(Vtrend.vn) Mới một tháng trước gửi tiền 6 tháng được lãi suất 7,4%/năm nhưng đến nay chỉ còn 6,7%. Có ngân hàng nhận tiền gửi trả lãi suất 4,1%/năm cho 1 tháng nhưng có nơi lại nhận tới 5,5%. Người có tiền chưa kể bị lạc giữa “ma trận” lãi suất, lại còn bị chóng mặt bởi tốc độ thay đổi lãi suất của các nhà băng.

Lên xuống liên tục

Trước Tết Nguyên đán, chị Huyền, làm nghề kế toán, mang 500 triệu đồng đến Ngân hàng VPBank gửi tiết kiệm. Các giao dịch viên ở đó tư vấn cho chị gửi kỳ hạn dài để lấy lãi suất cao, hoặc chia thành hai gói nhỏ để gửi: một kỳ hạn ngắn phòng lỡ có nhu cầu rút vốn, một gói gửi dài hơn để lấy lãi cao. Với khoản tiền gửi kỳ hạn dài, họ khuyên chị gửi 6 tháng để hưởng lãi đến 7,7%/năm do ngân hàng đang khuyến mại cộng thêm 0,3 điểm phần trăm lãi suất nhân sự kiện U23 Việt Nam được vào chung kết.

Cô giao dịch viên nói với chị Huyền rằng mức lãi suất này là cao hiếm có và đã tăng mạnh so với trước đó. Nếu chị không gửi kỳ hạn dài thì thật phí. Còn nếu buộc phải dùng đến tiền thì chị gửi kỳ hạn 1 tháng cũng được 5,5%/năm – mức kịch trần do Ngân hàng Nhà nước quy định – vừa tiện lợi lại lãi suất ngang với kỳ hạn 3 tháng.

Ngày hôm qua 12/3, chị Huyền có thêm một khoản tiền nhàn rỗi chưa dùng đến, chị lại mang ra ngân hàng gửi. Vẫn cứ đinh ninh rằng lãi suất phải ngang bằng hoặc có giảm thì cũng chỉ thấp hơn chút ít do hết khuyến mại, nhưng khi cô giao dịch viên thông báo lãi suất 6 tháng là 6,7%/năm và dưới 3 tháng là 4,9%/năm, chị giật mình vì chỉ có một thời gian ngắn như vậy mà lãi suất lại thay đổi đến chóng mặt. Chị đắn đo rồi nộp tạm vào tài khoản để về trao đổi thêm với chồng.

Cũng mang tiền đi gửi tiết kiệm, bác Hoa, một cán bộ về hưu ở phường Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) trong khi đó chia sẻ, bác vẫn có thói quen gửi tiền ở ngân hàng của Nhà nước (ý nói đến các ngân hàng lớn do Nhà nước nắm quyền chi phối – PV). Và thường thì bác chọn kỳ hạn 1 tháng để cho tiện, phòng khi có việc cần dùng. Hồi trước bác gửi ở Vietcombank lãi 4,3% nhưng sau giảm xuống, bác mang sang BIDV được 4,8%/năm, rồi sau đó là về 4,3%, nhưng 2 tháng vừa rồi bác gửi lãi chỉ còn có 4,1%. “Tôi cũng thắc mắc các cô làm ở ngân hàng thì các cô ấy nói ngân hàng lớn nào cũng lãi vậy thôi nên bác cứ gửi ở đây vừa gần nhà lại yên tâm nên là tôi vẫn để đó”.

Chị Ngọc ở Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh lại khoe rằng, chị vừa được cô bạn làm ở ngân hàng mời gửi tiền với lãi suất hơn 8%/năm. Sau khi nghe bạn phân tích về hoạt động của các ngân hàng, về sự đảm bảo an toàn trong giao dịch cũng như chính sách đảm bảo tiền gửi cho người dân của Ngân hàng Nhà nước, chị quyết định tất toán trước hạn sổ tiết kiệm ở một ngân hàng khác đang hưởng 6,5% để chuyển qua ngân hàng này. “Chị ấy nói nếu trước Tết gửi thì chỉ được 7,6% nhưng giờ mang qua là được hơn 8%, lãi suất vừa tăng và có thể giảm sớm không chừng nên tôi quyết định gửi kỳ hạn 13 tháng để được lãi cao nhất” – chị Ngọc kể.

Câu chuyện của bác Hoa, chị Ngọc và chị Huyền cũng là chuyện mà nhiều người gửi tiền đang gặp. Trước đây lãi suất được các ngân hàng niêm yết sàn sàn nhau và nếu biến động, chẳng hạn một ngân hàng điều chỉnh tăng hoặc giảm, thì sẽ kéo theo dây chuyền một loạt ngân hàng điều chỉnh. Nhưng nay chuyện tăng giảm đã không còn là xu hướng chung mà phụ thuộc vào chính sách của từng ngân hàng.

Hơn nữa, nhiều ngân hàng còn “nhạy” với các sự kiện xã hội, nên cũng tranh thủ mang lãi suất ra làm công cụ thu hút sự chú ý của người gửi tiền. Chẳng hạn thời điểm có giải đấu U23 châu Á, nhiều ngân hàng tranh thủ cộng lãi suất cho người gửi tiền từ 0,1 – 0,3%. Dịp Tết Nguyên đán, có ngân hàng cộng lãi suất từ 0,1% – 0,2%, thậm chí như ngân hàng HDBank còn cộng thêm tới 0,7% lãi suất tiền gửi cho khách. Hay đợt 8/3 vừa rồi không ít các ngân hàng cũng tranh thủ cộng lãi suất cho khách hàng gửi tiền…Nhưng sau các sự kiện, lãi suất lại được điều chỉnh giảm một cách đột ngột đến khó ngờ.

Chênh lệch lãi suất của các ngân hàng ngày càng lớn

Cùng với các chính sách khuyến mại cho người gửi tiền thì mức lãi suất của các ngân hàng hiện nay cũng có độ chênh lệch rất lớn, thậm chí là lớn nhất kể từ khi NHNN quy định trần lãi suất cách đây 7 năm.

Khảo sát của chúng tôi tại các ngân hàng cho thấy, ở nhóm ngân hàng tư nhân lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 4,8%/năm đến 5,5%/năm, trong khi ở ngân hàng lớn có vốn Nhà nước chỉ 4,1%/năm cho đến 4,3%/năm. Những điển hình của lãi suất đang hấp dẫn người gửi tiền ở kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng có thể kể đến Sacombank, HDBank, VIB, Techcombank, Eximbank, ABBank, Maritime Bank…

Trong khi đó ở kỳ hạn dài trên 12 tháng, lãi suất ở các ngân hàng lớn (không phân biệt cổ phần tư nhân hay vốn Nhà nước) chỉ biến động quanh mức 6,5 – 7%/năm, còn ở các ngân hàng nhỏ thì cao hơn hẳn và thường là trên 7,4%/năm. Thậm chí nhiều ngân hàng còn đẩy lãi suất lên trên dưới 8%/năm cho các khoản tiền gửi lớn, chẳng hạn VietA Bank đang có lãi suất từ 7,8 – 8%/năm, tiền gửi ở SeABank kỳ hạn 13 – 14 tháng lãi suất 8%/năm, lãi suất ở Nam A Bank cao nhất tới 8,3%/năm và vô địch lãi suất phải kể đến Viet Capital Bank với 8,5%/năm. Các mức chênh lệch lãi suất như vậy đến 1,2 – 2 điểm phần trăm.

Băn khoăn chuyển kỳ hạn, chọn ngân hàng

Trở lại với câu chuyện của chị Huyền ở trên, chị chia sẻ, khoản tiền nhàn rỗi của gia đình chị cũng kha khá nhưng còn chưa thống nhất được kênh đầu tư dài hạn nên tạm thời cứ gửi ngân hàng.

“Tôi thì ưa ăn chắc mặc bền nên muốn gửi ngân hàng, một là tiện lợi khi có việc, hai là lại có lãi cao. Nhưng anh nhà tôi lại muốn đầu tư chứng khoán với bất động sản để lãi nhiều hơn. Thời gian vừa rồi lãi tiết kiệm lên khá cao nên chồng tôi cũng đồng ý gửi ngân hàng. Nhưng giờ lãi suất ngân hàng quen qua có hơn 1 tháng mà xuống thấp thế này chắc chúng tôi phải tính toán lại, có thể là đổi ngân hàng hoặc chuyển kênh đầu tư” – chị Huyền nói.

Còn bác Hoa thì tâm sự, “các con cô bảo, mẹ có tiền thì gửi luôn 6 tháng hoặc 12 tháng lấy lãi cao, chứ chỉ có một vài tháng lãi thấp lắm. Nếu mẹ muốn gửi kỳ hạn ngắn thì có thể chọn ngân hàng uy tín khác để gửi, vẫn yên tâm mà lãi cũng tốt. Tôi với ông nhà nghĩ lãi suất chênh lệch nhau cũng chẳng đáng mấy, lại mất công mang đi chỗ này chỗ kia. Nhưng hôm vừa rồi gặp các ông bà cùng tổ hưu tâm sự, chỗ các ông bà ấy gửi lãi suất lãi cao lắm, tính ra cũng mất kha khá tiền nên tôi cũng phải xem lại”.

Nhận xét về biến động lãi suất tiền gửi gần đây, TS.LS. Bùi Quang Tín cho rằng vấn đề chính vẫn nằm ở thanh khoản.

“Thanh khoản của hệ thống đang khá dồi dào, với bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng giảm liên tục. Song đó chỉ là góc nhìn một phía. Ở khía cạnh khác, giao dịch trên liên ngân hàng không phải lúc nào cũng thực hiện được bởi các ngân hàng vẫn quy định hạn mức cho vay mượn lẫn nhau. Do đó dù thanh khoản hệ thống có dồi dào thì không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Các ngân hàng không tiếp cận được vốn rẻ từ liên ngân hàng phải đẩy lãi suất lên để hút tiền từ dân cư” – ông Tín nói về việc một số ngân hàng đẩy lãi suất lên cao đến 8%/năm hiện nay.

Còn trường hợp các ngân hàng hạ lãi suất, vị tiến sĩ cho biết, ngoài việc thanh khoản nội bộ tốt thì có thể các ngân hàng không cho vay được nên phải tính toán hạ bớt lãi suất để giảm chi phí.

Đề cập đến việc biến động lãi suất như vậy liệu có làm dịch chuyển dòng tiền giữa các ngân hàng hay không, TS. Tín cho rằng điều đó là khó tránh khỏi, nhưng cũng còn tùy thuộc vào cơ cấu khách hàng của mỗi nhà băng.

Theo ông, có ba nhóm người gửi tiền, một là nhóm chuyên đầu tư gửi lấy lãi, nhóm này sẽ có sự nhạy cảm rất mạnh, chỉ cần lãi suất tăng 0,1% là khách hàng nhúc nhích chuyển dòng tiền. Đối với họ thì sẽ chọn ngân hàng lãi cao để gửi.

Với nhóm thứ hai là gửi để thanh toán thì họ không nhạy cảm với lãi suất, mà mục đích của họ để đó để phục vụ việc thanh toán nên sẽ chọn ngân hàng lớn hoặc có dịch vụ tốt để giao dịch.

Còn một nhóm nữa là gửi tiết kiệm có kỳ hạn tạm thời, thường từ 3 đến 6 tháng, nhóm này cũng không đặt nặng vấn đề lãi suất mà coi trọng dịch vụ, uy tín cũng như giao dịch trong quá khứ có sự cố nào hay không. “Họ sẽ chọn ngân hàng uy tín mà chấp nhận lãi suất thấp để có thể được ngủ ngon giấc” – ông Tín nói.

Theo số liệu thống kê, tổng số tiền huy động của hệ thống ngân hàng năm 2017 khoảng 6 triệu tỷ đồng, trong đó phần tiền gửi của dân cư chiếm khoảng 70%. Gần đây, một vài rủi ro xảy ra liên quan đến việc gửi tiền như bị nhân viên ngân hàng lợi dụng rút tiền trong sổ tiết kiệm khiến không ít người e ngại. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn tin tưởng kênh gửi tiền sẽ tiếp tục là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Có điều người gửi tiền cần cẩn trọng hơn khi giao dịch, đặc biệt là các khách hàng VIP, để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

MP

Theo Trí Thức Trẻ