(Vtrend.vn) Không đứng ngoài xu thế đã “giàu lại càng giàu thêm”, các tỷ phú tại Việt Nam năm nay thể hiện sự thăng tiến đáng nể trên BXH của Forbes. Thay vì 2, danh sách của Forbes năm nay ghi nhận Việt Nam đóng góp đến 4 tỷ phú. Vậy những tỷ phú của Việt Nam, họ là ai?

Ông Phạm Nhật Vượng

Không quá để so sánh ông Phạm Nhật Vượng là “ông vua” bất động sản tại Việt Nam. Gần 20 năm qua, các công trình bất động sản của Vingroup từ chung cư cho đến trung tâm thương mại “mọc lên như nấm” tại Việt Nam. Tốc độ phát triển thần tốc trong mảng bất động sản đã đặt Vingroup ngang hàng với những công ty, tập đoàn hàng đầu thuộc lĩnh vực này trong khu vực.

Không dừng lại ở bất động sản, những năm gần đây Vingroup đã vươn ra ở hàng loạt các lĩnh vực trong nền kinh tế. Tiêu biểu có thể kể đến: Bán lẻ (hệ thống Vinmart), Nông nghiệp (VinEco), Y tế (hệ thống bệnh viện Vinmec)…

Mới đây nhất, Vingroup đã chính thức gia nhập lĩnh vực xe hơi khi xây dựng Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng vào tháng 9/2017. Dự kiến, Vinfast sẽ ra mắt hai dòng xe mới vào quý III/2019.

Năm 2017, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất hơn 90.000 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2016, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 8.900 tỷ đồng. Ước tính giá trị vốn hóa của Vingroup lên tới 260.000 tỷ đồng, tương đương hơn 11,4 tỷ USD.

Với những số liệu cùng các con số kể trên, không quá khó hiểu cho sự thăng tiến của ông Phạm Nhật Vượng trên BXH Forbes năm nay.

Đây đã là năm thứ 6 liên tiếp ông Phạm Nhật Vượng có tên trong BXH của Forbes. Năm nay tạp chí danh tiếng này ghi nhận số tài sản của ông lên tới 4,3 tỷ USD, tương đương xếp thứ 499, tăng hơn hẳn so với khối tài sản 2,4 tỷ USD và thứ hạng 867 được ghi nhận vào năm 2017.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Trái ngược vẻ ngoài có phần nhỏ nhắn, song chắc hẳn “chất thép” luôn tồn tại trong con người bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Tại một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt như ngành hàng không, người phụ nữ này đã và đang đưa chiếc “tàu bay” Vietjet Air đi từ hết thành công này sang thành công khác.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn với Bloomberg vào năm 2016, bà Thảo cho biết muốn biến Vietjet Air trở thành Emirates của châu Á. Với những gì đang diễn ra, bà Thảo cho thấy những bước đi vững chắc trong việc cụ thể hóa mục tiêu của mình cùng Vietjet Air.

Kể từ khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011, đến nay Vietjet Air đã trở thành hãng hàng không đứng đầu thị trường với đội bay lên tới 52 chiếc.

Khối tài sản cùng thứ hạng của bà Thảo trong BXH của Forbes năm nay là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của Vietjet Air. Không quá để nói rằng, khối tài sản của bà Thảo tỷ lệ thuận cùng tần suất cất cánh của những chiếc tàu bay của Viejet Air trong năm vừa qua. Nó tăng một cách chóng mặt.

Cụ thể theo Forbes, bà Thảo sở hữu khối tài sản lên tới 3,1 tỷ USD, tương đương với vị trí 766. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản của bà Thảo đã tăng gần 3 lần chỉ sau 1 năm (1,2 tỷ USD và xếp thứ 1.678 trong năm 2017).

Ông Trần Bá Dương

Nếu so sánh ông Phạm Nhật Vượng là “ông vua” bất động sản, cũng hoàn toàn dễ hiểu khi đặt ông Trần Bá Dương cho ngôi vị này trong mảng ô tô tại Việt Nam.

Ông Dương thành lập công ty Trường Hải vào năm 1997. Ban đầu Trường Hải chỉ phân phối xe, sau đó công ty này chuyển dần sang lắp ráp. Hiện nay, Trường Hải “hùng cứ” thị trường ô tô Việt Nam với 3 thương hiệu xe lắp ráp là Kia, Mazda và Peugeot. Những năm gần đây, Trường Hải cạnh tranh sòng phẳng với Toyota cho danh hiệu hãng ô tô lớn nhất Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính, tổng tài sản của Trường Hải đạt hơn 55.500 tỷ đồng. Trên thị trường không chính thức (OTC), những lệnh chào mua cổ phiếu Thaco được đặt trong khoảng từ 65.000 đến 69.000 đồng. Mức giá này đồng nghĩa với việc nếu Trường Hải lên sàn chứng khoán, công ty này có giá trị khoảng 5 tỷ USD.

Đây là đầu tiên ông Trần Bá Dương có tên trong BXH của Forbes với giá trị tài sản 1,8 tỷ USD, xếp thứ 1.339.

Ông Trần Đình Long

Sau khi tập đoàn Hòa Phát nói lời chia tay bóng đá vào năm 2011, ông Trần Đình Long, vốn được biết đến là một người kín tiếng ngày càng trở nên ít xuất hiện hơn trên báo chí. Song trái ngược với sự kín tiếng của ông Long, tập đoàn Hòa Phát ngày một nổi hơn tại hàng loạt lĩnh vực kinh doanh. Trong đó đáng chú ý nhất là mảng sản xuất sắt thép.

Theo báo cáo tài chính, năm 2017, Hòa Phát đạt sản lượng tiêu thụ thép kỷ lục lên tới 3 triệu tấn, tăng 25% so với năm trước đó. Cả hai dòng sản phẩm chủ lực của Hòa Phát là thép xây dựng và ống thép có thị phần lần lượt là 24% và gần 27%.

Tính chung trong năm 2017, Hòa Phát đạt doanh thu 46.162 tỷ đồng (tăng 39%), lợi nhuận sau thuế đạt 8.007 tỷ đồng (tăng 22%). Đây đều là những kỷ lục kinh doanh mới của Hòa Phát.

Quy mô của Hòa Phát lớn đến mức, doanh thu của công ty này trong năm 2017 bằng xấp xỉ 2 doanh nghiệp lớn ngành thép trên sàn chứng khoán là Hoa Sen và Nam Kim cộng lại.

Cũng giống như ông Trần Bá Dương (Trường Hải), đây là lần đầu tiên ông Trần Đình Long có mặt trong BXH của Forbes với khối tài sản 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756.

“Nước thường chảy chỗ trũng”

Ảnh: Forbes

“Nước thường chảy chỗ trũng”, câu thành ngữ này đang ngày càng trở nên đúng hơn với những tỷ phú trên thế giới. Bởi họ đã giàu, nay càng trở nên giàu có hơn.

Trong lần thứ 32 Fobes công bố danh sách, năm nay ghi nhận thế giới có đến 2.208 tỷ phú đến từ 72 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một kỷ lục mới được xác lập. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên Hungary và Zimbabwe đón “cơn gió” tỷ phú. Hai quốc gia này đã ghi nhận những người đầu tiên sở hữu khối tài sản có 10 con số (tính bằng USD).

Không chỉ tăng về lượng, năm nay các tỷ phú còn tăng cả về “chất”. Theo thống kê, 2.208 “thành viên ưu tú” trên thế giới này sở hữu khối tài sản lên tới 9,1 nghìn tỷ USD, tăng đến 18% so với năm ngoái. Nếu tính trung bình, mỗi tỷ phú sở hữu số tiền lên đến 4,1 tỷ USD.

Trên tầm quốc gia, Mỹ dẫn đầu với 585 tỷ phú. Tiếp theo là Trung Quốc với 373 tỷ phú. Ở phương diện cá nhân, ông chủ hãng Amazon, Jeff Bezos là người giàu nhất khi sở hữu khối tài sản 112 tỷ USD. Ước tính trong 12 tháng qua, cổ phiếu Amazon tăng tổng cộng 59%, giúp tài sản của Jeff Bezos tăng thêm 39,2 tỷ USD. Theo Forbes, đây là mức tăng tài sản lớn nhất trong 1 năm kể từ khi tạp chí này bắt đầu xây dựng danh sách tỷ phú vào năm 1987.

MP

Theo VTV