Bitcoin, Pi – Coin… theo Bộ Tài chính đều là tiền ảo, tài sản ảo không được phép giao dịch. Việt Nam cũng chưa có hành lang pháp lý cho các loại hình tiền kỹ thuật số này.
Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi. Mới đây, Công an TP.Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo về một chiêu thức lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao. Trong đó, một trong các thủ đoạn của các đối tượng là hướng dẫn người dân truy cập vào App Store và CH Play để tải về các phần mềm của các sàn chứng khoán trên điện thoại do chính công ty chứng khoán phát hành để đầu tư.
Đặc biệt, hiện nay cơn sốt đào Pi – Coin đang diễn ra rầm rộ tại Việt Nam. Pi Network chính là đơn vị thành lập ra Pi – Coin. Tổ chức này ban đầu nói rằng được thành lập bởi một nhóm cựu sinh viên ở Đại học Standford. Tuy nhiên hiện tại, trên website của Pi Network chỉ còn tồn tại 2 người là Nicolas Kokkalis (Giám đốc công nghệ), Chengdiao Fan (Giám đốc sản phẩm) được giới thiệu trong phần bộ máy lãnh đạo của công ty.
Pi – Coin theo giới thiệu được xây dựng để trở thành “đồng tiền điện tử phổ biến nhất trên thế giới“. Trong lộ trình phát triển được công bố, Pi – Coin chia làm ba giai đoạn, gồm giai đoạn thiết kế, thử nghiệm trên Testnet, và giai đoạn chính thức Mainnet. Điều đáng nói, người dùng có thể đào Pi – Coin từ điện thoại thông minh mà không cần đến dàn máy khủng giá trị hàng trăm triệu đồng để đào các đồng tiền điện tử khác như Bitcoin.
Theo các chuyên gia, hiện tại người tham gia không mất gì về mặt tiền bạc mà chỉ phải trải qua KYC (định danh khách hàng). Song, Pi Network yêu cầu thu thập một lượng dữ liệu lớn của người dùng như sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ lưu trữ USB, xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi, đọc danh bạ hay nhận dữ liệu từ internet… Những thông tin này là hết sức quan trọng và sẽ rủi ro lớn nếu rơi vào tay giới tội phạm.
Việt Nam chưa cho phép giao dịch tiền ảo, Pi – Coin
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính vừa cho biết, thời gian qua, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (UBCK) đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an về các vụ việc liên quan đến các sàn giao dịch, tiền ảo, chứng khoán có tính chất tương tự đã xẩy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và đang có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn (như Sàn giao dịch Rforex (tại trang web www.rforex.com) tại Q.Ba Đình, TP.Hà Nội; Sàn giao dịch Emrfx (www.emrfx.com) tại tỉnh Nghệ An…)
Theo cơ quan này, các sàn giao dịch trên thường có cùng một số đặc điểm tương đồng, chủ yếu hoạt động kêu gọi đầu tư trái phép do nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (không xác định được tư cách pháp nhân) tự lập, lôi kéo nhà đầu tư tham gia đầu tư dưới nhiều hình thức (mua bán chứng khoán quốc tế, đồng tiền kỹ thuật số, giao dịch quyền lựa chọn nhị phân (Binary Option) với hình thức dự đoán giá trị lên xuống của một tài sản (có thể là đồng tiền ảo crypto, vàng, chứng khoán, cổ phiếu, tỷ giá…).
Hiện tại, chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán. “Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo”, Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính cũng đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Bộ Tài chính cũng cảnh báo, người dân cần nâng cao nhận thức về tài sản ảo, tiền ảo để tránh rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo bất hợp pháp.