(Vtrend.vn) Ba khối trường điểm chuẩn cao nhất năm nay là Công an, Quân đội và Y dược, dù mức điểm đã giảm 2-9 so với năm ngoái.
Ngày 5-6/8, hơn 200 đại học, học viện đã công bố điểm trúng tuyển năm 2018. So với năm ngoái, mức điểm chuẩn có nhiều biến động.
Điểm chuẩn trường thuộc lực lượng vũ trang giảm gần 9 điểm
Với đặc thù tuyển sinh đồng thời bố trí việc làm sau tốt nghiệp, chỉ tiêu giảm hơn 300 so với năm trước, còn 1.190, khối trường Công an có sự cạnh tranh gay gắt nhất trong 5 năm qua. Điểm chuẩn trung bình của 5 trường Công an vì thế tiếp tục dẫn đầu cả nước với 24,4, dù giảm 2,27 so với năm ngoái, tức mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt 8,1.
Không ngành nào của 5 trường Công an lấy điểm chuẩn trên 30. Mức cao nhất là 27,15 với thí sinh nam thi tổ hợp khối A1 (Toán – Vật lý – tiếng Anh) ở Học viện Cảnh sát nhân dân, giảm 3,35 so với trần năm 2017.
Mùa tuyển sinh năm trước trường công an gây sốc khi 2 ngành của Học viện An ninh nhân dân và Đại học Phòng cháy chữa cháy lấy lần lượt 30,5 và 30,25, vượt tổng điểm tối đa của 3 môn thi xét tuyển. Thí sinh nếu không có điểm cộng ưu tiên, khuyến khích, dù đạt điểm tuyệt đối 3 môn, vẫn không thể đỗ vào trường.
Giống Công an, Quân đội cũng bố trí việc làm sau tốt nghiệp nên điểm chuẩn trung bình của 18 trường trong khối đứng thứ hai cả nước, với 21,18. Tuy nhiên, nhiều ngành đã giảm 5-9 điểm so với năm trước.
Học viện Quân Y năm 2017 lấy 30 điểm hai khối A (Toán – Vật lý – Hóa học) với thí sinh nữ miền Nam và khối B (Toán – Hóa học – Sinh học) với thí sinh nữ miền Bắc. Năm nay mức chuẩn cho các đối tượng và khối tương ứng này đều giảm, lần lượt là 26,35 và 24,2.
Đặc biệt, điểm chuẩn của nhóm thí sinh nam miền Bắc, thi tổ hợp khối A vào Học viện Quân y giảm từ 29 xuống 20,05. Đây là mức giảm cao nhất trong mùa tuyển sinh 2018.
Học viện Kỹ thuật quân sự mùa tuyển sinh năm trước lấy 30 điểm với thí sinh nữ miền Bắc, nhưng năm nay chỉ còn 25,1.
Y đa khoa giảm 4,3-5 điểm
Khối trường Y dược năm 2017 đứng thứ hai cả nước về điểm chuẩn trung bình, nhưng năm nay tụt xuống vị trí thứ ba, sau khối trường Quân đội. Điểm chuẩn trung bình của khối này giảm từ 24,63 xuống 20,03.
Chuẩn đầu vào ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội, Y dược TP HCM thấp nhất trong 5 năm, lần lượt là 24,75 và 24,95. Những năm trước, điểm chuẩn chưa bao giờ thấp hơn 26, riêng năm 2017 ngành Y đa khoa của hai trường còn tăng đột biến lên 29,25.
Ngành Y đa khoa của các trường Y dược khác cũng có điểm chuẩn giảm 4,3-5 so với năm 2017.
“Đề thi THPT quốc gia 2018 khó và dài nên phổ điểm chủ yếu ở mức 6-7, 8-10 hiếm. Mặt khác, điểm cộng ưu tiên đối tượng và khu vực giảm từ tối đa 3,5 xuống 2,75. Đây là hai lý do chính khiến điểm chuẩn các trường thấp”, Hiệu phó Đại học Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú giải thích.
Năm 2017 cả nước có 4.235 điểm 10 thi THPT quốc gia thì năm nay giảm gần 10 lần, còn 477. Điểm ưu tiên khu vực từ năm 2017 trở về trước với mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5, thí sinh có thể được cộng tối đa 1,5. Cộng với điểm ưu tiên đối tượng (nếu có), thí sinh có thể đạt mức cộng cao nhất là 3,5.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã sửa đổi quy định về cộng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học. Từ năm 2018, mức chênh lệch điểm giữa hai khu vực kế tiếp chỉ còn 0,25. Điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa giảm một nửa, còn 0,75. Tổng điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học còn 2,75.
Công nghệ thông tin dẫn đầu nhiều trường khối Kỹ thuật
Thông tin Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành Công nghệ thông tin vào năm 2020 và đến mốc thời gian này vẫn thiếu khoảng 500.000 người khiến thí sinh đổ dồn vào thi, điểm chuẩn do đó rất cao.
Đại học Bách khoa Hà Nội, trường top đầu cả nước trong khối kỹ thuật, có điểm chuẩn năm 2018 dao động từ 18 đến 25,35, thấp hơn mức trần năm ngoái gần 3 điểm, nhưng vị trí dẫn đầu không thay đổi, vẫn thuộc về Công nghệ thông tin. Xếp thứ hai là Khoa học máy tính với 25 điểm.
Công nghệ thông tin cũng là ngành hút thí sinh ở Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Dù thấp hơn năm ngoái 3,25 điểm, ngành Công nghệ thông tin vẫn đứng đầu trường về mức trúng tuyển với 23,75 điểm.
Điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin cũng cao nhất nhiều trường tên tuổi trong khối kỹ thuật, như: Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hay Đại học Giao thông Vận tải.
Ở một số đại học như Công nghệ Thông tin, Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) hay Công nghiệp Hà Nội, ngành này có điểm chuẩn cao thứ hai.
Đông Phương học lấy điểm trúng tuyển 27,25/30
Sức hút của ngành Đông phương học giúp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) trở thành trường dân sự lấy điểm chuẩn cao nhất. Thí sinh thi khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) phải đạt 27,25 mới trúng tuyển.
Năm 2018 cả nước chỉ có 321 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên ở khối C. Vì vậy, việc một ngành xã hội của trường dân sự lấy trên 27 là khá bất ngờ dù điểm chuẩn ngành này năm ngoái lên tới 28,5.
Ngoài khối C, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn xét tuyển ngành Đông phương học theo 12 tổ hợp khác với điểm trúng tuyển dao động từ 18 đến 22,25.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) không tuyển sinh khối C ngành Đông phương học. Với khối D01, D04 và D1, trường lấy điểm trúng tuyển là 21,6.
Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc hút thí sinh
Xét 5 trường, khoa chuyên về ngành ngôn ngữ gồm Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Khoa Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) và các ngành ngôn ngữ của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM), ba trường có điểm chuẩn Ngôn ngữ Hàn Quốc cao nhất trong tất cả ngành đào tạo.
Cụ thể, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) lấy điểm trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Hàn là 33 (môn Ngoại ngữ nhân hệ số 2), cao hơn 1,15 điểm so với ngành Ngôn ngữ Anh.
Ở Đại học Huế, Ngôn ngữ Hàn Quốc là ngành duy nhất lấy điểm chuẩn 20, các ngành ngôn ngữ Anh, Nga, Trung Quốc, Nhật, Pháp đều dưới mức này. Còn với Đại học Đà Nẵng, ngành Ngôn ngữ Hàn lấy 21,71 điểm, xếp ngay sau là Ngôn ngữ Nhật và Trung Quốc.
Khoa Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) không đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc. Thay vào đó, Ngôn ngữ Trung Quốc đứng đầu với điểm trúng tuyển là 19. Ngôn ngữ Anh đứng thứ hai với 17,5. Hai ngành Pháp và Nga chỉ 13 điểm.
Duy nhất Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn lấy điểm trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh cao nhất – 23,2. Các ngành còn lại dao động 18,8-22,03.
Sư phạm điểm chuẩn giảm, song cao hơn nhiều ngành
Lo ngại chất lượng đào tạo giáo viên đi xuống, 2018 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành Sư phạm với mức 17 điểm cho tổ hợp 3 môn xét tuyển. Cũng vì thế, điểm chuẩn của ngành này trở thành cao nhất ở nhiều trường. Tuy nhiên, so với năm ngoái, chuẩn đầu vào vẫn giảm 1-4 điểm.
Là trường tên tuổi trong đào tạo giáo viên, Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017 lấy điểm chuẩn cao nhất 27,75 ở ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh thì năm nay giảm còn 24,8. Đầu vào hầu hết ngành đều giảm 1,4-4,5 điểm.
So sánh điểm chuẩn trung bình của các tổ hợp môn ở một số ngành tại Đại học Sư phạm:
STT | Ngành | Năm 2017 | Năm 2018 | Tăng/Giảm |
1 | Giáo dục Mầm non – Sư phạm tiếng Anh | 21,25 | 19,25 | -2 |
2 | Giáo dục Tiểu học – Sư phạm tiếng Anh | 22,6 | 21,2 | -1,4 |
3 | Giáo dục đặc biệt | 23 | 20 | -3 |
4 | Giáo dục chính trị | 19,4 | 17,5 | -1,9 |
5 | Sư phạm Toán học | 26 | 21,5 | -4,5 |
6 | Sư phạm Toán học – dạy bằng tiếng Anh | 27 | 23,8 | -3,2 |
7 | Sư phạm Vật lý | 22,8 | 19,3 | – 3,5 |
8 | Sư phạm Văn | 25,25 | 22,55 | -2,7 |
Tại Đại học Sư phạm TP HCM, nếu như năm ngoái mức cao nhất thuộc về ngành Sư phạm Toán học 26,25 thì năm nay điểm trúng tuyển cao nhất còn 22,55. Hầu hết ngành giảm 1-4 điểm.
Tại Đại học Quy Nhơn (Bình Định), các ngành sư phạm Hóa, Văn, Sử, Địa đều lấy 17 điểm trong khi năm 2017 lấy 21,25-23. Ngành Sư phạm tiếng Anh từ 22,5 rớt xuống 18; Sư phạm Toán từ 22,5 rớt xuống còn 17,5 điểm.
Ở các tỉnh, Đại học Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam lấy điểm chuẩn các ngành sư phạm đúng bằng ngưỡng tối thiểu Bộ Giáo dục quy định. Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), các đại học Đà Lạt, Phú Yên, An Giang, Cần Thơ… điểm chuẩn giảm 1-3 điểm tùy ngành.
STT | Trường | Năm 2017 | Năm 2018 | Tăng/Giảm |
1 | Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) | 21,45 | 18,75 | -2,7 |
2 | Đại học An Giang | 18,1 | 17,7 | -0,4 |
3 | Đại học Cần Thơ | 21,7 | 19,7 | -2 |
4 | Đại học Phú Yên | 17,75 | 17,2 | -0,55 |
Hàng loạt đại học vùng, địa phương lấy điểm chuẩn 13-14
Nếu như năm 2017, điểm chuẩn thấp nhất của các trường thành viên Đại học Thái Nguyên là 15,5, bằng mức sàn Bộ Giáo dục quy định, thì năm nay là 13. Chỉ vài ngành ở Đại học Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông giữ mức 14-16. Mức này đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, tức trung bình mỗi môn thí sinh chỉ được hơn 4 điểm.
Điểm chuẩn trung bình các ngành của thành viên Đại học Thái Nguyên qua hai năm:
STT | Trường, khoa thành viên | Năm2017 | Năm2018 | Tăng/Giảm |
1 | Đại học Y dược | 24,8 | 19,7 | -5,1 |
2 | Đại học Kỹ thuật Công nghiệp | 15,5 | 13,6 | -1,9 |
3 | Đại học Nông lâm | 15,5 | 13 | -2,5 |
4 | Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông | 15,5 | 13,2 | -2,3 |
5 | Đại học Khoa học | 15,5 | 14 | -1,5 |
6 | Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh | 15,5 | 13 | -2,5 |
7 | Khoa Quốc tế | 15,5 | 13,4 | -2,1 |
8 | Khoa Ngoại ngữ | 16,2 | 16,4 | +0,2 |
Tương tự, trừ ba đại học Y dược, Ngoại ngữ và Sư phạm, các trường còn lại của Đại học Huế lấy điểm chuẩn 13-15. Tại Đại học Nông lâm, nếu như năm ngoái 22/24 ngành có chuẩn là 15,5 thì nay giảm xuống 13 (trừ Công nghệ Thực phẩm giảm từ 15,5 xuống 15; Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản từ 10,25 năm ngoái lên 14 và 13 điểm năm nay).
Giống đại học vùng, nhiều trường ở Tây Bắc, miền Trung và Nam Bộ cũng lấy điểm chuẩn 13-14. Đại học Tây Bắc (Sơn La) có đến 10 ngành lấy điểm chuẩn 13, Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy ngưỡng 13 cho hầu hết ngành, trừ Sư phạm, Thủy sản, Kinh doanh nông nghiệp.
Đại học Tài chính – Kế toán tại cơ sở chính Quảng Ngãi lấy 14 điểm, phân hiệu Thừa Thiên Huế lấy 13 ở tất cả ngành. Đại học Quảng Nam công bố điểm chuẩn 13 ngành, trong đó trừ khối sư phạm lấy 17-18, các ngành còn lại chỉ lấy 13.
13-14 cũng là điểm chuẩn phổ biến ở hầu hết ngành của đại học tư thục. Tại Đà Nẵng, Đại học Đông Á lấy chuẩn 13 cho hơn nửa số ngành tuyển sinh trong khi Đại học Duy Tân lấy ngưỡng này cho tất cả ngành, trừ khối chăm sóc sức khỏe và kiến trúc.
Tại TP HCM, các đại học tư thục như Hùng Vương, Công nghệ Sài Gòn, Gia Định, Hồng Bàng, Văn Hiến, Văn Lang cũng lấy 14 làm điểm chuẩn cho nhiều ngành. Tại Đại học Quốc tế Hồng Bàng, trừ ba ngành thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sư phạm, gần 30 ngành khác đều lấy ngưỡng 14.
Băn khoăn chất lượng đầu vào
Dù điểm chuẩn tất cả ngành giảm so với năm ngoái, Hiệu phó Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú vẫn tin chất lượng thí sinh không giảm bởi đề thi THPT quốc gia khó, điểm ưu tiên khu vực giảm một nửa so với những năm trước và nhà trường vẫn lấy chuẩn thuộc tốp cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, trước thực tế chỉ có khoảng 60 trường lấy trong ngưỡng điểm từ 18 trở lên, còn lại phổ biến 13-15 khiến nhiều nhà giáo dục đặt câu hỏi về chất lượng sinh viên đầu vào. Bởi thiết kế đề thi THPT quốc gia của Bộ Giáo dục nhiều năm liền giữ tỷ lệ 60% là kiến thức cơ bản dành cho xét tốt nghiệp, 40% là nâng cao để xét tuyển đại học. Phần đông thí sinh cũng đánh giá đề thi năm nay chỉ khó để đạt điểm khá giỏi (từ 7 trở lên), còn ở mức trung bình, tức ngưỡng 5 điểm thì lại “trong tầm tay”.
Phân tích điểm thi THPT quốc gia cũng cho thấy, trừ Ngoại ngữ, Lịch sử, Sinh học đỉnh phổ điểm thấp, 5 môn Toán, Văn, Vật lý, Hóa học, Địa lý, đỉnh đều rơi ở điểm 5-5,5, riêng Giáo dục công dân đỉnh là 7,5. Nghĩa là số lượng thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên không ít.
Riêng Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, hai trường lấy chuẩn thuộc hàng cao nhất cả nước, cả lãnh đạo trường và dư luận đang đặt ra nghi vấn khi số thí sinh trúng tuyển đến từ nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, như Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La rất cao. Ba địa phương này được xác định có gian lận thi cử, công an đã khởi tố vụ án.
Năm 2018, cả nước có gần 926.000 thí sinh “rồng vàng” (sinh năm 2000) dự thi THPT quốc gia, tăng khoảng 60.000 so với năm trước. Trong đó hơn 642.000 em đăng ký để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Hồng An
Theo vnexpress.net