(Vtrend.vn) Có ý kiến đề nghị cân nhắc ngoài hình thức tiêm thuốc độc cần bổ sung hình thức thi hành án tử hình khác nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ủng hộ.
Chiều 22-5, Quốc hội (QH) dành thời gian thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự(THAHS). Theo nghị trình, dự án luật này sẽ được các đại biểu (ĐB) bấm nút thông qua vào cuối kỳ họp, tuy nhiên đến nay một số vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau.
Bác đề xuất bổ sung hình thức thi hành án tử hình khác
Đáng chú ý, dự thảo dành một chương quy định về THA tử hình. Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định thời gian cụ thể việc ra quyết định THA tử hình để khắc phục tình trạng giam giữ người bị kết án tử hình quá lâu.
Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng qua báo cáo của Bộ Công an về tổng kết thi hành Luật THAHS thì những vướng mắc hiện nay trong công tác THA tử hình chủ yếu do quá trình tổ chức thực hiện.
“Đối với các quy định về thời hạn xem xét ân giảm án tử hình, quy định về thời hạn chánh án tòa án có thẩm quyền ra quyết định THA thuộc phạm vi điều chỉnh của BLTTHS” – bà Nga nói và cho biết UBTVQH đề nghị QH không bổ sung các nội dung này vào dự thảo luật.
UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao trong phạm vi thẩm quyền phối hợp xử lý những vướng mắc trong công tác này.
Phát biểu sau đó, ĐB Trần Văn Mão (Đoàn ĐBQH Nghệ An) nhận xét ý kiến giải trình trên “chưa chính xác và chưa thỏa đáng”. Theo ông, thực tế có tình trạng nhiều tử tù bị tạm giam quá lâu do phải chờ quyết định của Chủ tịch nước chấp nhận hay không chấp nhận đơn xin ân giảm án tử hình. Cho rằng đây là vướng mắc chủ yếu của luật hiện hành, ĐB Nghệ An đề nghị cần quy định rõ thời hạn này trong dự thảo luật hoặc văn bản dưới luật.
Ngoài ra, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết có ý kiến đề nghị cân nhắc ngoài hình thức tiêm thuốc độc cần bổ sung hình thức THA tử hình khác cho phù hợp (thậm chí có người còn đề nghị dùng… lá ngón để THA tử hình – PV). “Qua tổng kết thi hành Luật THAHS cho thấy vướng mắc hiện nay trong công tác THA tử hình chủ yếu do tổ chức thực hiện, không phải do quy định của luật nên Chính phủ không đề xuất sửa đổi nội dung này. UBTVQH đề nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo khắc phục hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành và đề nghị QH cho giữ quy định của luật hiện hành về hình thức THA tử hình” – bà Nga nói.
Các đại biểu Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự vào chiều 22-5. Ảnh: TTXVN
Tranh luận căng việc cho phạm nhân lao động bên ngoài
Một trong những nội dung gây nhiều tranh luận nhất là quy định về tổ chức lao động cho phạm nhân. Dự thảo luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động. Khu sản xuất, điểm lao động có thể được tổ chức ngoài trại giam.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (ĐBQH Bắc Kạn) nêu năm lý do khiến bà ủng hộ quy định này. Theo bà, việc tổ chức cho phạm nhân lao động không chỉ nhằm mục tiêu cải tạo họ mà còn rất cần thiết để phục vụ mục đích tái hòa nhập cộng đồng. “Có những người bị giam giữ 10-15 năm, nếu không lao động, không có tay nghề, đến khi mãn hạn tù sẽ rất khó tìm kiếm việc làm, mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm rất lớn” – bà nói.
Bà Thủy nói thời gian qua Bộ Công an đã thí điểm tổ chức cho phạm nhân lao động ở ngoài trại giam. Kết quả cho thấy các điểm lao động đều được doanh nghiệp xây dựng theo thiết kế của trại giam, nằm trong khuôn viên doanh nghiệp, có tường rào bao quanh và tách biệt với khu dân cư. “Kết quả thí điểm tốt, trong số hơn 7.000 phạm nhân được đưa ra ngoài lao động chỉ có một phạm nhân bỏ trốn” – bà Thủy nói.
Phiên thảo luận sau đó có năm ĐB bấm nút tranh luận về nội dung này. Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH Bến Tre) nói: “Phạm nhân không chỉ bị cách ly mà còn bị hạn chế một số quyền. Kể cả việc thăm nom chúng ta còn hạn chế, vậy tại sao chúng ta lại đưa họ ra ngoài?”.
Cũng theo ông Nhưỡng, buộc phạm nhân lao động ở bên ngoài, mà điều này không được thể hiện bằng một bản án của tòa, chính là “hình phạt ngoài luồng”. “Việc đưa phạm nhân ra làm việc vô cùng phức tạp, đã từng xảy ra những vấn đề đáng tiếc” – ông Nhưỡng nhấn mạnh đồng thời băn khoăn “Việc đưa 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động dựa trên cơ sở, văn bản pháp luật nào?”.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) thì cho rằng để làm được điều này phải giải quyết hàng loạt vấn đề pháp lý nảy sinh. “Chúng ta không thể thông qua thiết chế mà chúng ta chưa có quy định” – ĐB Bá Sơn nói.
Sẽ gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH bằng bấm nút điện tử
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh phạm nhân chỉ lao động giới hạn ở phạm vi điểm lao động, dạy nghề chứ không phải theo cách hiểu “ngoài khu vực trại giam là ngoài phạm vi xã hội”.
“Phạm vi hoạt động của cơ sở lao động, dạy nghề dù không trong khuôn khổ chung trại giam nhưng vẫn thuộc quản lý của trại giam” – Bộ trưởng Tô Lâm nói và cho biết sẽ có cơ chế quản lý như trong trại giam; có phân công cán bộ quản lý; phạm nhân được lựa chọn phải đáp ứng điều kiện nhất định… Ngoài ra sẽ có quy định về tiêu chí, điều kiện thành lập khu sản xuất, điểm lao động dạy nghề ngoài trại giam.
“Quy định này cũng phù hợp xu hướng xã hội hóa công tác THA được nêu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp” – Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết những nội dung còn ý kiến khác nhau sẽ được gửi phiếu xin ý kiến ĐB bằng bấm nút điện tử.
Thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại
Dự thảo dành một chương quy định về THAHS đối với pháp nhân thương mại. Trong báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH nhấn mạnh đây là “vấn đề mới, chưa có thực tiễn ở nước ta”. Theo dự thảo, Cơ quan THAHS công an cấp tỉnh/cấp quân khu được giao chịu trách nhiệm chính trong tổ chức THA đối với pháp nhân thương mại. Lý giải thêm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết nếu giao trách nhiệm THA cho cơ quan THA dân sự sẽ dẫn tới phải sửa đổi Luật THA dân sự, trong khi dự án luật này chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật. Cạnh đó, điều này sẽ làm phát sinh nhiều đầu mối quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực hiện trong lĩnh vực THAHS, dẫn đến chồng chéo về chức năng, thẩm quyền, không kế thừa và không phát huy được kinh nghiệm thực tiễn về THAHS từ trước đến nay. Về vấn đề cưỡng chế THA đối với pháp nhân thương mại, dự thảo luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành. “Đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, nếu quy định cụ thể ngay trong luật thì sẽ có thể không đầy đủ, thiếu tính khả thi, nhiều vấn đề mới chưa dự liệu được, nếu phát sinh trong thực tiễn sẽ dẫn đến phải sửa luật mới có thể thi hành” – báo cáo của UBTVQH nhấn mạnh. |