(Vtrend.vn) Tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, nộp đơn xin việc ở các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang là lựa chọn của không ít cử nhân Việt.
Singapore, Malaysia, Thái Lan… là những nước được các nhân sự trẻ ưu tiên lựa chọn hàng đầu trong khu vực để ứng tuyển việc làm.
Bước qua những rào cản
Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Cần Thơ, Lê Trương Quốc Thắng (25 tuổi, quê Vĩnh Long) vào làm việc cho một công ty phần mềm tại Việt Nam. Sau đó, Thắng quyết định xin việc ở một công ty công nghệ quốc tế có chi nhánh tại Singapore.
Sau quá trình phỏng vấn trực tuyến, Thắng được tuyển dụng và sang Singapore làm việc. Theo Thắng, đối với người mới bắt đầu làm việc tại Singapore, khó khăn nhất là áp lực công việc.
“Những ngày làm việc đầu tiên rất khó khăn, tôi phải vừa thích nghi với phong cách làm việc tự giác và khối lượng công việc rất lớn, phải làm quen với những quy trình mới, con người và kiến thức mới” – Thắng nói.
Đã vài lần chàng trai miền Tây này nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, quay về lại Việt Nam vì những rào cản bủa vây từ công việc đến cuộc sống. Tuy nhiên, nhờ khả năng học hỏi nhanh cộng với niềm đam mê lập trình đã giúp Thắng từng bước vượt qua, dần bắt nhịp được với nhịp độ công việc.
Sau trải nghiệm quốc tế, tôi sẽ về Việt Nam. Với những kiến thức học được, tôi tin mình sẽ làm được nhiều việc giúp ích cho quê hương
LÊ TRƯƠNG QUỐC THẮNG
Tại công ty này cũng có không ít nhân sự trẻ là kỹ sư phần mềm đến từ Việt Nam. Về mức lương, Thắng cho biết các kỹ sư phần mềm bậc đại học làm việc tại Singapore phải có lương khởi điểm tối thiểu từ 3.400 SGD (khoảng 60 triệu đồng). Còn với những kỹ sư phần mềm có thâm niên trên hai năm, mức lương trung bình trên 5.000 SGD (khoảng 80 triệu đồng).
“Ở đây được làm việc với những người giỏi, được học hỏi rất nhiều cộng với thu nhập cao, thuế thấp là lý do mà tôi cũng như nhiều người trẻ Việt chọn sang Singapore làm việc” – Thắng nói.
Trải nghiệm môi trường quốc tế
Làm việc cho một công ty đa quốc gia tại Malaysia kể từ tháng 11-2017, Hồ Thị Hồng Nhung (23 tuổi, quê Quảng Trị) cho biết lý do chọn làm việc ở nước ngoài là mức lương tốt, phù hợp mục tiêu của bản thân và đi để trải nghiệm ở môi trường làm việc quốc tế.
Nhung tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM vào năm 2016. Trước khi sang làm việc tại Malaysia, Nhung từng làm trong mảng digital marketing tại Việt Nam.
Theo Nhung, do đã rèn luyện tiếng Anh, từng làm việc với các đối tác nước ngoài nên ngoại ngữ không phải là rào cản với cô gái miền Trung này từ vòng phỏng vấn đến quá trình làm việc.
Sau gần nửa năm làm việc ở Kuala Lumpur, Nhung cho biết bản thân đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong môi trường làm việc quốc tế. Nhung cho biết hiện tại trong số khoảng 1.000 nhân viên đến từ nhiều quốc gia của công ty này, có hơn 100 người đến từ Việt Nam.
“Cứ ba tháng công ty sẽ đổi quản lý nên tôi có cơ hội được học hỏi, quan sát cách làm việc của từng quản lý, rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm về kỹ năng lãnh đạo” – Nhung nói. Nhung dự định làm việc ở Malaysia chừng 1-3 năm, sau đó sẽ tìm hiểu các cơ hội làm việc khác tại Singapore hoặc sang Mỹ, châu Âu du học.
Cũng như Nhung, Bành Thu Sương (26 tuổi, quê Quảng Trị) ứng tuyển và sang Malaysia làm việc tại công ty này với mục tiêu vừa để trải nghiệm môi trường quốc tế, vừa tích lũy kinh nghiệm cho bản thân để sau này trở lại Việt Nam làm việc.
Theo Sương, làm việc tại nước ngoài cho công ty đa quốc gia sẽ là bước đệm tốt để những nhân sự trẻ giành lợi thế khi ứng tuyển những công việc có mức lương tốt hơn so với các ứng viên chỉ thuần túy làm việc cho các công ty tại Việt Nam.
Còn với Nguyễn Trần Minh Bắc (27 tuổi, quê TP.HCM), sau khi tốt nghiệp đại học tại Thái Lan, Bắc quyết định ở lại Bangkok làm việc trong một bệnh viện quốc tế. Minh Bắc cho biết nếu có cơ hội, cô gái này sẵn sàng ứng tuyển và tiếp tục đến làm việc tại các quốc gia khác trên thế giới để trải nghiệm về môi trường sống.
Khắc phục điểm hạn chế của nhân sự trẻ
Từ trải nghiệm của bản thân trong môi trường làm việc quốc tế, Lê Trương Quốc Thắng cho biết các nhân sự trẻ Việt Nam khi ra nước ngoài vẫn còn thiếu và yếu cả kỹ năng giao tiếp lẫn kỹ năng sống.
Thắng cho rằng do cách giáo dục thiếu tương tác từ phía học sinh nên người Việt thiếu khả năng trao đổi, phát hiện vấn đề, thảo luận và làm việc nhóm. Sự hạn chế về mặt ngoại ngữ càng làm cho vấn đề giao tiếp của người Việt hạn chế hơn so với nhân sự đến từ các nước khác.
Theo Thắng, thói quen “cố gắng làm việc chăm chỉ” không phù hợp với môi trường quốc tế. Các công ty tại nước ngoài nhìn vào kết quả công việc mà không quan tâm đến người đó đã làm việc chăm chỉ như thế nào.
Do đó, việc học cách làm việc thông minh, khoa học và tạo niềm vui, sự hứng khởi trong công việc, biến công ty thành nơi thú vị là điều mà Thắng cho rằng người Việt cần phải chú trọng khi bước ra khu vực.
Theo Tuổi Trẻ
Minh Xuân