Về vụ bạo lực ở Trường Quốc tế TP.HCM, UBND TP.HCM đã đề nghị Công an TP can thiệp để nắm bắt xử lý thông tin chính thống, thông tin trái chiều về vụ việc trên mạng xã hội khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.
Chiều 2-6, tại họp báo tình hình kinh tế – xã hội tháng 5, nhiệm vụ giải pháp tháng 6 và công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Hồ Tấn Minh – chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM – cho biết UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Giáo dục và đào tạo vụ việc xảy ra tại Trường Quốc tế TP.HCM American Academy (ISHCMC AA).
Theo đó, sau khi nắm thông tin, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo hướng dẫn các đơn vị tổ chức giải quyết vụ việc khẩn trương, đảm bảo quyền lợi của học sinh, ổn định tâm lý phụ huynh và học sinh, không ảnh hưởng đến việc dạy và học tại trường.
Đồng thời, ông Minh cho biết theo đề xuất của Sở Giáo dục và đào tạo, UBND TP đã đề nghị Công an TP can thiệp để có biện pháp nắm bắt xử lý thông tin chính thống, thông tin trái chiều về vụ việc trên mạng xã hội khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng liên quan.
Đồng thời, kịp thời hỗ trợ nhà trường, cá nhân, tập thể sư phạm bị đe dọa, khủng bố tinh thần trong thời gian chưa có thông tin chính thức từ cơ quan chuyên môn.
Vụ việc tại ISHCMC AA xảy ra như thế nào?
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, ngày 26-5, khoảng 15h, sau giờ học chính thức, thầy giáo phụ trách nhận thông báo có nhóm học sinh xô xát nhau ở bên ngoài, cách trường 2 tòa nhà. Các em học sinh sau đó được thầy giáo phụ trách đưa về trường và đến phòng y tế để kiểm tra sức khỏe. Tiếp đó các học sinh gặp ban giám hiệu để tường thuật lại sự việc.
Tuy nhiên việc trao đổi giữa ban giám hiệu và các học sinh phải dừng lại khi phụ huynh của các em học sinh đến trường và yêu cầu nhà trường ngay lập tức xử lý vụ việc và xử lý đối với học sinh.
Tại thời điểm đó, do sự việc mới xảy ra, nhà trường không có đủ thông tin nên chưa thể đưa ra quyết định xử lý ngay đối với học sinh hay sự việc, trường đã giải thích việc này với phụ huynh.
Đến ngày 27-5, thông qua hệ thống camera giám sát và qua trao đổi với các học sinh khác, nhà trường nhận thấy khởi điểm là sự trêu ghẹo qua lại giữa các em học sinh với nhau và sự việc trở nên căng thẳng khi các em có những lời nói không hay dành cho nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xô xát.
Sau giờ tan học lúc 14h30, có 2 học sinh xô xát nhau tại khu vực cầu thang của nhà trường. Sau đó, khoảng 15h, có xô xát giữa nhóm 3 học sinh xảy ra ngoài khuôn viên trường và ngoài giờ học chính thức của trường.
Nhà trường bắt đầu lại tiến trình tìm hiểu, điều tra vụ việc thông qua các tác vụ như phỏng vấn các học sinh, nhân viên tại một nhà hàng lân cận có chứng kiến sự việc, thu thập hình ảnh từ các thiết bị công cộng và các clip ghi hình trên điện thoại, tái hiện những sự kiện dẫn đến vụ việc.
Trường chia sẻ thông điệp với tất cả học sinh và các em được khuyến khích nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm.
Qua vụ việc, nhà trường đã nhìn nhận trách nhiệm do chưa theo dõi, sâu sát học sinh tốt nhất, cả về mặt học tập và tâm lý lứa tuổi, cam kết sẽ thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Nhà trường cũng rút kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống nhanh chóng để tránh gây hiểu lầm cho phụ huynh và tạo thông tin trái chiều trên mạng xã hội.
Nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các phụ huynh có liên quan để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho nhóm học sinh cũng như giúp các em giải tỏa căng thẳng hiện có.
Theo Tuổi Trẻ