(Vtrend.vn) Một đời tâm huyết với đàn bò, nhìn thấy cuộc sống người nông dân ở thảo nguyên Mộc Châu ngày càng sung túc khiến ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk tin thế hệ kế tiếp trên mảnh đất trù phú này sẽ sản sinh ra thêm nhiều “vàng trắng”.
“Tỷ phú bò”
Không có tên trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, không hào nhoáng trong những cuộc vinh danh rầm rộ, nhưng họ có một cái tên chung là… tỷ phú. Người dân vùng thảo nguyên Mộc Châu gọi họ là “tỷ phú bò”.
Anh Nguyễn Văn Quang, ở tiểu khu 85, thị trấn Nông trường Mộc Châu nhẩm tính, với 200 con bò, mỗi ngày cho ra khoảng 2 tấn sữa, dự kiến năm nay anh sẽ bán 730 – 800 tấn sữa và thu về gần 10 tỷ đồng. Mặc dù không tiết lộ số tiền lãi, nhưng nghe mọi người rỉ tai, trừ các loại chi phí anh Quang bỏ túi khoảng 3 tỷ đồng/năm. Một con số không tưởng đối với người nông dân bao đời nay ở Việt Nam.
Quang là con trai cả của ông Nguyễn Văn Quất – người nuôi bò gần 30 năm nay ở Mộc Châu và được mọi người gọi là “vua bò sữa”. 10 năm trước, hai anh em Quang tiếp quản trại bò của gia đình sau khi học xong Đại học Nông nghiệp ở Hà Nội.
“Nghề nuôi bò chưa bao giờ nhàn hạ, nhưng gắn bó với nó đã giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững. Nhiều bạn cùng thời đi học với tôi cũng chọn về quê, tiếp quản đàn bò của bố mẹ để lại”, Quang nói.
Ông Trương Hoa Bắc, Phó chủ tịch UBND huyện Mộc Châu từng thốt lên: “Chưa bao giờ Mộc Châu lại nhiều triệu phú, tỷ phú như bây giờ. Nhiều hộ dân trước kia còn thuộc diện chạy ăn từng bữa, chỉ qua mấy năm chăn nuôi bò sữa đã trở thành tỷ phú”.
Gia đình anh Quang chỉ là một trong rất nhiều hộ nông dân ở Mộc Châu có sự đổi đời nhờ đàn bò và chỉ bảo từ bậc cha chú. Có những người là con em của công nhân nông trường nối nghiệp cha mẹ, có những người từ dưới đồng bằng lên khởi nghiệp. Điều này khiến ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) thực sự vui mừng. Mộc Châu thay đổi cũng chính nhờ những tư duy tươi mới như thế.
“Người nông dân là gốc của Công ty”, được cho là câu nói cửa miệng của ông Chiến mỗi khi gặp gỡ ai. “Mình phải cho họ thấy những quyền lợi sát sườn với họ, lúc đó họ mới thực sự làm việc hết mình. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thu nhập ngày tăng cao”, ông Chiến nói.
Tất nhiên, chăn nuôi bò sữa là ngành công nghiệp cần công nghệ cao, nếu không có bàn tay của doanh nghiệp, nông dân không ăn nên làm ra. Nhiều năm qua, ông Chiến vẫn âm thầm đi cùng những “tỷ phú bò” bằng việc cho vay vốn, đầu tư hạ tầng, công nghệ vắt sữa, bao tiêu đầu ra đến những khóa đào tạo, khuyến nông. Điều ông Chiến hãnh diện nhất mỗi khi nhắc đến vùng thảo nguyên này là chăn nuôi bò sữa đã trở thành nghề “hot” và không ai bị bỏ lại phía sau con đường làm giàu chân chính.
“Năm 1991, tôi sang Thái Lan, thấy mỗi nhà đều có xe máy chở sữa đi bán, tôi chỉ ao ước người nuôi bò sữa ở Mộc Châu có được cái xe máy. Giờ tất cả các hộ ở đây đã có xe máy, thậm chí có hộ còn có 2 cái ô tô”, ông Chiến hào hứng.
Ký ức thời khó “bủa vây”
Ẩn sau một thương hiệu sữa 60 năm tuổi với vị thế đáng gờm trên thị trường, đến cuộc sống sung túc của nông dân phất lên nhờ bò sữa ở vùng thảo nguyên là những tháng ngày chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu. Ông Chiến nhói lòng khi nhớ lại thời kỳ khó khăn “bủa vây” quanh những con bò và người nông dân nơi đây.
Mộc Châu vốn là nông trường quân đội, từ năm 1958 đã bắt đầu nuôi bò lai Sind, đến năm 1963 thì mua thêm 117 con bò nữa từ Trung Quốc. Nhưng mãi đến những năm 1974-1975, người nông dân nơi đây lần đầu biết đến con bò sữa, được tự tay vắt ra những giọt sữa trắng thơm ngậy nhờ 884 con bò sữa của lãnh tụ Fidel Castro của Cu Ba tặng. Ngoài đàn bò đó, lãnh tụ Fidel còn xây tặng 10 trại bò hoàn chỉnh, 1 trại bê và những trại vắt sữa. Phía Cu Ba còn trang bị những thiết bị hiện đại nhất thế giới để phục vụ quá trình chăn nuôi. Trong đó, trại 9 có máy vắt sữa bò được mua từ Thụy Điển. Những trại khác cũng được lắp máy vắt sữa của Italia. Trong vài năm, đàn bò sữa nơi đây đạt tới 2.800 con, cho sản lượng sữa 3.200 tấn.
Thế nhưng, thời kỳ vui vẻ đó không kéo dài khi sản lượng sữa nhiều mà tắc đầu ra vì không có nhà máy chế biến. Vào những năm 1987-1988, nông trường chứng kiến cảnh phải giết thịt mất 550 con bò, kéo tổng đàn bò xuống chỉ còn 1.200 con khiến mọi người mất ăn mất ngủ. Để cứu đàn bò và cải thiện cuộc sống, ông Chiến đã bật ra cách khoán bò cho dân, dù lúc đó bị phản đối, vừa làm vừa run.
“Nếu cứ duy trì cách làm ăn tập thể như vậy là hỏng hết”, ông Chiến nói và kể 117 con bò được khoán cho 17 hộ nuôi kèm theo thức ăn tinh, thuốc thú y…. Nguyên tắc khoán khá đơn giản: giao sản lượng, theo kiểu đạt sản lượng từng này thì được mua với giá từng này, vượt thì được thưởng, không đủ bị phạt.
Việc khoán hộ chính là dấu mốc đánh dấu cho thời kỳ bắt đầu phát triển trở lại của đàn bò sữa ở Mộc Châu. Đến giai đoạn 2003 – 2005, khi đã ổn định được đàn bò, ông Chiến và một số lãnh đạo Mộc Châu Milk quyết định vay tiền đầu tư 37 tỷ đồng xây nhà máy chế biến sữa giúp người dân chăn nuôi bò thoát cảnh bán sữa nguyên liệu giá rẻ, có thu nhập ổn định.
Thấm thoát đã 60 năm, các thế hệ công nhân viên, người nông dân, ban lãnh đạo tâm huyết của Mộc Châu Milk trải qua nhiều lần sóng gió, với nhiều cơ chế quản lý khác nhau. Song họ không ngần ngại khẳng định, sẽ chung thủy với con bò suốt đời.
Kỳ vọng làn gió mới
Mộc Châu Milk vừa tung ra thị trường một sản phẩm khá đặc biệt, sữa tươi tiệt trùng vị chuối. Và trở thành công ty sữa Việt Nam đầu tiên tung ra sản phẩm này, trước đó người tiêu dùng chỉ có thể mua từ Hàn Quốc.
Đây là một trong những thay đổi rõ rệt kể từ khi Công ty cổ phần GTNfoods trở thành cổ đông chiến lược khi sở hữu 70,05% vốn của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico – công ty mẹ Mộc Châu Milk) và đang trong lộ trình tăng lên trên mức 75%. GTNfoods cũng đang nắm 51% vốn tại Mộc Châu Milk. Dự kiến trong thời gian tới, GTNfoods sẽ tăng sở hữu trực tiếp và gián tiếp lên trên 51% để xây dựng nông trại và nhà máy mới gắn liền với phát triển du lịch…
Mộc Châu Milk hiện là công ty con kinh doanh hiệu quả nhất của Vilico, là một trong những “con bò vàng” của GTNfoods. Điều này cho thấy, đầu tư mạnh vào Mộc Châu Milk là một trong những chiến lược trọng tâm của GTNfoods trong thời gian tới.
Sau dấu ấn cổ phần hóa năm 2015, việc GTNfoods trở thành cổ đông chiến lược của Mộc Châu Milk từ năm 2017 được ông Chiến kỳ vọng nhiều hơn cả. Với truyền thống và đội ngũ hiện tại cũng như thành quả công ty ghi điểm trên thị trường sữa, GTNfoods dự sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho Mộc Châu Milk. Ông Chiến hy vọng cổ đông mới này sẽ bổ sung thêm kỹ năng quản trị, chuyên gia kỹ thuật chăn nuôi, chế biến ra những sản phẩm mới. Đặc biệt giải quyết được kênh phân phối, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện công ty sở hữu 3 trang trại lớn với gần 5.000 con bò sữa trong tổng số gần 600 trang trại chăn nuôi trên 23.000 con bò, trung bình cho ra 250 tấn sữa/ngày. Chiến lược đến năm 2020, công ty sẽ tăng số lượng đàn bò lên tới 35.000 con và đến năm 2030 có thể đạt 70.000 – 100.000 con. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu doanh thu khoảng 200 triệu USD vào năm 2020 như kỳ vọng của GTNfoods, Mộc Châu Milk cần tìm cho mình lối đi riêng.
Với vị thủ lĩnh này, việc tăng trưởng đàn bò, sản lượng với Mộc Châu Milk không khó khăn, quan trọng nhất là giải quyết đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường. Mộc Châu Milk đang nắm 9% thị phần sữa tiệt trùng toàn quốc, mục tiêu tăng lên từ 12 – 15% trong thời gian tới. Tuy nhiên, miền Bắc vẫn chiếm thị phần chính, với khoảng 25% (theo Nielsen). Sản phẩm công ty sẽ phải thâm nhập vào vào TP.HCM và Đông Nam Bộ…
Nhưng ông Chiến cũng thừa nhận, vào thị trường mới không đơn giản. Hiện GTNfoods, các quỹ đầu tư cũng hỗ trợ nhiều cho Mộc Châu trong việc thuê các chuyên gia tư vấn, xây dựng thương hiệu, đặc biệt kênh thương hiệu vào thị trường Miền Nam.
Nóng tính, thẳng thắn, nhưng ông Chiến không khiến người đối diện phải dè chừng. Họ cảm nhận ở ông sự tâm huyết, quyết liệt vì cuộc sống tốt hơn và quan trọng hơn ông coi công ty như gia đình mình. Thậm chí, họ cảm thấy nếu thiếu bàn tay của ông, của doanh nghiệp thì họ khó thoát nghèo dù có nhiều lợi thế về khí hậu, đồng cỏ và truyền thống nuôi bò.
Với “di sản” mà ông và các thế hệ công nhân viên, nông dân để lại, ông tin lớp trẻ năng động hơn sẽ giúp Mộc Châu Milk sải cánh trên thị trường sữa. “Không ai có thể làm được tất cả. Chúng tôi luôn sẵn sàng cho thế hệ kế cận. Mỗi vị trí, chúng tôi luôn có vài người đảm nhận được, kể cả vị trí chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc”, vị thủ lĩnh 58 tuổi nói.
Ông khẳng định, cái bóng của mình ở Mộc Châu Milk không đến mức quá lớn để gây khó dễ cho người kế nhiệm.
Với ông, Mộc Châu Milk có được như ngày hôm nay là nhờ vào niềm tin, vào sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thế hệ.
Theo Đầu Tư
Minh Xuân