(Vtrend.vn) Doji là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất ngành vàng bạc, trang sức với gần 52.000 tỷ đồng trong năm 2017, tương đương 2,2 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu SJC là 22.950 tỷ đồng (1 tỷ USD) và PNJ chỉ gần 11.000 tỷ đồng.
Những năm trước đây, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, trang sức tại Việt Nam khá lớn và điều này đã khiến thị trường vàng có phần hỗn độn, tình trạng vàng không đủ tuổi, không đạt tiêu chuẩn diễn ra tương đối phổ biến. Khi đó, người mua vàng thường phải “mua đâu bán đó” nếu không muốn bị ép giá.
Tuy vậy, việc siết chặt quản lý thị trường vàng của NHNN từ năm 2012 đã khiến thị phần ngành vàng ngày càng tập trung vào tay một vài doanh nghiệp lớn như SJC, Doji, PNJ…
Theo số liệu có được, Doji là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất ngành vàng bạc, trang sức với gần 52.000 tỷ đồng trong năm 2017, tương đương 2,2 tỷ USD, lớn hơn cả SJC (22.950 tỷ đồng) và PNJ (10.977 tỷ đồng) cộng lại. Cần lưu ý, đây chỉ là số liệu của riêng công ty mẹ Doji, chưa bao gồm các công ty thành viên.
SJC và Doji đạt doanh thu “tỷ đô”
Việc doanh thu của PNJ kém xa hai đối thủ cùng ngành có nguyên nhân bởi trong những năm gần đây, doanh nghiệp tập trung vào kinh doanh vàng trang sức, giảm tỷ trọng kinh doanh vàng miếng. Trong khi đó, vàng miếng vẫn là sản phẩm kinh doanh chủ lực của SJC và Doji.
Trong giai đoạn đỉnh cao kinh doanh vàng miếng, SJC từng có thời điểm đạt doanh thu hơn 111.000 tỷ đồng vào năm 2011. Tuy vậy, chính sách siết chặt thị trường của NHNN cùng với giá vàng thế giới đã “hạ nhiệt” những năm gần đây khiến doanh thu SJC giảm mạnh so với năm 2011.
Năm 2017, PNJ lãi gấp 6 lần Doji và SJC cộng lại dù doanh thu chỉ bằng một góc nhỏ
Mặc dù ngành kinh doanh vàng miếng có doanh thu rất lớn, tuy vậy lợi nhuận tạo ra là không đáng kể. Tỷ suất lợi nhuận gộp của vàng miếng thường chỉ trong khoảng 0,1% – 0,5%. Với tỷ suất lợi nhuận 0,1% tương đương với việc bán ra 1 lượng vàng 35 triệu đồng, các doanh nghiệp chỉ có lãi khoảng 35.000 đồng. Để có được 1 tỷ đồng lãi thì doanh số phải đạt 2.000 tỷ đồng.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang dần dịch chuyển cơ cấu sang mảng vàng trang sức, kim cương, đây là những sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với vàng miếng.
PNJ là trường hợp tiêu biểu cải thiện kết quả kinh doanh nhờ dịch chuyển cơ cấu sản phẩm. Giai đoạn 2010 – 2011, vàng miếng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu PNJ khiến biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp chỉ đạt quanh ngưỡng 4%. Tuy nhiên, nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm sang vàng trang sức, biên lợi nhuận gộp của PNJ đã liên tục cải thiện và đến năm 2017 đã lên đến 17,4%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, biên lợi nhuận gộp PNJ tiếp tục được cải thiện lên trên 18%.
Trong khi đó, SJC và Doji vẫn khá “trung thành” với mảng kinh doanh vàng miếng truyền thống. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp của 2 doanh nghiệp này khá thấp, duy trì dưới mức 1% trong nhiều năm qua.
Biên lãi gộp PNJ vượt trội nhờ dịch chuyển sang vàng trang sức
Với biên lợi nhuận mỏng như vậy, không bất ngờ khi lợi nhuận ròng của SJC và Doji trong nhiều năm qua là khá thấp, bất chấp doanh thu lên tới “tỷ đô”. Riêng năm 2017 vừa qua, lợi nhuận sau thuế SJC đạt được chỉ là 81 tỷ đồng, còn với Doji là 36 tỷ đồng và đây cũng là kết quả tốt nhất các doanh nghiệp này đạt được trong vài năm trở lại đây.
Còn với PNJ, lợi nhuận ròng doanh nghiệp đạt được trong năm 2017 lên tới 726 tỷ đồng – tăng 61% so với năm trước đó và là mức kỷ lục từ trước tới nay. Cần lưu ý, con số lợi nhuận PNJ đạt được trong năm vừa qua gấp 3,3 lần năm 2009, dù doanh thu tương đương.
Lợi nhuận PNJ gấp nhiều lần SJC và Doji cộng lại
Theo cafef.vn
Minh Xuan.