(Vtrend.vn) Cuộc bầu cử giữa kỳ là cơ hội để Tổng thống Mỹ thay một loạt quan chức không hợp ý, dù điều này có thể gây tác động tiêu cực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tại một buổi lễ của Học viện Quốc gia FBI năm 2017. Ảnh: AP. |
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm qua viết một lá thư dài, cho biết ông nộp đơn từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump. Giới phân tích cho rằng lá đơn này chấm dứt hành trình chịu đựng kéo dài gần hai năm qua của Sessions, đồng thời báo hiệu một đợt “thay máu” mới trong chính quyền Trump sau cuộc bầu cử giữa kỳ, theo Washington Post.
Đơn từ chức của Bộ trưởng Tư pháp Sessions không khiến nhiều người bất ngờ. Trump bắt đầu nổi giận với Sessions từ tháng 3 năm ngoái, khi Bộ trưởng Tư pháp quyết định “tự cứu mình” bằng cách rút khỏi cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ, sau khi có thông tin ông từng hai lần gặp đại sứ Nga.
Sau hành động “tự cứu mình” này của Sessions, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein được giao quyền phụ trách cuộc điều tra và ông này đã bổ nhiệm công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đang thu thập các chứng cứ về sự thông đồng giữa Nga và các cố vấn thân cận của Trump, trong đó có con rể Jared Kushner. Trump hồi tháng 7 năm ngoái thể hiện sự thất vọng, nói rằng Sessions lẽ ra không nên tự cứu mình như vậy và bày tỏ hối tiếc về việc chọn ông này làm Bộ trưởng Tư pháp.
Nỗi bất bình với Sessions của Trump ngày càng tăng trong vài tháng qua, khiến nhiều người tin rằng việc ông này ra đi chỉ còn là vấn đề thời gian. “Sessions là người chịu đựng sự ngược đãi từ Trump nhiều hơn bất cứ thành viên Nội các nào khác”, Carl Tobias, giáo sư luật tại Đại học Richmond, nói với Vox. “Dù vậy, ông vẫn kiên cường bám trụ để thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Các cuộc phỏng vấn của Washington Post với 14 quan chức Nhà trắng, trợ lý chính quyền Trump và thành viên đảng Cộng hòa cho thấy Trump đã sẵn sàng cho những thay đổi lớn về nhân sự với việc đảng Cộng hòa vẫn giữ được quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ sau cuộc bầu cử giữa kỳ.
Người có thể nối bước Sessions ra đi là Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người đã nhiều lần bảo vệ cho công tố viên đặc biệt Robert Mueller từ các đòn công kích của chính quyền. Trump đã nhiều lần chế nhạo Rosenstein, gọi ông là một thành viên đảng Dân chủ, dù ông là người của đảng Cộng hòa suốt cuộc đời mình. Rosenstein cũng nhiều lần từ chối trả lời liệu ông có sa thải Mueller nếu được Trump yêu cầu hay không.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: AFP. |
Một số thành viên Nội các khác như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen cũng có thể đối mặt với tương lai bất định trong làn sóng “thay máu” của Trump.
Mattis và Trump từ lâu đã có quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, theo mô tả của một cựu quan chức Nhà Trắng. Hai người thường xuyên tranh cãi về nhiều vấn đề, chẳng hạn như việc để người chuyển giới phục vụ trong quân đội, thỏa thuận hạt nhân Iran, các cuộc tập trận với Hàn Quốc hay xung đột ở Afghanistan, Syria.
Trong khi Trump thường xuyên chỉ trích các đồng minh của Mỹ, Mattis lại coi trọng củng cố quan hệ quốc phòng với các nước này và ông nhiều khi trở thành “sứ giả” để trấn an các đồng minh châu Âu, châu Á sau những phát ngôn gây hoang mang của Trump.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết Trump trong tương lai gần nhiều khả năng sẽ không ra quyết định sa thải Mattis, người gần đây ủng hộ quyết định triển khai binh sĩ đến biên giới để ngăn dòng người di cư của ông. Mattis cũng ít có khả năng nộp đơn xin từ chức.
Trường hợp của Bộ trưởng An ninh Nội địa Nielsen lại rất khác. Trump và Nielsen đã bất đồng với nhau về vấn đề đối phó dòng người di cư ở biên giới, khi Tổng thống tin rằng Bộ trưởng An ninh Nội địa đã không hành động đủ mức quyết liệt. Các quan chức Nhà Trắng cho biết họ đã thảo luận về những phương án nhân sự để thay thế Nielsen.
Người bảo trợ chính cho Nielsen là Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, người nhiều khả năng cũng sẽ ra đi sau nhiều lần tranh cãi với Tổng thống, nhưng đã được Trump yêu cầu ở lại cho đến năm 2020. Nếu Kelly ra đi, nhiều người tin rằng Nielsen cũng sẽ nối gót.
Trump gần đây cũng bắt đầu than phiền với các trợ lý về Bộ trưởng Nội vụ Zinke, người đang bị Bộ Tư pháp xem xét về các thương vụ bất động sản ở Montana. Trump đã yêu cầu các trợ lý làm rõ hành vi của Zinke có thể gây rắc rối đến mức nào cho chính quyền của ông.
Một số quan chức cấp cao khác gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cũng có thể sẽ rời chính quyền Trump trong những tháng tới, nhưng không phải dưới sức ép của Tổng thống.
Sanders có mối quan hệ gắn bó với Trump và sẽ chỉ ra đi vào thời điểm thích hợp. Trong những tuần gần đây, Sanders tổ chức các cuộc họp báo ngày càng thất thường, dù đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của cô.
Gây tranh cãi
Từ trái sang phải: Tổng thống Trump và các trợ lý gồm chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, Phó tổng thống Mike Pence, cố vấn cấp cao Steve Bannon, giám đốc truyền thông Sean Spicer và cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn tại Nhà Trắng hôm 28/1/2017. Ngoại trừ Phó tổng thống Pence, những trợ lý còn lại của Trump trong ảnh đều đã rời khỏi Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Những người ủng hộ Trump cho rằng một cuộc “thay máu” giữa nhiệm kỳ là bình thường đối với bất cứ tổng thống Mỹ nào, khẳng định bất cứ sự ra đi nào cũng giúp Tổng thống có cơ hội xây dựng lại hình ảnh Nhà Trắng theo phong cách của mình.
“Tôi không cho rằng Trump thích nhìn thấy người của mình ra đi”, Marc Short, cựu phụ trách bộ phận pháp chế của Nhà Trắng, nói. “Nhưng đó là cách để Tổng thống khởi động lại bộ máy. Khi Trump mới nhậm chức, Washington vẫn rất lạ lẫm với ông. Tôi cho rằng sau hai năm, ông biết rõ hơn về khả năng của những người quanh mình”.
Short cho rằng không giống những người tiền nhiệm, Trump đang tự mình thực hiện vai trò của chánh văn phòng Nhà Trắng theo nhiều cách khác nhau và sẵn sàng đưa vào đây đội ngũ trợ lý có chung quan điểm với mình. “Ông ấy có thể không biết những thành viên hiện nay trong Nhà Trắng đang làm gì”, Short nói.
Tuy nhiên, một số quan chức Nhà Trắng cho rằng Trump có thể tự gây khó cho mình nếu thay thế ồ ạt các quan chức cấp cao trong chính quyền, nhất là khi đảng Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát hạ viện. Đảng Dân chủ có thể gây khó dễ với các ứng viên mới được Trump đề cử và dùng quyền giám sát của mình để tiến hành các cuộc điều tra với những lần thay thế nhân sự như vậy.
Nhà Trắng của Trump đến nay đã trải qua nhiều lần xáo trộn nhân sự, dù ông mới chỉ nắm quyền hai năm. Trong năm đầu của nhiệm kỳ, Trump đã vượt qua những người tiền nhiệm về tỷ lệ “thay máu”, khi đội ngũ cố vấn, trợ lý của ông bị thay thế tới 34%. Con số đó hiện nay là 58%, theo thống kê của Kathryn Dunn Tenpas, chuyên gia viện Brooking chuyên nghiên cứu về tình hình nhân sự Nhà Trắng trong hơn hai thập kỷ qua.
Một số trợ lý của Trump tự nguyện từ chức, nhưng số người ra đi dưới sức ép của Tổng thống vượt xa tỷ lệ trong các chính quyền khác, Dunn Tenpas cho biết. “Những xáo trộn như vậy khiến Tổng thống gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình nghị sự của mình, nhất là khi phải liên tục tuyển mới, đào tạo lại nhân viên”, bà nói.
Theo vnexpress.net
Minh Xuan.