(Vtrend.vn) Cô học sinh lớp 8 đang ở lứa tuổi dậy thì “nhạy cảm” đã bỏ nhà đi trong đêm vì bị bố lột đồ xích trước nhà đánh vì bị điểm thấp.
Đó là một trong những câu chuyện ám ảnh cô Tô Thụy Diễm Quyên, Chuyên gia Giáo dục toàn cầu Microsoft trong gần 30 năm đi dạy học.
Vào giữa đêm khuya, điện thoại của cô Quyên réo inh ỏi. Một người mẹ nói trong từng tiếng nấc: “Cô ơi, cô có biết Hòa Anh (tên học sinh được thay đổi) đi đâu không? Cháu bỏ trốn khỏi nhà rồi!”.
Lúc này, cô Quyên mới vỡ òa biết rằng em hay bị bố xích lại rồi đánh, nhất là mỗi lúc bị điểm kém. Lần này, cũng liên quan đến việc học hành, người bố đã lột đồ em đưa ra xích trước cửa nhà. Một người bạn đã phá xích cứu Hòa Anh và em bỏ trốn trong đêm.
Con trẻ gánh những áp lực khủng khiếp vì điểm số (ảnh minh họa)
Sau đó, cô cùng gia đình đã tìm cách đưa em về, tìm cách để ông bố không dùng bạo lực với con nữa nhưng ánh mắt của cô học trò rất xinh đẹp, đang tuổi lớn ấy đã thay đổi rất nhiều, từ sau đó cô bé không nhìn mặt bố mình nữa.
Tuy nhiên, Hòa Anh không phải là trường hợp duy nhất điểm thấp là bị xích, bị lột đồ mà cô Quyên từng biết. Lần khác, một học trò vừa nhận bài kiểm tra xong, chạy lên bàn cô rồi khóc lóc, nói như van xin: “Cô ơi, cô có cách nào để con được 10 điểm tròn không cô?”. Nhìn bài kiểm tra điểm 9, cô quay sang học trò: “Điểm 9 là điểm tốt lắm rồi con”.
Học trò vẫn khóc và cho biết, nếu em không được điểm 10, bố mẹ sẽ… lột quần em ra đánh. Thông qua nhiều học sinh khác, cô Quyên được biết, em bị bố đánh nhiều lần vì không đạt điểm 10.
Trước đó, những lần gọi học sinh lên trả lời, cô Quyên nhớ rất rõ ngày đó mình cư xử y hệt thầy cô của mình – nghĩa là giờ trả bài cực kỳ căng thẳng, nét mặt nghiêm khắc, đáng sợ nhất có thể nhằm uy hiếp bọn trẻ phải lo học bài.
Cô Quyên cũng đã từng gặp trường hợp, học sinh được gọi lên trả bài, đối diện với điểm số, thái độ của cô giáo đã ngất xỉu ngay tại chỗ. Một em học sinh vừa ra khỏi phòng thi lớp 10 là gục xuống ôm mặt khóc tức tưởi, đầy sợ hãi vì một bài toán làm chưa được như ý.
Những trường hợp như vậy đã giúp cô tỉnh ngộ nhận ra rằng con trẻ đang bị người lớn khủng bố tinh thần vì điểm số làm mất đi tinh thần học tập, học hỏi thật sự bằng sự say mê. Áp lực của thi cử và điểm số trở thành địa ngục với nhiều em.
Những câu chuyện của cô Quyên cũng giống như tâm sự của bà Lê Thị Ngọc Điệp, khi còn là hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TPHCM, bà từng gặp phụ huynh lên trường “chất vấn, tâm sự” vì con mình chỉ được điểm 8. Người mẹ ngước mặt lên trời kêu, đó là nỗi nhục của gia đình!
Mới đây nhất, một nam sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (TPHCM) với điểm tổng kết học kỳ 8,9 đã nhảy lầu tự vẫn ngay tại sân trường với lá thư tuyệt là do chưa đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ. Bố mẹ muốn em đạt điểm, thành tích cao hơn nữa.
Phải nói rằng, nhiều phụ huynh đang bạo hành con trẻ vì điểm số, vì những kỳ vọng, mục tiêu đặt ra vượt quá khả năng của con.
Trước tất cả những nỗi đau về điểm số mà con trẻ đang gánh chịu, ngành giáo dục, mỗi giáo viên, mỗi phụ huynh đều có trách nhiệm.
Theo Dân Trí
Minh Xuân