Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
1. Đối tượng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường
Theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 50/2022/TT-BTC, đối tượng bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định pháp luật.
Trong đó, số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường là một trăm (100) triệu đồng/người/vụ. (Khoản 2 Điều 21 Thông tư 50/2022/TT-BTC)
2. Trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường
Theo Điều 25 Thông tư 50/2022/TT-BTC, nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường khi người lao động thực hiện công việc thi công trên công trường.
3. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường
Trừ trường hợp trong phạm vi bảo hiểm được quy định, các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 22 Thông tư 50/2022/TT-BTC như sau:
– Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung theo quy định tại Điều 5 Thông tư 50/2022/TT-BTC bao gồm:
+ Tổn thất phát sinh do chiến tranh, bạo loạn, đình công, hành động của các thế lực thù địch, nổi loạn, hành động ác ý nhân danh hoặc có liên quan tới các tổ chức chính trị, tịch biên, sung công, trưng dụng, trưng thu hay phá hủy hoặc bị gây thiệt hại theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Tổn thất phát sinh do hành động khủng bố.
+ Tổn thất phát sinh do phản ứng hạt nhân, phóng xạ hạt nhân, nhiễm phóng xạ.
+ Tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý vi phạm pháp luật của bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm (quy định này không áp dụng đối với bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thi công trên công trường trong trường hợp người lao động tự vệ, cứu người, cứu tài sản hoặc sử dụng các chất kích thích để điều trị theo chỉ định của bác sĩ).
+ Tổn thất phát sinh trong trường hợp bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm theo tại Khoản 9 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010, 2019).
+ Tổn thất phát sinh do ngừng công việc thi công xây dựng hoặc tổn thất do hậu quả của ngừng công việc thi công xây dựng (dù là ngừng một phần hoặc toàn bộ công việc thi công).
+ Tổn thất đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.
– Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.
4. Thời hạn bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường
Theo Điều 23 Thông tư 50/2022/TT-BTC, thời hạn bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường được quy định như sau:
– Thời hạn bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật.
– Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với người lao động thi công trên công trường căn cứ vào hợp đồng lao động và văn bản xác nhận của nhà thầu thi công xây dựng về thời gian người lao động làm việc thực tế trên công trường.
5. Phí bảo hiểm và thanh toán phí bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường
* Phí bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường:
Cụ thể phí bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 50/2017/TT-BTC.
Ngoài ra, căn cứ vào mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm được điều chỉnh tăng hoặc giảm phí bảo hiểm tối đa hai mươi lăm phần trăm (25%) tính trên phí bảo hiểm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 50/2017/TT-BTC.
(Khoản 1, 2 Điều 24 Thông tư 50/2017/TT-BTC)
* Thanh toán phí bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường
Việc thanh toán phí bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường thực hiện theo quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BTC.
Trong trường hợp có sự thay đổi về số lượng lao động, thay đổi công việc của người lao động thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 24 Thông tư 50/2022/TT-BTC như sau:
– Trước ngày mười lăm của tháng kế tiếp tháng có sự thay đổi, nhà thầu thi công xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm việc thay đổi nêu trên và kèm theo:
+ Danh sách người lao động phát sinh tăng hoặc giảm (đối với trường hợp thay đổi về số lượng lao động)
+ Danh sách công việc của người lao động thay đổi (đối với trường hợp thay đổi công việc của người lao động).
– Trường hợp phát sinh tăng số lượng lao động, thay đổi công việc của người lao động làm tăng rủi ro được bảo hiểm, nhà thầu thi công xây dựng phải nộp phần phí bảo hiểm tăng thêm trước ngày mười lăm (15) của tháng kế tiếp tháng thông báo.
– Trường hợp phát sinh giảm số lượng lao động, thay đổi công việc của người lao động làm giảm rủi ro được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho nhà thầu thi công xây dựng phần phí bảo hiểm giảm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng thừa trước ngày mười lăm (15) của tháng kế tiếp tháng thông báo.
Khi đó, nếu nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng nghĩa vụ thông báo và thanh toán phí bảo hiểm theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 24 Thông tư 50/2022/TT-BTC thì hợp đồng bảo hiểm tự động có hiệu lực đối với các trường hợp có sự thay đổi về số lượng lao động, thay đổi công việc của người lao động kể từ ngày phát sinh theo văn bản của người được bảo hiểm.
6. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các cơ quan, tổ chức có liên quan thu thập các tài liệu có liên quan để lập hồ sơ bồi thường.
Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường bao gồm các tài liệu sau:
– Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm
– Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm bao gồm:
+ Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng lao động ký giữa người được bảo hiểm và người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
+ Các văn bản yêu cầu bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động (nếu có).
– Tài liệu chứng minh người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động (Bản sao của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính), bao gồm:
+ Biên bản điều tra tai nạn lao động do cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật (nếu có).
Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông và được xác định là tai nạn lao động thì phải có biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông do các cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật.
+ Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số tài liệu sau:
(i) Giấy chứng nhận thương tích;
(ii) Giấy ra viện;
(iii) Giấy chứng nhận phẫu thuật;
(iv) Hồ sơ bệnh án;
(v) Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y.
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ năm phần trăm (5%) trở lên (nếu có).
+ Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do tai nạn lao động của người lao động.
– Tài liệu chứng minh người lao động bị thương tật, chết do bệnh nghề nghiệp, bao gồm:
+ Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong thời hạn quy định do cơ quan có thẩm quyền lập, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động phải có bản trích sao.
+ Giấy ra viện (trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp) hoặc phiếu hội chuẩn mắc bệnh nghề nghiệp, Hồ sơ bệnh án, Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử (trong trường hợp người lao động chết).
+ Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ năm phần trăm (5%) trở lên (nếu có).
+ Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do bệnh nghề nghiệp của người lao động.
– Tài liệu chứng minh các khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm (nếu có).
– Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
(Điều 27 Thông tư 50/2022/TT-BTC)
Chuyên viên pháp lý Thanh Rin