(Vtrend.vn) Toàn bộ bài học đã quét hết các tiếng có trong Tiếng Việt, kể cả tiếng có vần ít gặp và khó đọc, như: quàu quàu, quều quào, chuếnh choáng…
Cô giáo Hoàng Thị Minh Thuận (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Đàn, Nghệ An) chia sẻ những lý do khiến nhà trường áp dụng chương trình Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1 của giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Chương trình Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1 được đưa vào Trường Tiểu học Nam Anh (Nam Đàn, Nghệ An) từ trước năm 2000. Thời điểm đó huyện Nam Đàn có 3 trường tiểu học thực hiện là Làng Sen, Hoàng Trù và trường thị trấn.
Đến năm 2000, thực hiện thay sách, Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1 được thay bằng chương trình tiếng Việt hiện hành. Tuy nhiên, Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1 vẫn đồng hành ở một số địa phương.
Với nhiều ưu điểm nổi trội, chương trình vẫn được các trường, các tỉnh thành chọn dạy trở lại sau năm 2007. Năm học 2013-2014, có 43 tỉnh thành tự nguyện tham gia dạy chương trình này, trong đó có Nghệ An. Tại huyện Nam Đàn, có 4 trường tiểu học tham gia là Làng Sen, Hoàng Trù, Thị trấn, Lê Hồng Sơn.
Sau nhiều năm chỉ đạo thực hiện dạy học và đặc biệt may mắn được nghe GS Hồ Ngọc Đại trực tiếp trao đổi, chia sẻ những quan điểm về Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1, tôi càng nhận thấy rõ tính ưu việt của chương trình. Tôi xin chia sẻ những cảm nhận đó cùng đồng nghiệp và phụ huynh.
Học sinh Nam Đàn học theo sách của GS Hồ Ngọc Đại. |
Thứ nhất là quan điểm. Theo GS Hồ Ngọc Đại, trẻ con ngày nay được sống trong điều kiện hiện đại, thay vì ăn no mặc ấm là ăn ngon mặc đẹp, thay vì ở nhà tranh vách đất là nhà kiên cố, cao tầng, có phòng lạnh, đi xe máy, ôtô… Không cớ gì tất cả đều hiện đại mà đến trường các em lại phải sở hữu công cụ học cũ rích. Sự hiện đại trong khoa học và công nghệ mà các em được tiếp nhận đó là chương trình Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1.
Thứ hai là mục tiêu của chương trình tiến bộ hơn nhiều so với hiện hành. GS Hồ Ngọc Đại đặt ra ba mục tiêu: đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù (nếu nghe được thì nhắc lại được, viết ra được và đọc được). Học sinh nắm vững cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt và luật chính tả để viết không sai. Các em được phát triển tư duy khoa học theo các việc làm bằng sức lao động và sản phẩm của mình.
Thứ ba là đặc điểm của Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1. Về tính khoa học của chương trình, tất cả nội dung kiến thức là thành tựu về ngữ âm tiếng Việt được đưa vào nhẹ nhàng, vật liệu đơn giản, dễ làm. Chương trình phát triển có hệ thống và vững chắc bắt đầu từ tiếng, âm, vần, từ, câu, đoạn (không làm việc 1 thì không làm được việc 2… ), tạo nên sự kiểm soát của giáo viên và học sinh. Giáo viên làm chu đáo, cẩn thận sẽ cho ra sản phẩm đồng loạt, đều và đẹp.
Về tính phân hóa của chương trình, học sinh tiến bộ với chính mình, có yêu cầu cơ bản và yêu cầu nâng cao, không có sản phẩm bị rơi rớt hoặc bỏ qua. Điểm nổi bật của chương trình này là tính vững chắc, học sinh học đâu biết đấy, học đâu chắc đấy và cảm thấy hạnh phúc trong quá trình học.
Thứ tư là quy trình dạy học của Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1 rất rõ ràng, thể hiện ở 4 việc. Việc 1 là chiếm lĩnh ngữ âm. Việc 2 là hình thành kỹ năng viết. Việc 3 là đọc (kết quả của việc 1 và 2) và việc 4 là đọc lại (tổng hợp lại việc 1, 2, 3). Kiến thức, kỹ năng luôn được củng cố một cách chắc chắn trong từng việc của tiết học. Sự vững chắc đạt được nhờ hai yếu tố: giải quyết dứt điểm (từng đơn vị học) và nhắc lại thường xuyên, nhắc lại khi có cơ hội.
Thứ năm là kỹ thuật dạy học của Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1. Giáo viên giao việc, học sinh nhận việc; giáo viên tổ chức cho học sinh làm việc để các em tự chiếm lĩnh kiến thức, chứ không làm trước, làm hộ. Giáo viên chỉnh sửa cho học sinh và học sinh chỉnh sửa cho nhau. Các lệnh của giáo viên đều được thay thế bằng mã hóa ký hiệu nên giờ dạy rất nhẹ nhàng, có tính khoa học và hiện đại. Bản chất của công nghệ giáo dục là quản lý quá trình tự học. Trẻ tự làm ra sản phẩm của trẻ và từ đó phát triển sự tự tin.
Thứ sáu là nội dung các bài học của Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1 rất ưu việt. Tôi chỉ liệt kê ra 3 điểm. Đó là toàn bộ bài học trong sách giáo khoa đã quét hết tất cả các tiếng có trong Tiếng Việt, kể cả tiếng có vần ít gặp và khó đọc mà trước đây chương trình hiện hành không đưa vào (ví dụ quàu quàu, quều quào, chuếnh choáng…).
Mỗi bài học các em được học rất nhiều tiếng và từ. Ví dụ khi dạy bài ênh, êch, các em sẽ được học và tự chiếm lĩnh hết tất các tiếng có chứa hai vần đó (khác với chương trình hiện hành các em chỉ học vần, các từ khóa và từ ứng dụng). Ngoài ra, học sinh còn nắm được luật chính tả vần êch chỉ có dấu thanh sắc, thanh nặng đi kèm.
Nội dung bài đọc đa dạng, phong phú về thể loại, kiểu bài phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, tạo được sự hứng thú cho các em. Ví dụ bài Bé xách đỡ mẹ; Cáo và quạ… Ngoài ra, tác giả còn bước đầu muốn bồi dưỡng sớm cho các em tình yêu quê hương đất nước, lòng tự tôn tự hào về nòi giống và truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua các bài đọc về lịch sử như bài: Các vua Hùng, Bà Triệu, chiến thắng Bạch Đằng…
Thứ bảy là kết quả đạt được của Công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1. Học sinh được làm việc theo một trình tự khoa học có tính hiệu quả, nghiêm túc và kỷ luật. Các em được làm việc nhiều, làm thế nào, nói thế ấy; làm được nói được và nói được làm được. Các kỹ năng hợp tác, chia sẻ, đánh giá được phát triển. Học sinh đọc tốt, viết tốt, nắm chắc luật chính tả và cấu tạo âm tiết Tiếng Việt. Học chương trình này thấy rõ học sinh nhanh nhẹn, năng động và hứng thú.
Với bảy lý do trên, trường tôi đã tiếp nhận và thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, năm đầu tiên thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, tôi xin mách nhỏ cùng các bạn đồng nghiệp mấy điểm lưu ý khi thực hiện chương trình:
– Làm mẫu chính xác.
– Tận dụng triệt để các ký hiệu và tín hiệu trên lớp.
– Thường xuyên kiểm soát cá nhân và phân hóa cá nhân học sinh.
– Đánh giá, nhận xét học sinh bằng mục đích vì sự tiến bộ và sản phẩm làm ra của các em.
– Giáo viên phải nắm chắc cấu trúc ngữ âm và luật chính tả.
– Nhất thiết làm đúng thiết kế của GS Hồ Ngọc Đại vì ông đã trực tiếp thiết kế và giảng dạy chương trình này suốt 35 năm.
Nếu giáo viên kiên trì thực hiện thì chỉ sau một năm các bạn sẽ rất nhẹ nhàng và “khoái” chương trình này. Về quan điểm cá nhân, tôi ấn tượng nhất quan điểm giáo dục trẻ của GS Hồ Ngọc Đại là “phải để trẻ em làm việc hết sức nhưng không để làm quá sức”.
Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm chữ cái c/k/q đều đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ Giáo dục cho phát hành.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục – PGS Bùi Mạnh Hùng cho biết, tài liệu gây tranh cãi, tuy nhiên thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh đang dùng cuốn sách này.
GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ sách được xây dựng trên nguyên tắc “muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy”. Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách của mình tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.
Theo vnexpress.net
Minh Xuan.