫn chuộng thể loại ballad trầm buồn với phần lời thâm sâu mang nhiều tầng nghĩa. Không đi theo bất cứ lối mòn nào kể trên, Jay Chou được coi như là cha đẻ của “làn gió Trung Hoa” – không phải là một thể loại âm nhạc mà là một sự pha trộn giữa pop, rap, blues và ngôn ngữ đậm chất thơ của văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Điểm đặc biệt hơn cả trong âm nhạc của Jay là việc đưa rap vào bài hát và biến thể nó để phù hợp với văn hóa Á Đông. Nền văn hóa hip hop phát triển ở châu Âu và châu Mỹ có ý nghĩa như một công cụ dùng để phản kháng và mang tính nổi loạn rất cao. Những bài rap ra đời nhằm mục đích nói lên sự bất mãn của cá nhân đối với một yếu tố bất kì của đời sống, chính vì lí do đó nên bài rap thường đi theo lối từ ngữ phổ thông và không ngại sử dụng những từ tục tĩu. Sự khác biệt về văn hóa không cho phép hip hop với ý nghĩa nguyên bản của nó được phát triển tại một quốc gia Á Đông điển hình như Trung Quốc, nhưng dòng chảy hip hop vẫn từng ngày len lỏi vào nguồn mạch văn hóa vốn kín đáo và “ý tại ngôn ngoại” này. Rap của Jay không đặt nặng phần flow và luôn nương theo giai điệu, “Dạ khúc” là minh chứng rõ ràng nhất cho khái niệm “rap” trong âm nhạc của Jay Chou.
Đã quen với những bản giao hưởng với nhiều chương, bài hát do Jay sáng tác cũng có phần cấu trúc phức tạp hơn các bài hát thông thường ở thập niên 2000. Không phải ai cũng có thể cân bằng được những cấu trúc phức tạp để bài hát không bị thiếu điểm nhấn, Jay Chou có ưu thế lớn hơn tất cả mọi người nhờ vào tài năng vốn có của một nghệ sĩ piano. Đơn cử như trong “Hương lúa”, ca khúc có vòng hợp âm đơn giản nhưng có nhiều hơn hai phân đoạn thường thấy. Verse thứ 2 của bài hát không hoàn toàn lặp lại với verse đầu tiên, tạo cho khán giả cảm giác như đang được nghe một phần chuyển đoạn cho đến khi bất ngờ nhận ra rằng bài hát đã lại đứng trước chorus. Sự nhịp nhàng và liền mạch của bài hát tạo ra cảm giác “chân trần chạy trên đồng lúa”, đúng như lời hát với ý nghĩa xoa dịu những tâm hồn gặp khó khăn trong cuộc đời.
“Làn gió Trung Hoa” được biểu hiện rõ hơn cả khi đi cùng những MV ca nhạc thường do chính Jay Chou đạo diễn. “Thiên lý chi ngoại”, bài hát kinh điển của Jay và ca sĩ Phí Ngọc Thanh là một phép cộng hoàn hảo của tất cả những yếu tố tạo nên định nghĩa “Làn gió Trung Hoa” do Jay khởi xướng: một giọng ca kì cựu phổ biến với khán giả lớn tuổi, một ca sĩ trẻ có sức ảnh hưởng rộng với tầng lớp trẻ, một ca khúc RnB bao gồm phần lời đậm chất cổ phong, phần nhạc nền kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống Trung Hoa và không thể không nhắc đến phần rap quen thuộc. Và để “Làn gió Trung Hoa” được hoàn hảo nhất, MV “Thiên lý chi ngoại” lấy bối cảnh thời Dân Quốc, từ kịch bản cho đến màu sắc, trang phục hay nhan sắc của nữ diễn viên chính đều toát lên sự giao hòa giữa bản sắc Trung Hoa với văn hóa phương Tây. Không chỉ “Thiên lý chi ngoại”, những ca khúc khác như “Sứ Thanh Hoa”, “Pháo hoa chóng tàn” hay “Tóc tựa tuyết” của Jay Chou cũng có MV mang màu sắc Trung Hoa cổ điển.
Với sự kiên trì theo đuổi một phong cách, âm nhạc của Jay Chou đã trở thành độc nhất vô nhị trong bối cảnh âm nhạc Trung Quốc hiện đại. Khán giả lớn tuổi hài lòng với những ca khúc mang tính cổ phong có cách trình bày hiện đại, khán giả trẻ lại bị chinh phục bởi sự kết hợp rap, hip hop để những ca khúc của Jay không đi theo lối mòn. Âm nhạc của Jay trở thành hình mẫu để rất nhiều ca sĩ Trung Quốc và cả nước ngoài noi theo, và không chỉ có ảnh hưởng với giới nghệ sĩ 8x – 9x. Là “ngôi sao của những ngôi sao”, từ Tiêu Kính Đằng, Lâm Tuấn Kiệt, Harlem Dữu Trừng Khánh, Trương Huệ Muội, những cái tên nổi bật của âm nhạc Trung Quốc hiện tại đều không hẹn mà gặp tại concert của Jay tại Đài Bắc . Vương Tuấn Khải, mỹ nam của nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng nhất Trung Quốc hiện tại TF Boys cũng không giấu việc mình là người hâm mộ nhiệt thành của ông vua Cpop, dù khi Jay ra mắt với vai trò ca sĩ thì cũng là lúc Vương Tuấn Khải chỉ vừa được sinh ra. Không chỉ là hâm mộ, có không ít nghệ sĩ Trung Quốc đã cố gắng tạo nên “làn gió Trung Hoa” của riêng mình sau thành công của “làn gió Trung Hoa” do Jay khởi xướng. Được biết đến nhiều nhất trong số những nghệ sĩ này là Vương Lực Hoành và Đào Triết, hai ca sĩ đàn anh trong nghề của Jay. Nhưng dù những nghệ sĩ nối danh có cố gắng hay còn bao nhiêu bản sao nữa vẫn học theo “phong cách Châu Thị” gắn liền với thành công của Jay Chou, không một ai có thể lặp lại những thành công mà Jay đã gặt hái được trong suốt sự nghiệp của mình.
Jay Chou được gọi là thanh xuân của rất nhiều người, bởi vì với những người chọn âm nhạc của Jay làm bầu bạn, mỗi cung bậc cảm xúc đều có thể được ít nhất một ca khúc của anh nuông chiều. Một người hâm mộ của Jay trở về từ concert của anh tại Nam Xương, Trung Quốc đã viết: “Dù đã đi hết mọi ngả đường tuổi trẻ, tôi vẫn sẽ không quên mùi hương của thất lý hương, những hồi ức xa xôi ngàn dặm và giấc mộng về thần tượng tuổi thiếu thời”. “Thất lý hương”, “Xa xôi ngàn dặm” (Thiên lý chi ngoại) chỉ là hai trong số hàng chục ca khúc của Jay Chou đi cùng thanh xuân của thế hệ 8x, 9x.
Những mông lung về tình đầu trong “Hẹn ước bồ công anh”, sự day dứt dằn vặn trong “Anh không xứng”, cảm giác cô đơn ngàn năm trong “Sứ Thanh Hoa”, cô đơn một đời trong “Dạ Khúc”, tất cả những giai điệu đó mỗi lần vang lên sẽ đều là một lần gợi nhắc về những thước phim tuổi trẻ. Âm nhạc có sức mạnh rất kì diệu. Nó giống như một thứ chất xúc tác để mỗi khi bắt gặp một giai điệu thân quen thì một khung cảnh, một cảm giác hoặc có khi là cả một thời đại sẽ hiện ra chân thực nhất trong trí nhớ của mỗi người. Trong những thước phim tuổi trẻ của rất nhiều người, âm nhạc của Jay trở thành những bản nhạc nền giá trị nhất.
Trả lời phỏng vấn về cảm xúc khi nhìn thấy những biểu ngữ có tên mình đi kèm với hai từ thanh xuân khắp những concert, Jay dường như lại “tham lam” muốn có ý nghĩa nhiều hơn thanh xuân của một thế hệ:
“Đôi khi nghe được những lời rằng “anh là thanh xuân của em”, tôi có chút xúc động. Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, tôi mong mình không chỉ là thanh xuân mà còn là cuộc đời của bạn. Vì sao ư? Vì tôi hi vọng rằng âm nhạc của tôi có thể đi cùng bạn suốt cả một đời”.
Những suy tư của Jay không phải là không có cơ sở, khi mà chính người hâm mộ cũng lưu luyến Jay Chou của những năm 2008 trở về trước kia hơn là thời gian gần đây. Còn có ý kiến cho rằng lý do khiến âm nhạc của Jay mất đi hào quang của một ngôi sao là vì… đời tư quá hạnh phúc, anh đã kết hôn và có cho mình hai thiên thần nhỏ, mà nghệ thuật lại thường được tạo ra từ những đau đớn, trăn trở như quãng thời gian Jay gặp khó khăn và sau đó là những mối quan hệ tình cảm một sớm một chiều. Đối mặt với những sự thất vọng hay chỉ trích, Jay chỉ đơn giản nói rằng anh không quan tâm những chỉ trích và đó là thứ âm nhạc mà anh muốn.
Chính bởi vì những lời tâm sự của Jay về ước muốn được đi cùng người hâm mộ đến suốt đời, trong một concert của Jay Chou vào năm 2017, hàng vạn cây lightstick màu hồng – màu yêu thích của anh đã được in thêm dòng chữ “anh cùng chúng em trưởng thành, chúng em cùng anh già đi”. Âm nhạc của Jay Chou không hề bị đóng băng theo thời gian. Giống như “Hương Lúa”, bài hát đã cổ vũ rất nhiều người không kể độ tuổi, những bạn trẻ tuổi teen sẽ có cảm nhận khác với lớp thanh niên vấp phải những va chạm từ cuộc sống, và tầng lớp khán giả lớn tuổi hơn cũng sẽ có những suy tư cho riêng mình mỗi khi nghe đến. Mỗi lần nghe được là một lần tìm thấy một giá trị khác, không dễ gì người hâm mộ lại chỉ khóa chặt những bài hát của Jay Chou vào trong chiếc hộp thanh xuân.