(Vtrend.vn) Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về sai phạm thi THPT quốc gia

Người đứng đầu ngành giáo dục giữ quan điểm không vì sai phạm vừa xảy ra mà vội vàng xóa bỏ kỳ thi THPT quốc gia. 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.

Thừa nhận thiếu sót khi tổ chức thi THPT

Về gian lận thi cử tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm.

“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm, nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Theo ông Nhạ, Bộ đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 như: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề có những câu hỏi có độ khó cao. Phần mềm chấm trắc nghiệm còn kẽ hở trong bảo mật, có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ đối với địa phương đã được tăng cường, nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp khắc phục hạn chế. Bộ sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia; hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi.

Ngoài ra, Bộ sẽ cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan; quy định rõ trách nhiệm của địa phương, trường đại học và các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh tra của Bộ.

 “Bỏ thi THPT là trái Luật Giáo dục”

Bộ trưởng Nhạ nhắc lại, thi cử trước kia còn rất nặng nề, mỗi năm phải tổ chức nhiều kỳ thi, nhiều đợt thi (gần một tháng thí sinh phải dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi tuyển sinh đại học). Học sinh các tỉnh xa phải lên Hà Nội, TP HCM và một số thành phố lớn để dự thi rất vất vả, áp lực, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của thí sinh và toàn xã hội. Ngoài ra, các tiêu cực trong thi cử ở Đồi Ngô, Phú Xuyên khiến dư luận rất bức xúc.

Vì vậy, Bộ Giáo dục đã xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu khắc phục bất cập, bảo đảm trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình và xã hội. 

Theo Bộ trưởng, khi xây dựng phương án thi, có nhiều tranh luận, như nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ tổ chức thi đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, việc này không thực hiện được vì trái Luật Giáo dục. Hơn nữa, nếu bỏ thi, học sinh sẽ không học, chất lượng giáo dục đi xuống, kết quả học tập của học sinh không được quốc tế công nhận. Việc Bộ đứng ra tổ chức thi đại học cũng không được vì vi phạm quyền tự chủ của các trường mà Luật Giáo dục đại học 2012 đã quy định.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Trường Phong. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Trường Phong. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, có ý kiến đề xuất giao thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương; thi đại học, cao đẳng giao cho các trường tổ chức. Tuy nhiên, nếu giao hoàn toàn cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì với bệnh thành tích, kết quả thi sẽ không công bằng khi tỉnh này ra đề dễ, tỉnh kia ra đề khó, địa phương này coi lỏng, địa phương khác coi chặt. 

Việc để các trường đại học tự tổ chức thi thì Bộ đã khuyến khích, nhưng thực tế rất ít trường thực hiện được vì tốn kém nguồn lực và chi phí. Hơn nữa, tình trạng luyện thi, dạy thêm học thêm tràn lan rất dễ xuất hiện trở lại.

Phần lớn ý kiến thống nhất tổ chức một kỳ thi quốc gia vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học. Bộ đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý. Phương án này kế thừa được ưu điểm, khắc phục bất cập của các kỳ thi trước đó, bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với luật và xu hướng chung của thế giới.

Theo Bộ trưởng Nhạ, Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học đang được sửa, vấn đề thi và tuyển sinh cũng được đặt ra, nhưng như đã phân tích, việc bỏ thi THPT quốc gia ở thời điểm này là không nên. Bộ sẽ cố gắng để kỳ thi này bảo đảm thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn”, ông Nhạ nói. 

Ngày 25-27/6/2018, cả nước có hơn 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi, dư luận bất ngờ khi Hà Giang, Sơn La có số thí sinh đạt điểm giỏi tăng đột biến, trong khi điểm trung bình các môn của thí sinh hai tỉnh thuộc diện thấp nhất cả nước. Tại Lạng Sơn, nhóm thí sinh tự do là cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm khá giỏi.

Bộ Giáo dục sau đó thành lập 3 tổ công tới 3 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi. Kết quả Hà Giang có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 lên 29,95. Ông Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng và Phó phòng Khảo thí của Sở Giáo dục bị bắt vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại Sơn La, tổ công tác phát hiện 5 cán bộ Sở Giáo dục sửa điểm cả bài tự luận và trắc nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa xác định có bao nhiêu bài thi trắc nghiệm được sửa, cách thức sửa thế nào. Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tại Lạng Sơn, tổ công tác của Bộ Giáo dục chưa thấy có dấu hiệu bất thường, dù 8 bài thi Ngữ văn tự luận đã bị hạ điểm.

MP
Theo vnexpress.net