Chiều 21/3, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn TPHCM, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đã cung cấp thông tin về vụ việc hơn 1.200 học sinh phải nghỉ học do giáo viên đình công, xảy ra tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN)
Theo bà Châu, trường Quốc tế Mỹ Việt Nam là trường tư thục đóng trên địa bàn gồm 3 cấp học từ tiểu học, THCS đến THPT. Ngôi trường có các giáo viên trong nước và giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy.
Đây là trường dạy chương trình IB (Tú tài quốc tế) nên có 129 giáo viên nước ngoài, 26 giáo viên Việt Nam. Tình trạng giáo viên nhà trường đình công xảy ra từ ngày 4/3, tại thời điểm đó có khoảng 53 giáo viên nghỉ việc. Tình trạng này kéo dài đến 20/3 khi có đến 85 giáo viên nghỉ việc.
Khi tiếp nhận thông tin từ báo chí và phụ huynh học sinh, từ ngày 4/3, Sở đã lập biên bản và mời hiệu trưởng nhà trường lên làm việc. Tại cuộc làm việc, Sở xác định rất rõ với hiệu trưởng nhà trường đây là trường tư thục nhưng trách nhiệm của hiệu trưởng là về chuyên môn, phải đảm bảo kế hoạch dạy và học, đảm bảo việc giảng dạy cho 1.213 học sinh. Sở cũng đã hướng dẫn hiệu trưởng về chuyên môn trong những ngày giáo viên đến trường không đầy đủ.
Bà Châu cho biết thêm, qua các buổi làm việc với hội đồng nhà trường, chủ đầu tư, họ cho biết đang gặp khó khăn về phương án tài chính kể từ khi dịch bệnh COVID-19 đến giờ. Ngoài ra, chủ trường đang nhờ các quỹ đầu tư vào tái cấu trúc lại nhà trường, chính vì vậy mới có tình trạng chậm trả lương cho giáo viên, khiến giáo viên đình công.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Sở GD&ĐT đã báo cáo với UBND TPHCM và tính toán các phương án. Sở cũng thành lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh, tổ xử lý đơn thư liên quan đến Trường.
Đối với giải pháp dành cho các em học sinh, Sở đã rà soát những cơ sở giáo dục đang dạy chương trình IB như các trường cùng hệ thống quốc tế và các trường công lập. Sở GD&ĐT TPHCM cũng đề nghị các trưởng Phòng GD&ĐT các quận, huyện và TP. Thủ Đức, hiệu trưởng các trường TPHPT, trường có vốn đầu tư nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận học sinh từ Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam có nhu cầu chuyển đến.
“Chúng tôi cũng làm việc với đại diện phụ huynh, theo đó các phụ huynh đều không muốn chuyển trường cho con mà mong muốn Sở GD&ĐT trao đổi với chủ đầu tư để cho họ được tiếp quản, điều hành nhà trường. Đây là điều vượt khỏi thẩm quyền của Sở GD&ĐT vì chúng tôi chỉ đảm bảo việc dạy và học cho học sinh”, bà Châu thông tin.
Ngoài ra, Sở cũng đã lập biên bản, làm việc với hội đồng trường. Chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự việc này, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên và học sinh của trường. Nhà trường đã có cam kết trong thời gian sớm nhất cố gắng có lộ trình, phương án dạy học cho các em từ nay đến cuối năm học và sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về mặt pháp luật nếu không thực hiện đúng cam kết với Sở GD&ĐT.
Trước đó, những ngày qua, báo chí thông tin nhiều phụ huynh có con học tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam gửi đơn cầu cứu khi giáo viên đồng loạt đình công, khiến con em họ phải tạm nghỉ học. Một số phụ huynh cho biết họ đưa con đến trường nhưng phải ngồi ở căng tin vì không có giáo viên giảng dạy.
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 432 ngày 30/1/2019 của UBND TPHCM; được phép hoạt động giáo dục theo Quyết định số 1473 ngày 13/6/2019 của Sở GD&ĐT.
Theo công bố, học phí năm học 2023-2024 của trường này dao động từ 280 triệu đồng đến mức cao nhất 725 triệu đồng/năm, chưa tính nhiều khoản chi phí khác như phí hồ sơ đầu vào, phí ghi danh, phí chương trình phát triển Anh ngữ…
Bên cạnh học phí, các khoản phí của AISVN cũng rất cao. Học sinh ngay khi nộp đơn đăng ký nhập học sẽ phải đóng phí đầu vào 2,5 triệu đồng, đối với khối khám phá (dự bị tiểu học) là 1,5 triệu đồng. Phí ghi danh cho tiểu học là 45 triệu đồng, lớp 6-10 là 35 triệu đồng và lớp 11-12 là 25 triệu đồng.
Đinh Phương