(Vtrend.vn) Nguyễn Văn Thuận cùng thầy giáo thực hiện chuyến bay thuỷ phi cơ liên tục trong 10 ngày với 50 giờ bay từ Canada đến Việt Nam.
Ở tuổi 28, Thượng úy Nguyễn Văn Thuận – Phó phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954 (Quân chủng Hải quân) được phê chuẩn phi công lái chính và một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2018.
Chịu trách nhiệm chỉ huy, quản lý huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của Phi đội, công việc hàng ngày của Thuận khá bận rộn. Anh phải theo dõi, nắm chắc trình độ bay của các thành viên trong Phi đội, lập kế hoạch huấn luyện và xây dựng chương trình bay cho từng người.
“Tôi cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình vì nghề bay không cho phép sai sót. Mọi sự chuẩn bị kỹ càng ở dưới mặt đất là nền tảng quan trọng nhất bảo đảm an toàn bay”, Thuận chia sẻ.
Nguyễn Văn Thuận, Phó Phi đội trưởng Phi đội 2, Lữ đoàn 954, Quân chủng Hải quân. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Có anh trai là nhân viên hàng hải của Quân chủng Hải quân Việt Nam, từ bé, Thuận đã có tình yêu rất lớn với biển đảo nên anh quyết tâm thi vào Học viện Hải quân.
2011 là năm bước ngoặt với chàng trai Nam Định khi anh vượt qua tất cả các vòng kiểm tra ngặt nghèo để trúng tuyển khóa học về tàu ngầm. Tuy nhiên sau đó Thuận lại trúng tuyển khoá đào tạo phi công ở Canada. Sau 6 tháng học tiếng Anh, ngày 30/10/2011, anh lên đường đến trường Pacific Sky, Victoria, Canada.
“Khi ra nước ngoài, vấn đề lớn nhất đối với tôi là ngôn ngữ vì ở nhà mới được học giao tiếp cơ bản, thuật ngữ về hàng không lại rất khó, đòi hỏi quyết tâm rất lớn mới vượt qua được”, Thuận chia sẻ.
Học tập miệt mài, sau ba tháng, anh được chuyển sang thực hành với thầy. Chuyến bay đầu tiên khiến sĩ quan Hải quân trẻ phấn khích vì xung quanh anh là bầu trời bao la. Qua hai tháng ngồi trên máy bay học cùng thầy (tổng cộng khoảng 27 giờ), anh được trao quyền bay đơn.
Sau đó Thuận bắt đầu học chuyên sâu, lái ngày, đêm và tất cả điều kiện thời tiết. Anh lấy bằng phi công cá nhân, rồi lấy thêm bằng phi công thương mại (vận chuyển quốc tế). Tốt nghiệp năm 2013, Thuận được chọn ở lại làm phiên dịch, trợ giảng cho các sĩ quan của Việt Nam được cử sang Canada theo khóa học sửa chữa máy bay.
Tháng 10/2013, Thuận về nước. Song khác với hai năm trước, chuyến trở về của anh cũng là thực hiện nhiệm vụ lái chiếc thuỷ phi cơ DHC-6 đầu tiên của Hải quân Việt Nam (mua của hãng Viking Air) về nước. Từ Canada, anh cùng thầy giáo thực hiện chuyến bay kéo dài liên tục trong 10 ngày với 50 giờ bay, đi qua 7 sân bay và 5 quốc gia với hành trình khoảng 14.000 km. Thuận là phi công đầu tiên và duy nhất đến nay của Hải quân thực hiện nhiệm vụ này.
Thủy phi cơ được điều động ra Trường Sa cứu người. Ảnh: N.X |
Gắn bó với bầu trời 6 năm, Thuận luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ quan trọng và đột xuất như bay trinh sát, tuần tiễu, chở đoàn cán bộ, thủ trưởng Quân chủng đi Trường Sa, bay chuyển quân giữa các đơn vị đặc công…
Chuyến bay để lại cho anh nhiều kỉ niệm nhất là chở cấp cứu một ngư dân đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa vào ngày 17/3/2016. Sau khi nhận lệnh, 6h15, Thuận cất cánh từ sân bay Cam Ranh, sau 2 giờ bay đã có mặt tại Trường Sa. Bệnh nhân 63 tuổi bị trụy tim, tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, ngay sau khi hạ cánh, lực lượng y bác sĩ nhanh chóng đưa bệnh nhân lên máy bay hướng về đất liền.
“11h chúng tôi hạ cánh tại sân bay Cam Ranh, bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện và điều trị phục hồi tốt. Khi nhận được tin, tôi cảm thấy rất vui vì nhiệm vụ của mình đã hoàn thành. Dù chỉ là một mắt xích nhỏ, nhưng tôi biết điều này rất ý nghĩa, giúp cho ngư dân an tâm bám biển, đánh bắt thủy sản trên ngư trường của ta”, Thuận nói.
DHC-6 Twin Otter Series 400 của Không quân Hải quân Việt Nam. Ảnh: Vikingair |
Anh chia sẻ thêm, bay biển là nội dung rất khó vì thời tiết diễn biến phức tạp, có thể gây cảm giác sai nếu phi công không cẩn trọng, tỉ mỉ, tỉnh táo. Bay ra Trường Sa lại càng khó hơn khi phải bay hoàn toàn trên biển với khoảng cách hơn 250 hải lý. Sân bay Trường Sa lại có đường băng hẹp nên để đạt được trình độ phê chuẩn cất – hạ cánh phi công phải có kỹ năng, không được sai sót dù là một cm.
Không chỉ có nhiều sáng kiến trong huấn luyện giúp tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, Thuận còn xây dựng các phương thức bay tại các sân bay Trường Sa, Phan Rang, Kiến An đảm bảo an toàn tuyệt đối và hiệu quả.
Anh cũng có sáng kiến trong thiết kế bài bay tìm kiếm cứu nạn trên biển, đất liền và được nhận danh hiệu Phi công quân sự cấp 1 vào năm 2018.
Năm 2010, Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty Viking Canada mua 6 thủy phi cơ DHC-6 Series 400 Twin Otter để trang bị cho Không quân Hải quân Việt Nam. Đây là loại máy bay được thiết kế để phục vụ cho các hoạt động trên biển gồm giám sát, vận chuyển, tiếp tế và cứu nạn. Tháng 11/2011, các phi công của Việt Nam tham gia khóa đào tạo đầu tiên về loại thủy phi cơ này tại Canada.