(Vtrend.vn) Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), du lịch trực tuyến là cuộc chơi đầy thử thách. Những doanh nghiệp Việt dám đầu tư vào du lịch trực tuyến vô cùng dũng cảm. Hiện vẫn chưa có chính sách hay quy định nào về du lịch trực tuyến.

Du lịch trực tuyến được đánh giá là lĩnh vực nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng gần 30% so với năm 2016, trong đó, gần 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tra cứu thông tin du lịch qua Internet.

Dự báo của VECOM, Google và Statitas cho biết, đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, trong đó, riêng du lịch trực tuyến đạt 4,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa nắm bắt và tận dụng được những cơ hội làm ăn trong lĩnh vực đầy tiềm năng này. Doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam.

Doanh nghiệp trong nước mới chiếm khoảng 20% thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Về việc cần làm gì để doanh nghiệp Việt không thua ngay trên “sân nhà” trong lĩnh vực du lịch trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Hưng nhận định: “Đây là cuộc chơi đầy thử thách”.

Bàn về những lý do khiến các doanh nghiệp Việt chưa thực sự làm chủ được sân nhà, Chủ tịch VECOM phân tích: Thứ nhất là về công nghệ. Đã chơi cuộc chơi du lịch trực tuyến nghĩa là cuộc chơi toàn cầu. Không có khái niệm du lịch trực tuyến chỉ cung cấp cho riêng Việt Nam. Cuộc chơi này dành cho những người giỏi về công nghệ. Trong khi đó, doanh nghiệp của chúng ta chưa giỏi về công nghệ.

Thứ hai là về vốn. Thương mại điện tử bây giờ đã qua thời website đơn giản là xong. Du lịch trực tuyến không phải chỉ dựng một website hoặc một app (ứng dụng) trên di động là xong. Còn rất nhiều yếu tố khác. “Trong con mắt của chúng tôi, những đơn vị dám đầu tư vào du lịch trực tuyến Việt Nam vô cùng dũng cảm. Công nghệ yếu, vốn ít, chúng ta nghe vài trăm tỷ đồng là khủng khiếp nhưng làm du lịch trực tuyến thì có lẽ vài trăm tỷ đồng cũng chưa là gì”, Chủ tịch Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ.

Thứ ba là sự hỗ trợ. “Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cùng xắn tay áo với các công ty làm du lịch trực tuyến, các khách sạn, tạo sự liên kết, chơi với nhau trước. Thế nhưng đến giờ, sự liên kết đó vẫn chưa chặt chẽ”, ông Nguyễn Thanh Hưng phân tích và lưu ý thêm rằng vai trò của các hiệp hội và nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp cũng không đáng kể.

Theo tìm hiểu, trong Luật Du lịch (được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) đã giao Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch nhiệm vụ hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch, song đến giờ hầu như chưa có chính sách hay quy định nào về du lịch trực tuyến.

Chia sẻ hiện trạng nêu trên, ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch cho biết: “Tổng cục Du lịch và các hiệp hội đã nhận thấy “mặt trận” du lịch trực tuyến là thách thức vô cùng lớn đối với ngành du lịch. Nhưng phát hiện ra vấn đề là một chuyện, còn giải quyết vấn đề lại là một chuyện khác. Chúng tôi mới đang ở trong giai đoạn phát hiện vấn đề. Rất cần có sự trao đổi, hợp tác để giải quyết được vấn đề”.

Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Trí cũng khẳng định mục tiêu của ngành du lịch là làm sao thu hút càng nhiều khách du lịch đến Việt Nam tiêu nhiều tiền càng tốt. Câu chuyện du lịch vừa là câu chuyện công nghệ nhưng cũng phải là nhiều câu chuyện khác nữa. “Đứng về mặt quốc gia, chúng ta thua thiệt về công nghệ so với các công ty công nghệ quốc tế. Ngành du lịch có trách nhiệm thảo luận để bảo vệ lợi ích quốc gia khi phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch”, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch nói.

MIA

Theo ICTNEWS