Chọn Mỹ để mở đường ra thế giới, chọn châu Âu xây dựng nhà máy sản xuất, mua lại thương hiệu lớn của Thụy Điển để hoàn thiện hệ sinh thái… không ồn ào nhưng bài bản, “ông trùm sữa bột” Nutifood không chỉ cho thấy bản lĩnh  doanh nghiệp Việt mà còn đang từng bước biến “giấc mơ về một doanh nghiệp Việt Nam danh tiếng toàn cầu về dinh dưỡng” của CEO Trần Thị Lệ thành hiện thực.

Bắt đầu từ giấc mơ lớn

Những ngày cuối tháng 9, thị trường dinh dưỡng Việt Nam rúng động khi Công ty Nutifood công bố đã hoàn tất thủ tục đầu tư 51% vào Cawells, một công ty thực phẩm bổ sung uy tín tại châu Âu

Được thành lập vào năm 2015 tại Thụy Điển, quốc gia hàng đầu thế giới về chất lượng sống cũng như những tiêu chuẩn khắt khe trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe con người, Cawells có danh mục sản phẩm đa dạng với hơn 120 loại khác nhau bao gồm: vitamin và khoáng chất, sản phẩm dành cho trẻ em, sản phẩm cho phái nữ, cho nam giới, sản phẩm cho người luyện tập thể thao và sản phẩm sức khỏe dành cho người cao tuổi. Với thương vụ này, Cawells sẽ trở thành một trong 3 nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái Nutifood Sweden. Đó là Nhà máy Nutifood Sweden, Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển và Cawells.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Nutifood, kỳ vọng sự kết hợp giữa Nutifood và Cawells sẽ tạo nên một thương hiệu thực phẩm bổ sung chăm sóc sức khỏe hàng đầu châu Á. “Đó là sự giao thoa hoàn hảo của những ứng dụng công nghệ tiên tiến từ phương Tây cùng với dược liệu quý của các nước Á châu để tạo nên sức cạnh tranh độc đáo, riêng biệt cho riêng Cawells tại những thị trường chiến lược tiềm năng với 100 triệu người Việt Nam nói riêng và gần 5 tỉ người khu vực châu Á nói chung”, ông Hải nhấn mạnh.

Đại gia Sữa Việt thâu tóm công ty ngoại - ảnh 2
Nhà máy sữa Nutifood tại Thụy Điển

Thực ra việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) không có gì mới. Hơn một thập niên nay, thị trường M&A tại Việt Nam cũng phát triển rất nhanh với trị giá hàng tỉ USD. Ngay cả năm 2022, năm toàn cầu rơi vào khó khăn, thì chỉ trong 6 tháng đầu năm thị trường đã ghi nhận 2.274 thương vụ với tổng giá trị hơn 2.000 tỉ USD. Nghĩa là trung bình mỗi ngày có tới trên 12 doanh nghiệp được mua bán, sáp nhập. Thế nhưng điều đáng buồn là các hoạt động M&A tại thị trường nội địa hầu như chỉ diễn ra 1 chiều, các tập đoàn ngoại mua đứt doanh nghiệp Việt. Mấy năm gần đây, một số công ty trong nước cũng lội ngược dòng, mua lại doanh nghiệp ngoại nhưng không nhiều. Còn ra thế giới mua lại doanh nghiệp nước sở tại như Nutifood thâu tóm Cawells của Thụy Điển lại càng hiếm hoi. Đó chính là lý do thương vụ này gây rúng động thị trường M&A nội địa những ngày cuối năm 2022.

Đáng nể hơn khi nhìn vào những bước đi đầy chiến lược của đại gia sữa Việt Nutifood. Chiến lược đó bắt đầu từ trăn trở “Người nước ngoài có thể vào Việt Nam kinh doanh thì tại sao người Việt Nam không thể đi ra thế giới? Tại sao người nước ngoài tạo dựng được các doanh nghiệp nổi tiếng, vươn tầm thế giới mà chúng ta lại không?” của CEO Trần Thị Lệ, nữ tướng Nutifood nhiều năm về trước. Trong lần chia sẻ với Thanh Niên, bà Lệ không giấu giếm: “Giấc mơ của tôi là tạo dựng được một doanh nghiệp Việt Nam danh tiếng toàn cầu về dinh dưỡng”. Và giấc mơ đó đã được thực hiện một cách không thể bài bản hơn.

Đại gia Sữa Việt thâu tóm công ty ngoại - ảnh 3
Các chuyên gia Viện Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển nghiên cứu, đánh giá chất lượng sản phẩm

N.T

Ông Trần Thanh Hải chia sẻ, từ nhiều năm nay Nutifood liên tục thực hiện những thương vụ đầu tư lớn nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho chiến lược dài hơi: đưa thương hiệu Việt vươn tầm thế giới. Từ việc chuẩn hóa toàn bộ hoạt động sản xuất và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; chinh phục thị trường Mỹ bằng chứng nhận FDA; đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ của đại siêu thị Walmart; xây dựng nhà máy sữa và thành lập Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood tại Thụy Điển hay sở hữu hàng trăm héc ta trồng Sâm Ngọc Linh khi đầu tư vào công ty Quasapharco… Một cách âm thầm nhưng vững chãi, Nutifood đã có mặt tại 15 quốc gia trên thế giới trước khi công bố nắm cổ phần chi phối Cawells thông qua Công ty Nutifood Sweden.

Đại gia Sữa Việt thâu tóm công ty ngoại - ảnh 4

Nhưng Thụy Điển cũng chỉ là bước đệm trong lộ trình xây dựng một doanh nghiệp Việt Nam danh tiếng toàn cầu về dinh dưỡng của CEO Trần Thị Lệ. Ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch Nutifood, thừa nhận: “Nutifood chọn Thụy Điển và chọn Cawells vì quốc gia này có nền khoa học, công nghệ y học, dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe con người phát triển cao và tốt nhất thế giới. Nhưng dân số Thụy Điển rất nhỏ, Cawells chỉ thực sự lớn mạnh khi tiếp cận được thị trường tỉ dân của châu Á. Thế nên việc kết hợp giữa Nutifood Thụy Điển, Nutifood Việt Nam và Cawells sẽ mang Cawells và tinh hoa dinh dưỡng của đất nước Thụy Điển tới gần hơn với hàng tỉ người dân của khu vực châu Á năng động và phát triển nhất hiện nay”. Được biết, Nutifood đã mất tới 6 tháng, vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ khác đến từ Nhật, Hàn… để có được Cawells cho hệ sinh thái tại Thụy Điển cũng như hành trình ra thế giới của mình.

Tới làm giàu cho người Việt bằng công ty Việt

“Chúng tôi muốn làm giàu cho người Việt bằng chính thương hiệu do công ty Việt Nam làm chủ”, phát biểu của ông Trần Bảo Minh tại buổi công bố Nutifood mua lại Công ty Cawells thời điểm giữa tháng 9 gây xúc động cho hầu hết những người tham dự buổi lễ. Vẫn biết chuyện mua bán doanh nghiệp trong thế giới phẳng là hết sức bình thường, nhưng vấn đề lo ngại lâu nay là Việt Nam sẽ dần vắng bóng các thương hiệu tên tuổi của chính người Việt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp bị thâu tóm. Nỗi lo này càng lớn hơn khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020, các nhà đầu tư Trung Quốc thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ công ty Việt bị loại ra khỏi thị trường mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt trên thị trường quốc tế. Còn nhớ trong một công văn gửi Thủ tướng, ông Vũ Tiến Lộc, khi đó còn là Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã kiến nghị “Chính phủ nên xem xét tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cảnh báo, các doanh nghiệp tiềm năng (có quy mô vừa và lớn, có thị phần nhất định và có vai trò dẫn dắt một số ngành quan trọng) có thể bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ nhiều nước như Ấn Độ, Nhật, Ý, Đức, Tây Ban Nha… cũng đã có biện pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc thâu tóm của nhà đầu tư Trung Quốc nhằm bảo vệ các ngành kinh tế quan trọng, doanh nghiệp trọng điểm. Bởi ai cũng hiểu, khi không có hệ thống doanh nghiệp nội địa mạnh, kinh tế khó có động lực tăng trưởng bền vững. Phải đặt trong bối cảnh đó mới hiểu hết ý nghĩa và trân trọng khát vọng “làm giàu cho người Việt bằng chính thương hiệu do công ty Việt Nam làm chủ” mà ông Trần Bảo Minh cũng như lãnh đạo Nutifood ấp ủ.

Nhưng dấu ấn thương hiệu Việt, văn hóa Việt, nguồn gốc Việt sẽ được phát triển thế nào trong một công ty thuần ngoại như Cawells, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm chức năng mà nhiều nước phát triển đang là bá chủ? Ông Trần Bảo Minh nói thẳng, bắt chước công thức thì không thể cạnh tranh. Thế nhưng đứng trên vai “người khổng lồ” là sở trường của người được mệnh danh là phù thủy marketing Việt Nam. “Thế giới đang có xu hướng trở về thiên nhiên, ưa chuộng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Đặt giả thiết một sản phẩm như sữa Ensure của Mỹ nổi tiếng tốt cho người lớn tuổi, có các dưỡng chất như canxi, vitamin… nếu thêm sâm Ngọc Linh vào, giúp cho cơ thể mau chóng phục hồi, ngăn chặn lão hóa, hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn… người Mỹ có mua không? Tôi chắc là có. Công thức chuẩn đó được bổ sung sâm Ngọc Linh chính là sự khác biệt, một sự khác biệt quý giá mà nhiều người thực sự muốn”, ông Minh nói và nhấn mạnh với những lợi thế này, không chỉ người Việt có thể được sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng cao cấp với giá thành cạnh tranh mà còn có thể giới thiệu thương hiệu Việt cùng những sản vật thảo dược được mệnh danh là “quốc bảo” của Việt Nam đến người tiêu dùng toàn thế giới.

Và kế hoạch “hút tiền về Việt Nam”

Từ 2.500 năm trước, cha đẻ của ngành y học phương Tây Hippocrates đã tuyên bố “Hãy để thực phẩm là thuốc của bạn, thuốc là thực phẩm của bạn”, thế nhưng không nhiều người biết, Nhật mới chính là cái nôi của thực phẩm chức năng và những năm đầu thập niên 90 nước này dẫn đầu về ngành ngành công nghiệp thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê mới nhất, có tới 1/5 dân số sử dụng thực phẩm chức năng với giá trị thị trường lên tới gần chục tỉ USD. Đáng nói, rất nhiều người trong số đó “sính” ngoại. Dẫn số liệu khoảng 9 triệu người Việt Nam đang sử dụng thực phẩm bổ sung từ Mỹ, Anh, Úc… và “vô hình trung mang tiền của mình cho họ”, ông Trần Bảo Minh “không cam tâm để các doanh nghiệp Mỹ, Anh, Úc… chiếm hữu thị trường và mang tiền ra khỏi Việt Nam”. Đó là lý do Nutifood quyết liệt với mục tiêu công ty Việt Nam sẽ làm chủ thương hiệu có tầm cỡ quốc tế và phục vụ cho chính người Việt. “Từ đó có thể mang tiền từ khắp các nước đổ trở về đất nước, làm giàu cho người Việt. Chúng ta tiến chân vào thị trường này để giữ tiền và hút tiền về cho Việt Nam”, ông Minh tuyên bố.

Khát vọng cháy bóng nhưng cơ hội nào cho Nutifood khi đặt chân vào ngành thực phẩm bổ sung với tiềm năng cực lớn (khoảng 320 tỉ USD trong năm nay theo báo cáo thống kê của Statista) nhưng cạnh tranh khốc liệt bởi các “ông lớn” sừng sỏ? Cũng như chiến lược ra thế giới được chuẩn bị bài bản, thế trận “lấy thị phần” đã được phù thủy marketing Trần Bảo Minh hoạch định khá rõ ràng. Với việc chiếm giữ 51%, Nutifood sẽ tận dụng được nguồn lực sẵn có của Cawells như kênh phân phối và marketing ở thị trường quốc tế; tệp khách hàng trải dài từ châu Âu, châu Á đến khu vực Trung Đông; thừa hưởng chất xám có sẵn (chất lượng Thụy Điển, công thức phương Tây)… Cộng với lợi thế giá thành hợp lý nhờ hệ thống phân phối sẵn có; chất lượng cao nhờ dây chuyền công nghệ hiện đại được đầu tư liên tục của mình. “Nutifood không chỉ dừng lại ở việc thừa hưởng những danh mục sản phẩm sẵn có vốn đã được công nhận về chất lượng từ Cawells, mà doanh nghiệp sẽ nâng cấp các dòng sản phẩm này lên tầm cao mới khi kết hợp với nguồn thảo dược quý tại Việt Nam như sâm Ngọc Linh, đông trùng hạ thảo… Không chỉ nâng chất lượng thực phẩm bổ sung lên tầm cao mới mà còn promote thảo dược Việt ra thế giới”, ông Minh tự tin.

“Đi ra với khát vọng trở về” luôn là mục tiêu lớn nhất của những con người Nutifood. Sản phẩm đầu tiên ở Nhà máy Nutifood Sweden (Thụy Điển) là cho thị trường Việt Nam bởi trong sâu thẳm những doanh nhân xuất thân từ bác sĩ, từ chuyên gia dinh dưỡng, mong muốn lớn nhất của họ vẫn là trẻ em Việt Nam được sử dụng các loại sữa chất lượng nhất, tốt nhất. Cũng như giờ đây khi tấn công vào thị trường thực phẩm bổ sung, mục tiêu cao nhất của “đại gia sữa Việt” là làm giàu cho người Việt, nuôi dưỡng thương hiệu Việt và hút tiền từ thế giới về Việt Nam.

Đinh Phương

Theo Thanh Niên