(Vtrend.vn) Tại Việt Nam, người nghèo đang là những đối tượng chưa tiếp cận được với nhiều dịch vụ ngân hàng di động.
Đa số là phụ nữ vay vốn, để đầu tư sản xuất nghề quỳ vàng và làm da. Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Kiêu Kỵ thường xuyên cập nhật thông tin, phổ biến cách theo dõi tin nhắn trên điện thoại di động, để nhắc nhở kịp thời các tổ viên khi đến hạn trả nợ, hạn gửi tiền… Nhờ đó, với tổng dư nợ là gần 1,5 tỷ đồng, nhưng không bị nợ quá hạn.
Nhiều người Việt Nam chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng di động.(Ảnh minh họa: ICT Vietnam)
Bà Vũ Thị Thanh Huyền, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Kiêu Kỵ cho biết, việc tổ viên nhận được tin nhắn nợ đến hạn, hay tin nhắn đối chiếu số dư tiền gửi, tiền vay theo định kỳ giúp cho hộ vay nắm bắt được thông tin tốt hơn.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm đỡ mất thời gian trong việc đôn đốc trả nợ đến hạn. Chính vì vậy, đến thời điểm này việc thu nợ dễ dàng tại thời điểm đến buổi giao dịch, không có trường hợp chậm trả hoặc xảy ra nợ đến hạn.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố cho thấy, ở nước ta chỉ có khoảng 8% người trưởng thành sử dụng điện thoại di động để truy cập tài khoản. Đây là những tỷ lệ còn khá thấp so với các nước như Trung Quốc (40%), Malaysia (33%), Thái Lan (17%)… Chưa kể, tại Việt Nam, người nghèo đang là những đối tượng chưa tiếp cận được với nhiều dịch vụ ngân hàng di động.
Chia sẻ một số khó khăn trong tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ông Phạm Xuân Hoè, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, có thể thấy ngay hai khó khăn căn bản nhất, một là kênh cung ứng sản phẩm về cho bà con vùng sâu, vùng xa bị hạn chế. Cái thứ hai là các cái sản phẩm thiết kế của các định chế tài chính, trong đó có ngân hàng là chưa thực sự đơn giản, chưa phù hợp.
“Một khó khăn nữa cần phải kể đến là trong quá trình giao dịch đòi hỏi sự nhận diện giữa các định chế tài chính ngân hàng. Cho nên là nếu không tiếp tục kết nối lại với nhau, rất khó trong việc mở tài khoản tiết kiệm, vay vốn, chuyển tiền, bảo hiểm… thì sẽ rất là khó cho vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là cho người nghèo”, ông Hòe cho biết.
Theo bà Lưu Thị Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Chính sách xã hội, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Banking – thực hiện các giao dịch ngân hàng thông qua sử dụng điện thoại di động tới 850 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (với hơn 30.000 tổ viên vay vốn), nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng di động.
“Với khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại di động trên toàn quốc, việc chủ động ứng dụng ngân hàng số trên di động của Ngân hàng chính sách xã hội sẽ góp phần hướng tới mục tiêu của Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia.
Đây là Chiến lược đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, dự kiến trình Chính phủ xem xét phê duyệt vào cuối năm nay”, bà Thảo cho biết.
Cũng theo bà Thảo, Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia sẽ tạo điều kiện cho mọi người dân ở độ tuổi trưởng thành và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính, phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý do các tổ chức tài chính chính thức cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững./.
Theo cafef.vn
Minh Xuan.