Cam kết chưa chặt chẽ về pháp lý, các cơ quan ban ngành chưa giúp người lao động phát huy hết chất xám sau đào tạo là một trong số những lý do khiến hàng loạt nhân tài Đà Nẵng xin rút khỏi đề án phát triển nguồn nhân lực của thành phố. Số khác họ tự ý bỏ việc ngang khi chưa hoàn thành nghĩa vụ.
Lý do gì các cán bộ, học viên của đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng liên tục nghỉ việc hoặc không mặn mà với công việc sau khi được đi học tại nước ngoài thưa ông?
– Thực tế không phải là bây giờ mà ngay từ nhiều năm trước, những người được đưa đi đào tạo nước ngoài có những bộ phận ở lại, không về nữa. Một bộ phận khác khi học xong, họ về nước nhưng cũng chỉ làm việc ở cơ quan cũ một thời gian ngắn, hoặc có người chờ đợi hết 7 năm cống hiến thì ra đi chứ không thực sự mặn mà với công việc.
Nguyên nhân là do sau đào tạo ở nước ngoài, trình độ của họ đã được tăng lên ở mức đáng kể, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ khá hơn rất nhiều. Lợi thế về cá nhân rất lớn. Trong khi đó, những Cty nước ngoài thu hút nhân tài bằng cách trả mức lương rất cao, môi trường làm việc năng động vì vậy nhiều trường hợp đã lựa chọn ra đi.
Một phần khác, các nhân tài khi về nước không được cân nhắc đưa vào các vị trí phù hợp. Tôi biết có những người về rồi thì chỉ “ngồi chơi xơi nước”. Họ cảm thấy công việc không còn phù hợp với trình độ, nơi làm việc không giúp họ phát huy được những gì được học tập. Trong một môi trường gò bó như vậy, buộc lòng họ phải nghĩ đến công việc khác phù hợp hơn.
Nhiều người cho rằng việc các “nhân tài” nghỉ ngang, nhảy việc sau khi được thành phố đào tạo là sự chảy máu chất xám, vậy ông nghĩ sao về điều này?
– Mục tiêu của đề án là mong muốn những người sau khi được đào tạo ở nước ngoài sẽ quay về phục vụ cho đơn vị, cơ quan thuộc chính quyền Đà Nẵng, xây dựng thành phố của mình. Tuy nhiên với những lý do đã nêu, môi trường sau đào tạo dường như không còn phù hợp với nhiều “nhân tài”. Buộc lòng, họ phải tính toán tìm những công việc phù hợp với khả năng, năng lực phù hợp với họ.
Nhiều người cho rằng đó là chảy máu chất xám nhưng cá nhân tôi nhìn nhận nếu năng lực của họ không được cơ quan chủ quản tạo điều kiện phát huy thì chất xám ấy cũng bị lãng phí. Kiến thức chúng ta không sử dụng một thời gian sẽ hao mòn nhanh chóng và mục tiêu của đề án xem như cũng thất bại. Vì vậy, việc nghỉ ngang, bỏ việc sau đào tạo của các “nhân tài” cần nhìn nhận ở cả hai phía chứ chưa thể khẳng định chất xám bị mất đi hay chảy máu như nhiều người nhận định.
Vậy giải pháp nào cho cả chính quyền Đà Nẵng và những “nhân tài” để chất xám được phát huy hiệu quả?
– Để tránh trường hợp chảy máu chất xám thì đơn vị chủ quản nên có những chế độ đãi ngộ tốt để giữ những người này ví dụ như cân nhắc họ ở những vị trí cao hơn, có mức lương và chết độ tốt hơn để họ yên tâm gắn bó. Tránh trường hợp để công việc của họ quá nhàm chán và không phù hợp với trình độ và năng lực của họ.
Việc kiện cáo giữa chính quyền Đà Nẵng và các “nhân tài” là vấn đề khả dĩ khi cả 2 bên không tìm được tiếng nói chung. Tôi tin bất kỳ ai cũng không mong muốn điều này. Mặc dù biết rằng việc thu hồi không thành công nhưng đó là trách nhiệm của người quản lý. Và việc khởi kiện ở đây nhằm 2 mục đích, thứ nhất, chính quyền có thể thu hồi được toàn bộ hoặc một phần số tiền từ người đi đào tạo, thứ hai là có chế tài để răn đe những thế hệ sau.
Từ nhiều năm nay Đà Nẵng đã khởi kiện hàng loạt “nhân tài” nhưng chưa mang lại kết quả cụ thể nào. Ông có thể giải thích về tính pháp lý về cam kết giữa chính quyền Đà Nẵng và người được đi đào tạo này như thế nào thưa ông?
– Theo cam kết giữa người đi đào tạo và đơn vị chủ quản thì sau khi đi du học, họ phải làm việc cho đơn vị sở tại ít nhất 7 năm, tuy nhiên thực tế thì rất nhiều học viên đã phá vỡ cam kết và bị kiện. Thế nhưng dù đơn vị chủ quản khởi kiện ra tòa thì xác suất thắng kiện là rất cao tuy nhiên việc thu hồi được khoản tiền kinh phí đào tạo thì chưa ai dám chắc.
Theo luật thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ thi hành theo bản án với người nào phải có tài sản. Trong khi đó, các vụ kiện của chính quyền Đà Nẵng thời gian qua, đa phần tài sản của những người được đi đào tạo đều không có mấy hoặc họ để tài sản đứng tên của cha mẹ hoặc người thân để lạch luật. Vì vậy có muốn thu hồi cũng không có cách.
Vậy ông nghĩ nên có phương án nào trong trường hợp này?
– Trong trường hợp này tôi cho rằng thành phố nên tính toán lại việc làm một cam kết. Thứ nhất là cam kết với chính người được đưa đi đào tạo. Thứ hai là cam kết 3 bên giữa đơn vị chủ quản, người đưa đi đào tạo và gia đình của người đi đào tạo và nói rõ về hậu quả pháp lý và trách nhiệm nếu không thực hiện đúng như cam kết. Trong trường hợp họ không thực hiện như cam kết ban đầu thì đơn vị chủ quản có quyền khởi kiện cha mẹ của những người này để thu hồi lại khoản tiền. Trong trường hợp này sẽ khả dĩ hơn việc đi khởi kiện chính những người được đưa đi đào tạo.
Thứ 3, nhiều ý kiến cho rằng sau khi đi đào tạo về thì đơn vị chủ quản sẽ giữ những bằng cấp được đào tạo từ nước ngoài mang về cho họ, tuy nhiên theo chúng tôi là không phù hợp với Bộ Luật Lao động. Vì vậy đơn vị chủ quản nên kiểm tra thường xuyên và xem xét về thái độ và trách nhiệm của người đó để có biện pháp xử lý, tránh trường hợp thiếu sự quản lý để những người đó tìm những công việc mới rồi quay đi kiện ngược lại thì khi đó không khả thi.
Theo ông việc đào tạo “nhân tài” cho Đà Nẵng theo đề án này đến nay có còn hợp lý nữa không?
– Chúng ta là một trong những nước đang phát triển, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập thì nhu cầu đi nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài là rất nhiều, đặc biệt Đà Nẵng là một trong những trung tâm về việc đào tạo nhân tài nhằm phục vụ tốt nhất cho thành phố trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên cũng cần phải xem lại cách thức đào tạo hiện nay làm sao phù hợp, cần có những cam kết chặt chẽ giữa các bên và có chế độ đãi ngộ đặc biệt với những đối tượng này để họ có môi trường phát huy năng lực của bản thân. Vì vậy đề án này nên tiếp tục triển khai chứ không nên dừng lại.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Theo laodong.vn
Minh Xuân