Sau gần hai năm “đóng băng” ngành du lịch Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã sớm có kế hoạch đón khách trong nước và Quốc tế từ đầu tháng 11.

Theo chia sẻ của ông NGUYỄN VĂN HÙNG, bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch (VH-TT&DL), nói:

– Việt Nam đã chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Do đó, bên cạnh tập trung phát triển thị trường du lịch nội địa, việc nghiên cứu, chuẩn bị để thí điểm đón khách du lịch quốc tế là cần thiết và phù hợp.

Tỉnh Kiên Giang phải chủ động trao đổi, cùng với Bộ Y tế tháo gỡ, vướng ở đâu gỡ đến đấy, nhanh chóng hoàn thiện quy trình.

Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG

Việt Nam đón khách quốc tế từ tháng 11 - Ảnh 4.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch

Đã đề xuất Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao sớm thực hiện

* Để đón được khách quốc tế, đầu tiên phải có hộ chiếu vắc xin. Nhưng hiện các doanh nghiệp (DN) vẫn phải ngóng chờ?

– Hộ chiếu vắc xin cần sự phối hợp liên bộ, cần sự thống nhất của các bộ liên quan. Ở góc độ Bộ VH-TT&DL, chúng tôi đã tích cực, chủ động phối hợp, hiện đã đề xuất với Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế để sớm thực hiện hộ chiếu vắc xin, sớm tạo thuận lợi cho du khách đến Việt Nam theo hướng công nhận các thỏa thuận của các nước đã tiêm chủng.

Còn việc đón du khách quốc tế, hướng dẫn của chúng tôi đưa ra 4 tiêu chí để đón khách. Ngoài yêu cầu phải có chứng nhận tiêm đủ liều loại vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận…, khách cần có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD và phải tham gia chương trình du lịch trọn gói của DN lữ hành.

* Hiện DN lo lắng về việc chưa thống nhất giữa các cơ quan quản lý. Trong văn bản trả lời tỉnh Kiên Giang ngày 22-10, Bộ Y tế cho rằng quy định, quy trình y tế phòng chống dịch cho người nhập cảnh đã có nhưng quy trình cũ là cách ly tập trung 7 ngày?

– Điều này để tôi trao đổi lại với Bộ Y tế, song tỉnh Kiên Giang phải chủ động trao đổi, cùng với Bộ Y tế tháo gỡ, vướng ở đâu gỡ đến đấy, nhanh chóng hoàn thiện quy trình bởi chúng tôi đã giao cho UBND tỉnh Kiên Giang chủ trì. Nhưng tôi nhắc lại, đây là hình thức du lịch theo mô hình “bong bóng khép kín”.

Việt Nam đón khách quốc tế từ tháng 11 - Ảnh 5.

Đảo ngọc Phú Quốc sẵn sàng đón du khách sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 – Ảnh: NGỌC HIỂN

Thay đổi để “cứu” ngành du lịch

* Ngành du lịch Việt Nam đã gần 2 năm trầy trật bởi dịch bệnh. Thực trạng không thể khó khăn hơn, giải pháp của các bộ ngành vì thế không thể chậm trễ hơn?

– Trong lịch sử, chưa bao giờ ngành du lịch thế giới và Việt Nam lại chịu tổn thất, thiệt hại nặng nề bởi đại dịch như thời gian qua.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020 và 2021, COVID-19 đã đẩy ngành du lịch toàn cầu rơi vào khủng hoảng chưa từng có, lùi lại thời điểm cách đây 30 năm và phải mất 2,5 – 4 năm để lấy lại đà tăng trưởng như 2019.

Với Việt Nam, du lịch đóng góp 9,2% vào GDP, được UNWTO xếp hạng thứ 6 trong 10 quốc gia tăng trưởng khách du lịch đứng đầu thế giới.

Còn bây giờ, tôi rất buồn khi phải nêu ra những con số này: năm ngoái khách quốc tế giảm 80%, khách nội địa giảm 34%, 9 tháng đầu năm nay so với năm ngoái lại tiếp tục giảm thêm 16% khách nội địa.

Lượng DN xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số DN đã được cấp phép, chỉ còn khoảng hơn 2.000 DN có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

* Vậy Bộ VH-TT&DL đã làm gì? Chỉ có cách tái hoạt động mới cứu được ngành?

– Đúng vậy. Với trách nhiệm là bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, bên cạnh sự chủ động của bộ, Chính phủ đã giao chúng tôi tham mưu các kế hoạch phục hồi nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Bộ đang đề xuất Chính phủ các hướng để sớm tái khởi động ngành du lịch. Thứ nhất, cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN ngành du lịch không bị đứt gãy nguồn nhân lực. Cụ thể, cần kết hợp cả Nhà nước và DN để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch.

Thứ hai, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, ở đây là kết nối các điểm đến an toàn, du lịch xanh thông qua công nghệ và xây dựng “bản đồ số du lịch an toàn”, nhằm cung cấp thông tin kịp thời các điểm du lịch, tour, tuyến du lịch an toàn.

Thứ ba, bộ chỉ đạo các địa phương để tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng đặc sắc, linh hoạt và quan trọng là an toàn.

Trước đây, chỉ kích cầu hạ giá là người dân đi du lịch ào ào, nhưng bây giờ còn tâm lý lo sợ, hạ giá chưa chắc đã hào hứng đi. Nên cần xây dựng các gói du lịch theo hướng mới, tung tour trọn gói, an toàn và chia ra từng nhóm nhỏ… Sản phẩm du lịch phải thay đổi.

Cuối cùng, tôi cho rằng thời điểm này phải cân đối lại thị trường khách du lịch. Trong lúc chúng ta đang chuẩn bị các điều kiện để mở lại thị trường du lịch quốc tế thì du lịch nội địa vẫn là chủ yếu.

Tôi khẳng định Bộ VH-TT&DL sẽ thực hiện nghiêm việc triển khai kế hoạch này để sớm mở cửa lại thị trường du lịch, nhất là thị trường quốc tế.

* Nhiều nước đã mở cửa du lịch. Mức độ phục hồi của ngành du lịch sẽ khó nhanh được?

– Theo tôi, ngành du lịch sẽ có những bước đi thận trọng, song sẽ lấy lại đà phục hồi, quan trọng là qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Thực tế nhiều DN cũng chưa sẵn sàng, nhiều cơ sở vật chất ngành này đã chuyển đổi công năng sử dụng và chúng ta cũng còn thăm dò nhu cầu, thị hiếu của khách nên đây sẽ là giai đoạn tái khởi động.

Với DN đã trụ vững thì sẽ có thêm đà phục hồi, còn với DN đang gặp khó thì với sự hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp DN có thêm tiềm lực để phục hồi, trở lại bình thường mới.

Chúng tôi cũng lưu ý với các DN là phải tái hoạt động an toàn, không tái hoạt động bằng mọi giá, chạy theo lợi nhuận.

Trước mắt, DN phải tuân thủ nghiêm nghị quyết 128 và hướng dẫn của bộ. Kế đến là phải lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp khả năng, không nên làm theo phong trào, ai cũng giống nhau.

Các địa phương cũng nên ưu tiên những sản phẩm tiêu biểu, trên cơ sở du lịch ấm dần rồi nới rộng, tiến về bình thường mới.

Việt Nam đón khách quốc tế từ tháng 11 - Ảnh 6.

Xe buýt 2 tầng đã chính thức hoạt động trở lại từ ngày 24-10 với tần suất 30 phút/chuyến. Trong ảnh: người dân tham quan trung tâm TP.HCM bằng xe buýt 2 tầng sáng 24-10 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Giờ G: trung tuần tháng 11

* Ông có thể nói rõ hơn về thời điểm chuyến bay thí điểm đón khách quốc tế trở lại đầu tiên của Việt Nam sẽ đáp xuống Phú Quốc?

– Hiện ngoài Phú Quốc, một số địa phương khác như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh cũng đã có kế hoạch khôi phục du lịch quốc tế. Đây là các tỉnh có tỉ lệ tiêm chủng cao, kiểm soát tốt dịch bệnh…

Đây là những tín hiệu tích cực để ngành du lịch đề xuất tháng 11 này thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc.

Đồng thời, chúng ta sẽ đón khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ninh, căn cứ tình hình an toàn trong phòng chống dịch bệnh và địa phương có kế hoạch đón khách khả thi.

Trong đó, khách đi du lịch theo mô hình “bong bóng khép kín” giữa các khu vực và cơ sở dịch vụ an toàn được địa phương cho phép.

Chúng tôi đã thống nhất với UBND tỉnh Kiên Giang, giao cho Kiên Giang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành để triển khai. Bộ VH-TT&DL định ra lộ trình, còn ngày giờ cụ thể đón khách sẽ do Kiên Giang chủ động. Tinh thần chung tích cực chuẩn bị, trung tuần tháng 11 những vị khách đầu tiên sẽ đặt chân đến đảo ngọc.

Ông Phan Đình Huê (giám đốc Công ty dịch vụ du lịch Vòng tròn Việt):

Trông chờ hướng dẫn y tế

Trong các hướng dẫn hiện nay, điều cộng đồng DN du lịch trông chờ nhất là hướng dẫn xử lý trường hợp du khách là người nhiễm bệnh. Ai sẽ là người cùng xử lý với DN, địa phương?

Mở cửa chỉ là điều kiện cần chứ không phải đủ để hút khách. Nhà nước cần thông tin chính sách hỗ trợ du khách đến Việt Nam nếu bị lây nhiễm thì thế nào?

Nếu chúng ta cứ phản ứng quá chậm và quá nhiều thủ tục không phù hợp… sẽ mất lợi thế cạnh tranh, cơ hội hồi phục.

Để có khách quốc tế, DN du lịch phải xúc tiến, chào hàng ở thị trường quốc tế trước 4-6 tháng. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là công tác mở cửa rất không nhịp nhàng.

Chính phủ mở nhưng các bộ ngành lại không triển khai đúng tinh thần như vậy. Nhìn vào các bước thực hiện, cảm thấy vẫn sợ rủi ro, trách nhiệm và có cảm giác dồn khó khăn cho DN đón khách.

Do đó, rất cần về mặt chủ trương, thông tin có sự nhất quán, có như vậy mới khích lệ được DN mạnh dạn tái khởi động.

Giám đốc một DN khai thác khách inbound:

Cần hết sức khẩn trương

Thường gần cuối tháng 11 sẽ bắt đầu kỳ nghỉ đông của du khách châu Âu. Trong khi đó, các DN hàng không cũng như công ty du lịch cần thời gian để lên lịch bay, thiết kế sản phẩm, cả giấy phép từ cơ quan quản lý.

Vì vậy, các chính sách về hộ chiếu vắc xin, xây dựng kịch bản nếu du khách là F0… cần hết sức khẩn trương và rõ ràng để hỗ trợ DN bán tour, đón khách.

N.BÌNH ghi

Theo TTO