Chiều ngày 9/10, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2023 nhằm thông tin đến các cơ quan báo chí về kết quả thực hiện công tác VHTTDL quý III/2023 và phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chủ trì họp báo.
Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao và du lịch diễn ra sôi động trong cả nước
Theo Bộ VHTTDL, trong quý III/2023, Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng Kế hoạch, phối hợp “từ sớm”, “từ xa” với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức các sự kiện lớn của Ngành theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn và tạo sức lan tỏa lớn, kiên định mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa cơ sở thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao và du lịch diễn ra sôi động trong cả nước, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư có hiệu quả hơn để phát triển văn hóa, đây chính là động lực quan trọng để toàn Ngành không ngừng nỗ lực hơn nữa.
Bộ đã tổ chức các sự kiện quan trọng như: Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc; Ngày hội VHTTDL các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định; Liên hoan cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách về chủ quyền biển đảo Việt Nam – Chủ đề “Việt Nam – Đất nước bên bờ sóng” tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…; tổ chức các hoạt động văn hóa đối hiệu quả, các chương trình được đầu tư công phu với nhiều điểm mới, sáng tạo góp phần quảng bá những giá trị đặc sắc về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Phối hợp tổ chức Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng. Tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 tại Trung Quốc. Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự và thi đấu tại ASIAD 19 với thành tích 03 HCV, 05 HCB, 19HCĐ. Phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức 69 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Kết quả tham dự các giải thi đấu quốc tế đạt 69HCV, 48HCB, 25HCĐ. Đến nay, Thể thao Việt Nam có môn Xe đạp và Bắn súng chính thức được tham dự Olympic 2024 tại Pháp…
Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 05 di tích quốc gia đặc biệt đợt 13; công nhận bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022 cho 27 hiện vật và nhóm hiện vật. Quyết định xếp hạng 19 di tích quốc gia; công bố 55 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa được quan tâm đúng mức
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong công tác triển khai các nhiệm vụ của Bộ vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, hạn chế như: Công tác xây dựng thể chế đã có nhiều chuyến biến tích cực, tuy nhiên ở một số lĩnh vực vẫn còn chậm tiến độ; nhận thức của một số cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng chưa thực sự đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa đồng đều; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; việc huy động các nguồn lực đầu tư, quy hoạch, bố trí quỹ đất ở các địa phương cho phát triển văn hóa, thể thao còn hạn chế. Hệ thống cơ sở vật chất, kinh phí cho các hoạt động văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng đời sống, môi trường văn hóa cơ sở ở một số địa phương, đơn vị chưa được chỉ đạo, quan tâm, tổ chức thực hiện hiệu quả như yêu cầu đặt ra. Việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở một số địa phương hiệu quả chưa cao. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa còn nhiều khó khăn. Một số ít địa phương, đơn vị chưa chấp hành tốt pháp luật về di sản văn hóa, còn để xảy ra vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, một số địa phương chưa quan tâm đầu tư kinh phí đúng mức cho hoạt động tu bổ di tích dẫn đến tình trạng một số di tích bị xuống cấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân.
Mặt khác, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở còn chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Việc đào tạo, tuyển chọn diễn viên, nhạc công của các đơn vị nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Việc thực hiện Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Cuộc thi người đẹp chưa đáp ứng mục tiêu, định hướng về cái đẹp; các địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định, cấp phép và quản lý các cuộc thi hoa hậu, người đẹp, người mẫu trên địa bàn…
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV/2023, Bộ VHTT&DL sẽ tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổ chức: Hội thảo Du lịch Lễ hội ASEAN tại Việt Nam; Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam – Đài Loan lần thứ 10. Phối hợp, chuẩn bị tổ chức Hội chợ WTM London 2023 tại Anh; hỗ trợ tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024…
Đồng thời tổ chức các chương trình như: Cuộc thi Âm nhạc Mùa thu 2023; Chương trình giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu và một số cuốn sách nổi bật lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, văn học năm 2023; Trại sáng tác dành cho các tác giả có đề cương, bản thảo tác phẩm văn học nghệ thuật được lựa chọn “Sống mãi với thời gian”; Cuộc thi và Triển lãm mỹ thuật Việt Nam tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Festival nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam…
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ để chấn chỉnh xử lý các khuyết điểm, vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền, trọng tâm tập trung vào lĩnh vực: Lễ hội văn hóa, cuộc thi người đẹp – hoa hậu, quản trị điểm đến du lịch; công tác tập huấn, thi đấu các giải thể thao…
Dự kiến đón 12-13 triệu lượt khách quốc tế
Đối với lĩnh vực du lịch, 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 8,8 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 93,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.
Thông tin thêm về lĩnh vực này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thuỷ cho biết, Bộ VHTT&DL vừa báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 lên con số từ 12 đến 13 triệu lượt.
Bởi tính đến thời điểm này, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã vượt 111%, đón 8,9 triệu lượt trong 9 tháng đầu năm. Như vậy, căn cứ vào dự báo tình hình, từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 sang năm là cao điểm của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, vì vậy có thể điều chỉnh mục tiêu đón lên con số 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2023, đây là con số khả thi.
Một điểm thuận lợi nữa để có thể đạt được mục tiêu từ 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế đó là nhờ những chính sách cởi mở của Chính phủ như: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực cùng các chính sách khác trong hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước…
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đã ban hành các đề án, chiến lược quan trọng trong lĩnh vực du lịch: Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch triển khai đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”…
Vụ việc đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia “kêu đói”: Bài học lớn đối với ngành TDTT
Liên quan đến việc xảy ra ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, hiện nay, Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội không đủ điều kiện về diện tích để bảo đảm tập huấn hằng năm cho các vận động viên. Vì vậy phải tổ chức tập huấn ở các cơ sở khác nhau như: Khu Liên hiệp Thể thao quốc gia; các Trung tâm Huấn luyện thi đấu TDTT của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hoà Bình…
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, việc chi trả chế độ cho các huấn luyện viên, vận động viên được Trung tâm trả vào tài khoản riêng. Đối với đội bóng bàn trẻ, từ tháng 2/2023 thực hiện chi trả theo quy định.
“Chúng tôi xác định đây là một bài học rất lớn đối với ngành TDTT, nhất là trong công tác phối hợp. Đặc biệt, đây là lời cảnh tỉnh cho những người tham gia công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên trẻ nhưng chưa thực sự đặt mục tiêu, quan tâm đến việc đào tạo, huấn luyện và chế độ bồi dưỡng, đời sống của vận động viên trên hết và có biểu hiện vì lợi ích cá nhân”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, ngay khi nhận được thông tin, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo Cục TDTT phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vụ việc; tiến hành đình chỉ Ban Huấn luyện, thay thế Ban Huấn luyện khác, đưa đội tuyển bóng bàn trẻ về Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
Bộ VHTT&DL chỉ đạo quyết liệt, giao các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng, kịp thời xác minh. Khi có đầy đủ thông tin về những bất cập, sai phạm từ cá nhân, đơn vị nào sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo Cục TDTT tổng kiểm tra, rà soát lại công tác huấn luyện các đội tuyển nhất là về việc bảo đảm cơ sở vật chất, chế độ sinh hoạt, kinh phí cho các CLB, đội tuyển, đáp ứng yêu cầu huấn luyện và giải quyết trước thời hạn ngày 20/10/2023.
Diệp Anh