“Để phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội, phải có một chiến lược tổng thể, được xây dựng bởi sự phối hợp của các sở, ngành liên quan. Đối với các di sản công nghiệp, như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, cũng nên tư duy theo cách như vậy”, kiến trúc sư (KTS) Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ.
Cần những đề án có ‘sức sống’
Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, Nhà máy xe lửa Gia Lâm chứng tỏ được sức hút của mình, gợi mở hướng khai thác các giá trị có tính văn hoá của các di sản công nghiệp. Vậy nhưng, tới thời điểm này, phương án khai thác thường xuyên di sản công nghiệp này chưa được đưa ra. Ông bình luận như thế nào về hiện tượng này?
KTS. Trần Ngọc Chính: Nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm ở bên kia sông, ở phía Gia Lâm, nay là quận Long Biên. Đây vừa là nhà máy sửa chữa đầu máy, vừa là điểm kết nối để thay đổi hướng đi của các đoàn tàu. Trong tương lai, đường sắt Việt Nam sẽ phát triển hệ thống tàu tốc độ cao, sẽ có cầu mới kết hợp đường bộ và đường sắt qua sông Hồng. Theo danh mục nhà, đất phải di dời trên địa bàn đợt 1 do Hà Nội ban hành, Nhà máy xe lửa Gia Lâm thuộc diện phải di dời.
Với diện tích khoảng 20 ha ở vị trí đắc địa, nhiều phương án đã được gợi ý cho quỹ đất này. Người ta nghĩ rằng, có thể dùng diện tích đất ấy để xây dựng khu đô thị, hoặc xây các công trình công ích, như công viên, trường học, kết hợp giữa trường học và công viên hay khu đô thị và công viên… Rồi các nhà quản lý, các kiến trúc sư muốn giữ lại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm như một di sản công nghiệp đã tồn tại hơn 100 năm, là một phần không thể thiếu trong ký ức đô thị Hà Nội. Từ ý định này, Nhà máy xe lửa Gia Lâm được lựa chọn là một trong những địa điểm tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Việt Nam 2023 với các trưng bày về đường sắt, các triển lãm sáng tạo thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội, đặc biệt là các bạn trẻ.
Vậy nhưng, đến thời điểm này, ý tưởng biến Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành một không gian bảo tàng cho ngành đường sắt, một sân chơi sáng tạo mới chỉ dừng lại ở một sự kiện kéo dài hai tuần. Lẽ ra, nó phải trở thành một đề án có sức sống với những tính toán rõ ràng về việc sử dụng không gian, vốn đầu tư, khả năng thu hồi vốn, phương án và đơn vị vận hành… tham gia vào công nghiệp văn hoá của Hà Nội.
Khoảng cách giữa ý tưởng và hiện thực cũng tồn tại trong trường hợp của Tháp nước Hàng Đậu. Việc biến di sản công nghiệp này thành một điểm đến, để khai thác du lịch khác với Nhà máy xe lửa Gia Lâm như thế nào, thưa ông?
KTS. Trần Ngọc Chính: Tháp nước Hàng Đậu là một công trình kỹ thuật cổ, có giá trị văn hoá lịch sử có thể được xếp vào dạng di sản công nghiệp. Tháp nước này có một kiến trúc rất đặc biệt và là một phần ký ức quan trọng của đô thị Hà Nội và cả nước.
Các nhà quản lý, các nhà chuyên môn muốn bảo tồn vĩnh viễn di sản này. Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, tháp nước Hàng Đậu được chọn là một trong hai địa điểm trưng bày, thể hiện các ý tưởng thiết kế, sáng tạo cùng với Nhà máy xe lửa Gia Lâm.
Cuối năm 2023, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo Thủ tướng, các ngành công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại.
Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Thủ tướng yêu cầu ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn mới, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công-tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa.
Tại tháp nước Hàng Đậu, TP. Hà Nội đã mời gọi và tạo điều kiện để các kiến trúc sư, các nghệ sĩ sắp đặt ánh sáng, bối cảnh nghiên cứu không gian tháp nước và chọn ra một phương án trưng bày phù hợp. Họ đã nhận ra yếu tố bí ẩn trong kiến trúc và không gian tháp nước, sử dụng ánh sáng và bố trí nội thất một cách thu hút, khai thác được sự bí ẩn ấy. Điều này rất đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, tôi đề nghị hãy biến tháp nước Hàng Đậu thành điểm đến du lịch thường xuyên, không phải chỉ với du khách trong nước mà cả cả du khách nước ngoài. Muốn vậy, không gian sáng tạo trong tháp nước phải được thay đổi theo thời gian, chủ đề… Phải có một đề án nghiên cứu việc khai thác điểm đến du lịch tháp nước Hàng Đậu, ngoài các yếu tố trưng bày, sắp đặt, còn có thể nghĩ tới việc tổ chức các chương trình nghệ thuật phù hợp với kiến trúc và không gian nội thất của tháp nước.
Như vậy, đối với những di sản công nghiệp, Hà Nội phải có cách tiếp cận rất bài bản, vừa bảo tồn được giá trị vừa để chúng ‘sống’ được theo cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Ngoài việc phải lập các đề án khai thác chi tiết, cụ thể, theo ông, cần có những hành động thế nào?
KTS. Trần Ngọc Chính: Cách đây 12 năm, tôi có tham gia làm Quy hoạch Thủ đô Hà Nội 2011, Quy hoạch Hà Nội mở rộng, rồi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Từ thời điểm đó đặt ra vấn đề di dời các loại cơ sở công nghiệp, kho tàng, bến bãi ra khỏi Thủ đô. Tới thời điểm này, một số cơ sở đã được di dời, thay vào đó là các dự án bất động sản lớn. Một số khác như khu cao-xà-lá, bóng đèn phích nước Rạng Đông… đã có những bước chuẩn bị để di dời.
Tới giờ, xuất hiện mong muốn và dự định giữ lại một số cơ sở công nghiệp cũ để khai thác giá trị văn hoá, yếu tố gắn liền với sự phát triển đô thị của chúng. Trước khi đặt vấn đề xây dựng đề án khai thác hài hoà, hiệu quả, đầu tiên, Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội phải có những chỉ đạo rõ ràng về vấn đề này, phải xác định rõ mục đích sử dụng các diện tích đất di dời: quy hoạch thành khu đô thị giải quyết vấn đề chỗ ở cho người dân hay làm các công trình công cộng như vườn hoa, cây xanh… hay biến các cơ sở công nghiệp cũ thành bảo tàng, không gian trưng bày. Nói cách khác, Hà Nội phải có một đề án chung cho các kho tàng, bên bãi, cơ sở công nghiệp bị di dời ra khỏi nội đô.
Trên cơ sở đó, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư cảnh quan, các nhà văn hoá, nhà chuyên môn mới đưa ra các ý tưởng khai thác không gian, lập đề án, lựa chọn hình thức đầu tư có thể là PPP hay BOT…
Hình dung về trục di sản cầu Long Biên
Trở lại với mục tiêu biến di tích, di sản văn hoá thành nguồn lực, ông từng đề cập tới một trục di sản kết nối các điểm đến hấp dẫn của Hà Nội với tâm điểm là cầu Long Biên. Ông có thể đề cập rõ hơn về phương án khai thác các di sản theo trục nêu trên và từ phía quản lý nhà nước, Hà Nội cần hỗ trợ như thế nào?
KTS. Trần Ngọc Chính: Nói đến cầu Long Biên là nói đến một công trình vừa mang tính lịch sử, gắn bó với lịch sử của Thủ đô, vừa mang tầm cỡ quốc tế vì nó là một trong số ít công trình cầu thép với kiến trúc độc đáo vào loại lớn, vắt ngang qua ba thế kỷ nên rất hiếm trên thế giới.
Chính phủ Pháp rất quan tâm tới việc bảo tồn công trình này. Thậm chí, họ từng đề cập tới việc hỗ trợ Việt Nam làm lại cây cầu như thiết kế cũ, chứ không chỉ tài trợ nghiên cứu phương án bảo tồn cầu Long Biên. Vấn đề hiện tại là cầu Long Biên đang do ngành giao thông vận tải quản lý, với công năng của một cầu đường sắt nên câu chuyện khai thác, bảo tồn những giá trị văn hoá của cầu Long Biên khó đặt ra.
Trong tương lai, tàu hoả sẽ chạy qua một cây cầu mới bắc qua sông Hồng. Chúng tôi đề nghị biến cầu Long Biên thành cầu đi bộ. Có thể điều chỉnh lại kiến trúc của cầu như hình dáng cũ, kết hợp với bảo tồn bảo tàng. Quan trọng hơn, cầu Long Biên sẽ kết nối hai đầu cầu và khu phố cổ với bãi giữa sông Hồng, đang được quy hoạch thành một công viên văn hoá du lịch lớn của Hà Nội.
Trục cảnh quan nói trên đồng thời là trục văn hoá di sản. Cầu Long Biên kết nối hai bờ sông Hồng, đi vào trung tâm lịch sử của Hà Nội là 36 phố phường, đi qua 136 mố cầu mà bên dưới có thể trở thành kiot bán đồ lưu niệm, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp… Các cảnh quan, di sản thời Pháp thuộc cũng nằm trên trục kết nối này gồm vườn hoa Hàng Đậu, tháp nước Hàng Đậu, nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, khu phố cũ…
Vấn đề hiện giờ là chờ ý kiến từ các cấp quản lý. Khi cầu Long Biên đã hoàn thành sứ mệnh là cầu đường sắt, Hà Nội sẽ nhận quản lý hay cầu Long Biên sẽ được giao về thẩm quyền quản lý của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đơn vị quản lý sẽ chủ trì tổ chức thi phương án, lựa chọn nhà đầu tư và giám sát quá trình thực hiện các ý tưởng, đề án bảo tồn, khai thác giá trị đặc biệt, riêng có của cầu Long Biên.
Thưa ông, để mong muốn biến di tích, di sản thành nguồn lực phát triển được hiện thực hoá, sự phối hợp liên ngành ở Hà Nội nên được thể hiện như thế nào?
KTS. Trần Ngọc Chính: Để giải quyết các vấn đề liên quan tới di dời cả cơ sở công nghiệp cũ, khai thác giá trị về đất đai và giá trị văn hoá, lịch sử của những di tích, di sản, di sản công nghiệp của Hà Nội, các ngành các cấp cần phải có sự thống nhất với nhau, đưa ra một chiến lược tổng thể. Chiến lược này cần được xem xét, phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền, rồi trên cơ sở đó, đưa ra các chương trình, đề án cụ thể giúp khai thác tốt nhất giá trị văn hoá, lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Di sản đường sắt thế giới và trường hợp Nhà máy xe lửa Gia Lâm
TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cho biết: “Ngành bảo tàng học trên thế giới đã phát triển, bên cạnh việc sắp đặt các hiện vật, bố cục theo từng nhóm nội dung, phải có hình thức để diễn giải (interpretation) bối cảnh, câu chuyện của các trưng bày đó. Sự “diễn giải” góp thêm thông tin, kể câu chuyện và làm cho người xem hình dung được từng bối cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội của di sản”.
Dựa trên lý thuyết này, việc “diễn giải” các trưng bày ở từng di tích, di sản sẽ phải được thực hiện theo đặc điểm của từng di tích, di sản. Khác với các di tích lịch sử, như Nhà tù Hoa Lò, những di sản công nghiệp như Nhà máy xe lửa Gia Lâm sẽ phải chọn được cách “diễn giải” riêng biệt.
“Những trưng bày tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội diễn ra cuối năm 2023 đã tạo được tiếng vang lớn bởi nhiều lẽ. Thứ nhất, lần đầu tiên Nhà máy xe lửa Gia Lâm, một biểu tượng của công nghiệp đường sắt Việt Nam thời Pháp thuộc mở cửa cho công chúng vào tham quan. Thứ hai, song song với các trưng bày liên quan tới ngành đường sắt, trong không gian Nhà máy xe lửa Gia Lâm còn có các trưng bày về thiết kế, sáng tạo mới mẻ, nổi bật, tạo nên điểm nhấn thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân Thủ đô. Thế nhưng, câu chuyện thiết kế sáng tạo đương đại và câu chuyện của di sản vật thể đi gắn liền với những ký ức đã tồn tại cả thế kỷ rất khác nhau và nếu để chúng cùng tồn tại, các trưng bày chỉ có thể có sức hấp dẫn trong ngắn hạn”, TS. Lê Thị Minh Lý nhận xét.
Câu chuyện nên được kể tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm là về dấu tích vật chất quan trọng của ngành đường sắt Việt Nam ngay từ buổi khởi đầu, về những con người đã xây dựng, vận hành nhà máy, về nhà máy như một nhân chứng lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Theo bà Lê Thị Minh Lý, đó là những điều mà các trưng bày tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo 2023 chưa làm được một cách trọn vẹn.
Dẫu vậy, để hiện thực hoá những gợi ý của vị chuyên gia là một việc hoàn toàn khác. Trên thực tế, các bảo tàng đường sắt trên thế giới, ngay cả Bảo tàng đường sắt Anh quốc, nơi xuất hiện đầu máy xe lửa đầu tiên, cũng phải dựa một phần đáng kể vào nguồn đóng góp từ cộng đồng. Tại Bảo tàng đường sắt Toronto, Canada, ngoài đóng góp bằng tiền bạc, các tình nguyện viên tham gia vào hầu hết các công việc vận hành bảo tàng, từ truyền thông, marketing, xây dựng các kế hoạch công việc tới sữa chữa, tân trang các toa xe trưng bày. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn lực xã hội hoá là yếu tố then chốt để bảo tồn các di sản đường sắt.
“Muốn có sản phẩm sáng tạo, chúng ta phải đầu tư cho nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực thực hành”, TS. Lê Thị Minh Lý lưu ý thêm.
Hoàng Hạnh (thực hiện)