(Vtrend.vn) Tôm hùm đỏ có thể trở thành đại họa cho nền nông nghiệp Việt Nam vì chúng nguy hiểm hơn ốc bươu vàng.
Lấy mác tôm hùm đông lạnh che mắt người mua
Theo Bộ NN&PTNT, tôm hùm đất không có tên trong danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại VN và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này vi phạm Luật Đa dạng sinh học 2018.
Do đó, ngày 17-5, bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, TP, Tổng cục Hải quan và quản lý thị trường đề nghị tăng cường kiểm soát loài tôm hùm đất tại VN. Tổng cục Quản lý thị trường cũng hỏa tốc yêu cầu các địa phương huy động lực lượng kiểm tra hệ thống siêu thị, cửa hàng thủy sản, nhà hàng, khách sạn… tại các TP lớn, hoạt động mua bán tại vùng biên giới để xử lý nghiêm nếu phát hiện việc tiêu thụ tôm hùm đất.
Thế nhưng theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM ngày 23-5, món tôm hùm đất vẫn được một số nhà hàng ở Hà Nội và TP.HCM rao bán, quảng cáo.
Khi một số khách hàng lưu ý đừng bán tôm hùm đất Trung Quốc (TQ) bởi nó sẽ giết chết mùa màng, người bán cho biết “chỉ bán tôm hùm đất đông lạnh nên cứ yên tâm”.
Dù đông lạnh vẫn gây hại
Thông tin về loài tôm hùm đất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là sinh vật ngoại lai bị cấm đưa vào VN. Loại tôm này rất phàm ăn, ăn đủ loại từ thực vật đến động vật như tôm, cá, lúa, thậm chí sinh vật cùng cỡ nó vẫn ăn được vì càng và miệng cứng.
Ngoài ra, tôm hùm đất còn đào hang, phá công trình thủy lợi, bờ kênh, mương, gây nguy cơ sạt lở; trong khi đó hiệu quả kinh tế của loại tôm này thấp do vỏ cứng.
Về việc một số cơ sở lấy lý do là tôm đông lạnh để bán cho người tiêu dùng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 Nguyễn Quang Huy cho rằng tôm hùm đất đã được đông lạnh vẫn có khả năng gây bệnh.
Tôm hùm đất là loài cấm nuôi, nhập khẩu vào Việt Nam nhưng được coi là một đặc sản của người dân Trung Quốc. Trong ảnh: Thực khách dùng tôm hùm đất trong một nhà hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: XINHUA
“Kể cả khi loài tôm này đã được đông lạnh thì khi vứt ra môi trường, các bộ phận của nó vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn, vi trùng gây bệnh cho các loài sinh vật khác” – ông Huy cho biết.
Theo ông Huy, loài tôm hùm đất này có điểm khá khác biệt so với các loài khác. Đó là xác vỏ của chúng rất cứng. Do đó trong quá trình vận chuyển, người ta có thể gây mê bằng cách đông lạnh chúng ở nhiệt độ 4 độ C để chúng ngủ đông trong suốt quá trình vận chuyển (gần một ngày). Khi đến nơi, chúng sẽ được làm ấm và dần dần tỉnh lại, sống bình thường.
Rất khó kiểm soát
Theo Nikkei, tôm hùm đất được coi là một đặc sản của người dân TQ. Năm 2017, giá trị ngành công nghiệp tôm hùm đất ở TQ chỉ đạt 2,15 tỉ USD thì năm 2018 đã tăng vọt lên 38,6 tỉ USD.
Trước giá trị khủng từ loài tôm hùm đất mang lại cho Mỹ và TQ, một số ý kiến thắc mắc tại sao VN không nuôi, phát triển kinh tế từ loài tôm này mà lại cấm. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng nếu cứ không quản được là cấm thì VN sẽ mất những cơ hội lớn về kinh tế.
Trả lời những thắc mắc này, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) Lê Trần Nguyên Hùng nêu quan điểm: “Chúng ta phải xét về các điều kiện tự nhiên của mình. Nền sản xuất nông nghiệp của nước ta khác so với các nơi khác. Ví dụ ở Mỹ, họ nuôi tập trung và có kiểm soát chặt. Còn ở VN, nền nông nghiệp không như thế. Ruộng đất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên rất khó kiểm soát, nếu để tôm hùm đất thoát ra ngoài sẽ là một đại họa cho nền nông nghiệp”.
Ngoài sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, tính về phương diện kinh tế, ông Hùng cho biết tôm hùm đất cũng không đem lại nhiều nguồn lợi.
“Mình có rất nhiều lựa chọn, đâu phải chỉ có mình con tôm này. Tôm hùm đất khi cân lên thì cái xác vỏ đã chiếm hơn nửa rồi. Về mặt giá trị chưa chắc đã bằng các loài của mình” – ông Hùng nói.
Không vì lợi ích nhỏ trước mắt để gây hậu họa lớn
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin: Cách đây hai năm, tại tỉnh Đồng Tháp có một Việt kiều đưa loài tôm này về làm du lịch. Chỉ đưa vào nuôi thử quy mô 2 ha nhưng sau đó tôm hùm đỏ tràn ra ngoài, cắn phá, tiêu diệt cả những con cá to bằng ngón tay. Sự việc đã được ngăn lại thì gần đây lại xuất hiện tôm hùm đỏ dưới dạng thương mại. “Không nên vì lợi ích nhỏ của một bộ phận thương mại để sau này mất nhiều thời gian, tiền của chạy theo và khắc phục” – ông Cường nói. Ông Cường cũng cho biết hiện nay VN có khoảng 100 sinh vật ngoại lai gây hại như cây xấu hổ, cây mai dương, ốc bươu vàng… Bộ đặt mục tiêu đến năm 2020 giảm được một nửa số sinh vật ngoại lai trên. Có thể bị phạt đến 1 tỉ đồngTheo khoản 7 Điều 43 Nghị định 155/2016 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi nhập khẩu loài động vật, thực vật ngoại lai xâm hại bị xử phạt hành chính mức thấp nhất từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với tang vật vi phạm trị giá dưới 10 triệu đồng; mức cao nhất từ 920 triệu đồng đến 1 tỉ đồng đối với tang vật vi phạm trị giá từ 230 triệu đến dưới 250 triệu đồng. Kèm theo đó là các hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc phải khắc phục hậu quả. Đối với trường hợp nhập khẩu, kinh doanh tôm hùm đất đông lạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản Lê Trần Nguyên Hùng cho biết: Vẫn sẽ bị xử phạt trong việc lưu trữ, vận chuyển loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, không được phép đưa vào VN. Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết tùy tính chất vụ việc mà cơ quan chức năng có thể thu hồi, xử lý việc bán tôm hùm đất cấp đông. |