(Vtrend.vn) Sau khi leo lên 220 triệu đồng/Bitcoin, giá của đồng tiền kỹ thuật số này liên tục rớt giá xuống còn 207 triệu đồng/Bitcoin.
Lúc 10 giờ, ngày 28-4, nhiều sàn giao dịch tiền ảo tại Việt Nam thông báo cho nhà đầu tư 1 bitcoin có giá giao dịch 207 triệu đồng. Như vậy, nếu so với mức giá của ngày 25-4 là 220 triệu đồng thì chỉ trong 2 ngày, giá của 1 bitcoin đã giảm 13 triệu đồng.
Nhiều nhà đầu tư cho biết gần đây các chủ sàn tiền ảo đã thay đổi phần đuôi .vn của các websie giao dịch thành.io. Đơn cử, sàn giao dịch bitcoin.vn nay được chuyển đổi thành sàn bitcoin.io, còn sàn pincoin.vn thì đổi thành pincoin.io.
Đề cập đến tiền ảo, một số chuyên gia công nghệ cho hay các đồng tiền như Bitcoin, etherium… được sinh ra từ các thuật toán máy tính, đồng thời được cộng đồng công nghệ thông tin trên toàn cầu công nhận. Từ đó, các đồng tiền này được chấp nhận thanh toán vài loại hàng hóa tại một số quốc gia.
Do năm qua 2017, Bitcoin và Etherium tăng giá như vũ bão nên tại Việt Nam một số doanh nghiệp tự tạo ra các đồng tiền ảo như iFan, pincoin,BNC, BTC…, rồi kêu gọi nhà đầu tư tham gia để hưởng lãi suất cao. Sau đó, doanh nghiệp phát hành tiền ảo thiết lập sàn giao dịch, thành lập các chuỗi cửa hàng chấp nhận thanh toán các đồng tiền này, nhằm thu hút thêm nhà đầu tư.
Tuy nhiên, sau khi thu hút được nhiều người bỏ tiền thật mua tiên ảo thì doanh nghiệp tung chiêu, đưa giá trị đồng tiền do mình phát hành xuống mức cực thấp, nhằm trục lợi. Ví dụ, cuối năm 2017, đồng Pincoin do Công ty Modern Tech phát hành ban đầu có giá 1 USD nhưng nay xuống còn 0,2 USD/pincoin.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự), rủi ro nhất trong việc đầu tư tiền ảo là giá trị đồng tiền lên xuống thất thường do nó chưa được thừa nhận một cách hợp pháp dẫn đến không có một thước đo tham chiếu (ví dụ như vàng, đô la) và không được chính phủ hay ngân hàng trung ương bảo hộ; sự hiểu biết của nhà đầu tư còn hạn chế, ít nhiều bị lạm dụng khi tiền ảo bị ngụy tạo giá trị.
Tại Việt Nam, làn sóng người dân tham gia tiền ảo là không bình thường, khá nguy hiểm do đa số người đầu tư bỏ tiền thật nhưng thiếu hiểu biết về giao dịch tiền ảo.
“Vụ việc tiền ảo iFan gần đây đang được cơ quan chức năng xem xét khởi tố được cho là gây thiệt hại lên đến 15.000 tỉ đồng, là loại hình đầu tư tài chính đa cấp bị cấm (khác với kinh doanh bán hàng đa cấp được pháp luật cho phép). Việc bỏ tiền đầu tư này khiến nhà đầu tư vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Do đó, việc khiếu nại trở nên khó khăn”- Luật sư Nguyễn Tiến Lập nhận định.
Theo Người Lao Động
Minh Xuân