Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng việc EVN đã độc quyền kinh doanh nhưng lại kêu lỗ, đòi tăng giá điện để bù đắp, là chưa phù hợp.
“Giá điện” tiếp tục là chủ đề được các đại biểu Quốc hội “truy” nhiều tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội diễn ra ngày 30/5.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng điều đại biểu và cử tri quan tâm không phải việc tăng giá này đúng quy trình, quy định hay không.”Chính phủ điều hành thì không thể không đúng quy định”, ông nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Theo ông, việc tăng giá điện đương nhiên sẽ khiến chi phí sản xuất tăng, cùng với đó là tác động đến giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước, sức mua của người dân. Bên cạnh đó, trong khi tiền lương của công chức, người lao động giữ nguyên, hàng loạt chi phí tăng như điện, xăng dầu, dịch vụ, y tế, học phí… đều tăng. Ông Hận đặt câu hỏi, điều này liệu có ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chi phí sản xuất và mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% theo nghị quyết Quốc hội.
Đại biểu này cũng đề xuất đưa vào danh mục kiểm toán nhà nước đối với hoạt động kinh doanh ngành điện.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng đề nghị công bố công khai thanh tra Chính phủ đối với đợt tăng giá điện vừa qua để cho thấy một bức tranh đầy đủ về một doanh nghiệp độc quyền như EVN. Theo ông, từ thưở khai sinh ra ngành điện, giá điện luôn tuân theo quy luật bất biến là tăng rồi, tăng nữa và tăng mãi. Hơn nữa, ông cho rằng đợt tăng giá điện vừa qua có nhiều mập mờ cần làm rõ. “Doanh nghiệp cứ tăng và đổ cho thời tiết là hợp lý nhất cho đỡ phải nói nhiều”, ông nói.
Cho rằng lần tăng giá điện nào thì bên có lợi đương nhiên vẫn luôn là doanh nghiệp. Trong khi đó, theo ông, ở một số quốc gia, họ còn giảm giá điện để tăng chất lượng cuộc sống cho người dân.
“Lần nào tăng giá điện cũng nói để tăng kinh phí, để tái đầu tư ngành điện nhưng một doanh nghiệp độc quyền luôn lỗ nặng thì có nên đầu tư tiếp tục hay không”, vị đại biểu nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Phúc – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng việc tăng giá điện vừa qua là không phù hợp. “Tôi đề nghị Chính phủ sớm công bố kết quả việc thanh tra tăng giá điện; có đúng quy định không, nếu sai thì xử lý thế nào”, bà Phúc nói.
Có cùng đánh giá với nhiều đại biểu khác, bà Phúc cho rằng việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác, nhất là vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp phòng ngừa tình trạng “té nước theo mưa”; đẩy mạnh theo dõi thị trường, kiểm tra việc kê khai giá của các doanh nghiệp.
Nhân viên ngành điện ghi thông tin trạm biến áp. Ảnh: Ngọc Thành. |
Báo cáo gửi Quốc hội giải trình về điều hành giá điện, Chính phủ khẳng định quy trình xây dựng, ban hành giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 và khẳng định đã thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng. Việc tăng giá mặt hàng này được Chính phủ đã xem xét điều chỉnh giá điện theo đúng quy định của Luật Điện lực, Quyết định 24 của Thủ tướng, một số Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay, Bộ Công Thương cũng có tờ trình về điều hành giá điện, xăng dầu dài 20 trang và một số trang phụ lục với rất nhiều con số lập luận để khẳng định Bộ làm đúng. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công Thương cần nghiêm khắc rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát và tuyên truyền trong thời gian qua trong việc điều hành giá điện, giá xăng dầu.
“Phải chăng nguồn gốc sâu xa do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành điện trong truyền tải, mua bán điện”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu đề cập đến việc giá điện tăng 8,36%, thuế môi trường với xăng cũng tăng từ đầu năm, tác động tới chỉ số giá tiêu dùng và gây hiệu ứng không nhỏ tới giá các mặt hàng khác trên thị trường.
Nữ đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng ý giá các mặt hàng phải tiến dần tới thị trường, tính đúng, đủ các chi phí cấu thành. Song, bà lưu ý, thời điểm nào cho tăng giá là rất quan trọng, bởi ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng. “Chính phủ cần giải pháp để kiềm chế lạm phát”, bà Yến nêu.
Trước đó, thời điểm tăng giá điện được Chính phủ tính toán trên cơ sở đồng bộ với các điều chỉnh giá xăng dầu, dịch vụ y tế, học phí… Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%, ở mức 3,3-3,9%, thấp hơn mức 4% Quốc hội thông qua.
Ngày 24/5, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh, kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, thu tiền điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Dự kiến trong 35 ngày, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra, xác minh toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện từ ngày 20/3 và phương pháp tính giá, thu tiền điện…
Theo Vnexpress