(Vtrend.vn) Trước khi biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng sáng 12-6, Quốc hội đã cho biểu quyết riêng 2 điều của luật này, trong đó có điều 26 quy định doanh nghiệp nước ngoài phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Toàn bộ dự thảo Luật an ninh mạng đã được 423 đại biểu bấm nút tán thành lúc 9h57 sáng nay, chiếm 86,86% tổng số đại biểu Quốc hội. Có 15 đại biểu không tán thành, chiếm 3,08%, và 28 đại biểu không biểu quyết, chiếm 5,75%.
Tuy nhiên, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo, các đại biểu đã biểu quyết riêng rẽ hai điều 10 và 26.
Google, Facebook… phải đặt chi nhánh, văn phòng tại Việt Nam
Điều 26 – Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng – được thông qua với tỉ lệ tán thành là 81,72%.
a) Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng;
b) Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế [quy định tại điều 16 của luật này – PV] trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và truyền thông và lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian theo quy định của Chính phủ;
c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung như nêu trên khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin – truyền thông.
Các DN trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
DN nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là gì?
Với điều 10 – Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, các đại biểu đã tán thành với tỉ lệ 86,86%.
Điều 10 quy định hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng.
Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia bao gồm:
a) Hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu;
b) Hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước;
c) Hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng;
d) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái;
đ) Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia;
e) Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương;
g) Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí;
h) Hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.
Theo Tuổi Trẻ
Minh Xuân