(Vtrend.vn) Nghị sĩ Mỹ yêu cầu chính phủ tịch thu tài sản, thu hồi hoặc không cấp thị thực cho cá nhân, công ty liên quan hoạt động cải tạo ở Biển Đông.
Đá Tư Nghĩa, một trong 7 đá bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo, ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS. |
Một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ hôm nay giới thiệu ra quốc hội dự luật trừng phạt các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Dự luật yêu cầu chính phủ tịch thu tài sản tại Mỹ, thu hồi hoặc không cấp thị thực cho bất cứ ai tham gia “hoạt động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” ở Biển Đông.
Dự luật cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ cáo báo cho quốc hội 6 tháng một lần, trong đó xác định cá nhân hoặc công ty Trung Quốc liên quan đến hoạt động xây dựng hoặc phát triển dự án ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Các hoạt động dự luật nhắm đến là cải tạo đất, xây đảo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng thông tin di động.
Dự luật lần đầu được giới thiệu vào tháng 3/2017 và cần được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua trước khi được gửi đến Tổng thống Donald Trump để ký thành luật.
Cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Andrew Thompson cho biết việc giới thiệu dự luật này cho thấy sự phẫn nộ của lưỡng đảng đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Dự luật cũng thể hiện sự thất vọng của quốc hội khi phản ứng của chính quyền Trump chỉ giới hạn trong thực hiện tự do hàng hải.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng dự luật của nhóm nghị sĩ Mỹ đã “vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, quan hệ quốc tế và Trung Quốc kiên qyết phản đối”. “Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ không tiến hành thảo luận về luật để không gây ra sự gián đoạn mới cho quan hệ hai nước”, ông Lục nói trong cuộc họp báo hôm nay.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn lên lãnh hải của các nước trong khu vực. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động không có sự cho phép của chính phủ Việt Nam tại hai quần đảo này đều là phi pháp.
Mai Phương