(Vtrend.vn) Nước chấm là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa cơm

Bạn hẳn sẽ giật mình vì những điều không bao giờ nghĩ đến về bữa cơm nhà - Ảnh 1.

“Trung tâm” của mâm cơm nhà luôn là một bát canh to và một chén nước chấm để cả nhà ăn chung. Ngay cả khi gia đình chọn những món mỗi-người-một-tô như bún, cháo, phở, thì chén nước chấm vẫn xuất hiện ngay chính giữa. Đây cũng là cách để gắn kết mọi người quanh mâm cơm nhà, cùng sẻ chia và nuôi dưỡng khẩu vị chung của các thành viên.

Ở đâu cũng có thể trở thành bàn ăn

Bạn hẳn sẽ giật mình vì những điều không bao giờ nghĩ đến về bữa cơm nhà - Ảnh 2.

Có một điều thú vị là đối với nhiều gia đình, dọn cơm ở đâu thì đó chính là bàn ăn, miễn sao cả nhà thoải mái và ăn ngon là được. Chiếu hoa ở trước hiên nhà, chòi lá nhỏ ngoài đồng, ban công lộng gió hay nền gạch bông… đều có thể “hô biến” thành bàn ăn trong tích tắc. Chỉ cần bày món ăn, cả nhà quây quần cùng nhau thì ăn ở đâu có gì là quan trọng!

“Nét đẹp lao động” trước mỗi bữa ăn

Bạn hẳn sẽ giật mình vì những điều không bao giờ nghĩ đến về bữa cơm nhà - Ảnh 3.

Trước mỗi bữa ăn, cả nhà liền trở thành “hợp tác xã lao động”: mẹ đứng bếp chính thì cả nhà sẽ trở thành “phụ bếp”: rửa rau, thái thịt, chạy đi mua vài món gia vị còn thiếu… Hay chỉ cần mẹ phát hiệu lệnh “chuẩn bị dọn cơm”, là ai nấy “ba chân bốn cẳng” vào vị trí: bố “set-up” bàn ghế, chị gái dọn chén, so đũa, anh trai bưng bê nồi cơm tô canh, em út mời ông bà ăn cơm. Có lẽ nhờ cả nhà bận rộn luôn tay, phối hợp “ăn rơ” với nhau dưới sự chỉ đạo của “sếp mẹ” mà bữa cơm gia đình trở nên ngon lành và ấm cúng hơn.

Lớp “học ăn” đầu tiên của trẻ con

Bạn hẳn sẽ giật mình vì những điều không bao giờ nghĩ đến về bữa cơm nhà - Ảnh 4.

Ông bà ta có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học ăn là sự học đầu tiên và những bữa ăn chính là lớp học thực tiễn đầu tiên của trẻ. Tuy không có nhiều quy tắc về việc sử dụng dao nĩa và bày biện như phương Tây, nhưng những quy tắc ứng xử trên bàn ăn Việt nhiều lắm nhé! Từ “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, đến cầm đũa, tư thế ngồi, gắp món ăn chung ra sao… Đôi khi, thời gian học trên bàn ăn còn dài hơn cả thời gian cắp sách đến trường, nhưng kết quả “tốt nghiệp” luôn là những thói quen tốt tạo nên “nết người”.

Ăn cơm nhà giúp giảm tỷ lệ ly hôn, tăng cảm xúc hạnh phúc

 
Bạn hẳn sẽ giật mình vì những điều không bao giờ nghĩ đến về bữa cơm nhà - Ảnh 5.

Câu nói “Con đường nhanh nhất đi đến trái tim là thông qua cái dạ dày” có cái lý của nó. Đối diện với người mình rất thương, cùng ăn bữa cơm nóng, nghe những lời quan tâm vỗ về thì có cảm xúc tiêu cực nào không lắng xuống? Rồi bạn sẽ dễ dàng lấy lại bình tĩnh, dễ dàng thông cảm và bao dung cho các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình chung sống. Bên cạnh đó, dành thời gian cho bữa cơm nhà giúp tăng sự kết nối và “hâm nóng” tình cảm vợ chồng. Vì thế mà trong nhiều nghiên cứu, các cặp vợ chồng thường cùng nhau ăn cơm có tỷ lệ ly hôn thấp hơn hẳn so với những gia đình ít dùng bữa cùng nhau.

Cơm nhà là “thần dược”

Bạn hẳn sẽ giật mình vì những điều không bao giờ nghĩ đến về bữa cơm nhà - Ảnh 6.

Một trong những “bí kíp sống lâu” của các ông chồng chính là về nhà ăn cơm với vợ. “Bí kíp” này đã được các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Havard đúc kết. Ăn cơm nhà không chỉ giúp bạn giảm căng thẳng mà còn tăng cường sức khỏe, vì việc nấu nướng tại nhà không chỉ mang đến những món ăn vừa miệng, mà còn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng theo nghiên cứu này, những người về nhà dùng bữa 5-7 lần một tuần còn giảm 15% khả năng mắc tiểu đường so với những người chỉ ăn 2 lần một tuần. Tự dưng có thần dược mỗi ngày để sống lâu sống khoẻ, việc gì mà bạn không về nhà ăn cơm, đúng không?

Mâm cơm nhà đơn giản mà cũng có nhiều điều hay ho, tranh thủ về nhà ăn cơm và tự cảm nhận, biết đâu bạn sẽ phát hiện ra nhiều bí mật hay ho hơn thì sao!

Theo ken.vn
Minh Xuân.