Nhiều đơn vị phân tích khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc và thận trọng giải ngân khi thị trường chưa có nhiều điểm sáng trong tuần cuối cùng năm Tân Sửu.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động tiêu cực trong tuần giao dịch từ 17-21/1. VN-Index khởi đầu tuần với mức giảm sâu hơn 40 điểm khi sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, áp lực từ nhóm cổ phiếu nóng như FLC Group và bất động sản khiến làm đà bán lan ra cả thị trường. Trong khi đó cổ phiếu trụ, nhất là nhóm ngân hàng, đã giúp điều tiết chỉ số và bắt đầu hồi phục dần.
VN-Index chốt phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.472,89 điểm, tương ứng giảm hơn 23 điểm (-1,55%) so với phiên cuối tuần trước. Thậm chí HNX-Index giảm mạnh hơn 49 điểm (-10,5%) xuống 417,84 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 2,5 điểm (-2,26%) xuống 109,68 điểm.
Tâm lý nghỉ Tết cũng đã xuất hiện trong tuần giao dịch vừa qua khi thanh khoản suy giảm khá rõ nét. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 28.740 tỷ đồng/phiên, giảm 28% so với tuần trước. Trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 32% chỉ còn 25.750 tỷ đồng/phiên.
Một điểm trừ khác là nhà đầu tư nước ngoài quay ngược bán ròng gần 5.000 tỷ đồng trên cả 2 sàn niêm yết. Lực bán đột biến này chủ yếu là do giao dịch thỏa thuận tại cổ phiếu MSN của Masan Group với giá trị bán gần 4.700 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán tuần mới 24-28/1 đang gặp nhiều áp lực khi thị trường tài chính thế giới đang lao dốc. Đồng thời đây là tuần giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu nên nhiều nhà đầu tư đã có tâm lý nghỉ Tết.
Vietcombank Securities (VCBS) nhận định tâm lý chung trên thị trường vẫn đang trong trạng thái tương đối “dè dặt” đối với nhóm cổ phiếu trụ, nhất là trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á đều diễn biến tiêu cực. Thị trường cũng đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Trong giai đoạn trước mắt, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, đồng thời tiếp tục theo dõi thông tin để lên kế hoạch cơ cấu lại danh mục cho cả năm 2022.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhịp hồi phục của chỉ số VN-Index chậm lại và thận trọng. Tuy nhiên áp lực cản tạm thời vẫn chưa lớn nên thị trường đang trong trạng thái giằng co và thăm dò.
Dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục thăm dò và vùng MA(50) tại 1.478 điểm có thể vẫn gây áp lực cản cho chỉ số. Nhà đầu tư tạm thời vẫn nên thận trọng, đồng thời quan sát diễn biến của thị trường tại vùng cản và đánh giá lại trạng thái của thị trường.
Mirae Asset cho rằng tâm lý nhà đầu tư có thể vẫn còn đang có phần lo ngại sau nhịp giảm sốc, thêm vào đó là việc thị trường sắp bước vào giai đoạn nghỉ Tết âm lịch dài ngày là yếu tố sẽ khiến nhà đầu tư thận trọng hơn.
Tương tự khi Chứng khoán SHS tin tưởng tâm lý nghỉ Tết đã xuất hiện trong tuần giao dịch qua, thể hiện qua việc thanh khoản trong tuần suy giảm khá rõ nét trên 2 sàn niêm yết.
SHS dự báo thị trường có thêm một tuần giao dịch kém tích cực nữa khi tâm lý nghỉ Tết đã xuất hiện khiến cho thanh khoản suy giảm đáng kể và áp lực bán cổ phiếu trước Tết đang áp đảo bên mua.
Nếu nhìn lại lịch sử các năm trước đó thì điều này là tương đối phổ biến khi mà diễn biến trước Tết thường kém tích cực nhưng diễn biến sau Tết sẽ tích cực trở lại. Theo thống kê, thị trường đã tăng 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021 (chỉ có năm 2020 là giảm do ảnh hưởng của Covid-19.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số Nasdaq Composite sụt 7,6% trong tuần qua và là mức giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 làm chao đảo thị trường tài chính trong tháng 3/2020.
Chỉ số S&P 500 sụt 5,7% trong tuần khi có hơn 2/3 trong chỉ số này đã rơi vào tình trạng điều chỉnh kỹ thuật (tức giảm ít nhất 10% so với mức kỷ lục). Chỉ số FTSE đã giảm 4,2% trong tuần qua để ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2020.
Dịp Tết Nguyên đán 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tạm ngừng giao dịch từ thứ Bảy ngày 29/1 (tức 27 Tết Âm lịch) đến hết chủ nhật ngày 6/2 (tức mùng 6 tết Âm lịch). Phiên giao dịch trở lại đầu năm Âm lịch sẽ bắt đầu vào ngày 7/2.