(Vtrend.vn) Kết thúc đợt kiểm tra, các cơ quan chức năng đã công khai 17 cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông sản Trung Quốc, chủ yếu là khoai tây, hành tây, cà rốt, tỏi…

 Trước thực trạng một số mặt hàng nông sản của Trung Quốc được các thương nhân nhập về Lâm Đồng rồi thay đổi mẫu mã, xuất bán với mác hàng Đà Lạt, gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người tiêu dùng và nông dân địa phương, Sở Công thương Lâm Đồng vừa có đợt tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh nông sản tại TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương và Đức Trọng.
 Đà Lạt công khai 17 cơ sở kinh doanh nông sản Trung Quốc - Ảnh 1.

Khoai tây Trung Quốc nhập về chợ nông sản Đà Lạt


Trong đó, TP Đà Lạt có 6 cơ sở, đều tập trung trong chợ đầu mối nông sản Đà Lạt. Gồm cơ sở của bà Lê Thị Nhung, Nguyễn Thị Vân, Đỗ Thị Mỹ, Trần Thị Thùy Trang, Đoàn Thị Chè và bà Vũ Kim Tùng.
Kết thúc đợt kiểm tra, các cơ quan chức năng đã công khai 17 cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông sản Trung Quốc, chủ yếu là khoai tây, hành tây, cà rốt, tỏi…

 Tại huyện Đức Trọng có 7 cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông sản Trung Quốc. Gồm quầy rau Tèo Ly; cơ sở Hoa Lợi, đường Phan Huy Chú, thị trấn Liên Nghĩa; cơ sở Thảo Nam, đường Trần Nguyên Hãn, thị trấn Liên Nghĩa; cơ sở Hanh Vân, đường Lạc Long Quân, thị trấn Liên Nghĩa; vựa rau Liên Cẩu, đường Nguyễn Biểu, thị trấn Liên Nghĩa; cơ sở Toàn Luyện, đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Liên Nghĩa và bà Nguyễn Thị Tạo, chợ Liên Nghĩa. 

Huyện Đơn Dương có 4 cơ sở kinh doanh nông sản Trung Quốc. Gồm vựa rau Chúc Em, thị trấn Thạnh Mỹ; cơ sở Huy Uyên, thị trấn Thạnh Mỹ; vựa rau gia đình ông Nguyễn Anh Tuấn và vựa rau gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo, cùng xã Lạc Lâm. 

 Đà Lạt công khai 17 cơ sở kinh doanh nông sản Trung Quốc - Ảnh 2.

Khoai tây Trung Quốc được trộn với đất Đà Lạt

Trong quá trình kiểm tra, đoàn đã lấy 7 mẫu ngẫu nhiên, gồm 5 mẫu khoai tây Trung Quốc và 2 mẫu hành tây Trung Quốc. Kết quả kiểm tra đều đạt tiêu chuẩn về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng lại phát hiện nhiều vi phạm về nhãn mác, sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, khối lượng sản phẩm không khớp trên hóa đơn, chứng từ…Đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhiều trường hợp về các hành vi trên.

Theo Sở Công thương Lâm Đồng, các mặt hàng nông sản của Trung Quốc rất khó phân biệt với sản phẩm được trồng tại địa phương này dẫn đến việc người tiêu dùng rất khó nhận diện, dễ gây nhầm lẫn. Vẫn còn tình trạng thương nhân nhập khoai tây Trung Quốc rồi trộn đất đỏ nhằm làm giả khoai tây Đà Lạt bán với giá cao. 

 
 Đà Lạt công khai 17 cơ sở kinh doanh nông sản Trung Quốc - Ảnh 3.

Thu hoạch khoai tây ở Đà Lạt

Cũng theo Sở Công thương Lâm Đồng, nông sản Trung Quốc khi nhập về Lâm Đồng có giá rất rẻ. Cụ thể, hành tây Trung Quốc khoảng 2.700 đồng/kg, khoai tây từ 1.900 – 3.700 đồng/kg, tỏi là 13.000 đồng/kg. Sau khi đưa về Lâm Đồng, trải qua vài khâu sơ chế đơn giản, các cơ sở này xuất đi tiêu thụ với giá sỉ ít nhất gấp 2 lần giá gốc. Thị trường lớn nhất là TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia.

Để ngăn chặn hàng Trung Quốc đột lốt nông sản Đà Lạt, tháng 6-2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt. UBND TP Đà Lạt cũng đã thông báo từ ngày 15-9 tới đây, các tiểu thương sẽ bị cấm đưa nông sản Trung Quốc vào chợ đầu mối nông sản Đà Lạt. Sở Công thương Lâm Đồng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh nông sản Trung Quốc.

Theo cafef.vn