(Vtrend.vn) Trong tuần qua, việc lần đầu tiên, hai ĐH Quốc gia của Việt Nam lọt vào top 1.000 thế giới theo xếp hạng của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) – Anh được xem là một tin vui của giáo dục ĐH Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng của QS, ĐH Quốc gia TPHCM đứng trong nhóm 701-750 còn ĐH Quốc gia Hà Nội đứng trong nhóm 801-1.000.
Đánh giá thấp nghiên cứu sẽ mất “linh hồn đại học”
TS Lê Văn Út, Trưởng phòng khoa học công nghệ của trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng không phủ nhận việc lọt vào bảng xếp hạng ĐH cũng mang một ý nghĩa nào đó. Tuy nhiên nên hướng tới những hệ thống xếp hạng nào có thể thúc đẩy chất lượng của giáo dục ĐH. Điều quan trọng nếu ĐH tham gia các tổ chức xếp hạng không chuẩn dễ dẫn đến chuyện người học sẽ bị sai lầm trong việc chọn trường.
Theo ông Út, trên thế giới có rất nhiều tổ chức đánh giá xếp hạng đại học như Leiden, QRWU, THE, UMultirank chứ không chỉ duy nhất tổ chức QS nhưng có lẽ do QS làm tốt công tác quảng bá nên được biết nhiều. Ông cho rằng những tổ chức xếp hạng uy tín họ tự đánh giá chứ không cần các trường phải nộp hồ sơ, họ dựa vào cơ sở dữ liệu của ISI và tự nhận thấy những trường ĐH nào đang lên để đưa vào đánh giá.
“Tôi cho rằng linh hồn ĐH là nghiên cứu do đó nếu chọn tổ chức xếp hạng mà họ đánh nhẹ vấn đề nghiên cứu là không nên. Tiêu chí của QS chỉ dành 20% trích dẫn, trong khi việc trích dẫn đó cũng “thượng vàng hạ cám” trong tạp chí Scopus. Hiện nay, Indonesia là quốc gia đang mắc vấn nạn này và đó cũng là bài học cho chúng ta. Chính vì họ chạy theo QS mà số bài báo Scopus trên các kỷ yếu hội thảo giờ tăng rất nhiều lần so với các bài báo trong các tạp chí Scopus. Họ cứ tổ chức các hội thảo rồi có bài trên kỷ yếu rồi tham gia xếp hạng. Tôi cho rằng điều này tạo ra hệ lụy hết sức nguy hiểm. Nó làm thay đổi quan điểm học thuật trong đại học theo hướng xem nhẹ việc nghiên cứu và từ đó kéo ĐH xuống thành những trường đào tạo nghề nghiệp, ĐH ứng dụng chứ không còn là ĐH thuần túy và nghiên cứu hàn lâm”, ông Út chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh thêm: “Chất lượng đào tạo ĐH là kết quả trực tiếp của việc nghiên cứu. Một giảng viên có trải qua nghiên cứu thì chất lượng bài giảng của họ cũng sẽ khác. Một giảng viên nếu không hề nghiên cứu và tìm ra cái mới trong chuyên ngành của mình thì làm sao hướng dẫn các luận văn có chất lượng”.
Nói thêm về cách xếp hạng của QS, TS Út nêu: “6 tiêu chí của QS Ranking đưa ra tôi có thể khẳng định được rằng nó hoàn toàn không khách quan vì 50% phụ thuộc vào sự khảo sát và đề cử. Trong khi đó, những người được mời khảo sát được gọi là chuyên gia và doanh nghiệp nhưng không biết chắc họ là ai. Quan trọng hơn nữa chính các trường lại được quyền giới thiệu người cho QS gửi thư mời khảo sát. Thậm chí ở trường tôi nhiều người không am hiểu về nghiên cứu cũng được mời khảo sát. Vậy thì liệu có chuyện cả nể để “đề cử qua, đề cử lại” không khách quan hay không?! Tôi cho rằng, việc đánh giá ĐH phải do các chuyên gia ý kiến và dựa vào các phương pháp khoa học chứ không thể dựa vào mối quan hệ quen biết qua lại”.
“Ngoài ra, một việc theo tôi khá là tệ hại khi QS Ranking khá thương mại vì thường tổ chức các hội thảo, mời gọi quảng cáo với giá vài nghìn USD. Họ mời gọi các trường tham gia với lý giải rằng sẽ nhận được cơ hội đề cử cao khi xếp hạng. Tôi cho đó là điều làm biến tướng việc xếp hạng ĐH”, ông Út bày tỏ lo ngại.
Tránh chạy đua xếp hạng
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng cho biết: “Tôi là người được tổ chức QS gửi thư mời đề cử và tôi bỏ phiếu cho hai ĐH Quốc gia của chúng ta vì tới thời điểm này không còn đơn vị nào xứng đáng hơn. Việc hai ĐH Quốc gia của mình lọt vào top xếp hạng thế giới cũng đáng tự hào vì ít ra cũng phải có thành tích thì mới lọt vào xếp hạng. Xưa giờ mình cứ ở rìa mà giờ đây vào top 1.000 cũng là đáng mừng”.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng nhìn nhận: “Thực ra trên thế giới hiện có nhiều tổ chức xếp hạng và không có một bảng xếp hạng nào chuẩn xác hoàn toàn cả. Thứ nhất bởi mỗi bảng xếp hạng như vậy đều có những tiêu chí riêng, đề cao những yếu tố riêng. Điểm thứ 2 là có những bảng xếp hạng đặt ra dành cho những trường ĐH đẳng cấp, nếu dùng những tiêu chí này đánh giá thì nhiều trường ĐH Việt Nam không thể nào thỏa mãn được”.
Ông Dũng chỉ ra nhiều điểm không phù hợp để các ĐH chạy theo xếp hạng. “Ví dụ một cái rất đơn giản đó chính là chuyện nghiên cứu khoa học. Mấy năm qua mình cũng cố gắng tăng cường số công bố bài báo ISI đặc biệt là ở hai ĐH Quốc gia. Tuy nhiên, tiềm năng để đầu tư vào nghiên cứu khoa học, các phòng thí nghiệm phải tốn kinh phí rất lớn và phải nhận được sự đầu tư lớn từ Nhà nước chứ không hô hào một cách đơn giản. Nguyên nhân sâu xa chính ở chỗ sau một thời gian mức học phí quá thấp chỉ đủ cho các trường tồn tại, ngay như các trường tự chủ thì chi phí cũng không đủ đâu vào đâu nên đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất nghiên cứu rất khó. Tôi cũng theo dõi thì thấy rằng đa phần các bài báo ISI của cán bộ giảng dạy của mình khi họ làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài và được đăng bài thì họ gắn thêm tên trường ở Việt Nam. Trừ một vài giáo sư còn đa phần các giảng viên về nước không có điều kiện để thực hiện các thí nghiệm lớn”, ông Dũng nêu.
Một yếu tố bất cập thứ 2 theo ông Dũng mà ngay ở bảng xếp hạng của QS có thể thấy chính là tiêu chí sinh viên quốc tế. Ở Việt Nam, đặc thù lâu nay các chương trình đào tạo bằng tiếng Việt phần nhiều nên chỉ thu hút được sinh viên Lào và Campuchia qua đường học bổng nhà nước. Còn để thu hút các nước khác trong khu vực qua học thì rất khó.
“Ngay như trường tôi cố gắng lắm trong 2 năm qua số sinh viên nước ngoài đến học hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay mà chủ yếu do chương trình của châu Âu tài trợ cũng như các học bổng nhà nước tài trợ. Để thu hút được sinh viên quốc tế, cái chính là ĐH mình phải có đẳng cấp và dạy bằng tiếng Anh”, ông Dũng nêu ý kiến.
Điểm thứ 3, ông Đỗ Văn Dũng cho rằng không phù hợp với điều kiện nước ta chính là tiêu chí sinh viên/giảng viên. Theo ông đây là điểm “cốt tử” khiến mỗi khi tham gia đánh giá thì các trường Việt Nam luôn đạt tỷ lệ rất thấp nên không thể lọt vào top cao được. Ông Dũng nêu: “Lí do chính ở cơ chế chính sách của mình khi quy định mức học phí cực kỳ thấp, kể cả 26 trường được tự chủ thì việc tăng học phí cũng phải theo lộ trình chứ không tăng ngay được. Với mức học phí hiện nay như vậy thì sao so sánh với nước ngoài là 15.000-20.000 USD/sinh viên. Các trường hiện thu không đủ bù chi nếu tỷ lệ sinh viên/giảng viên thấp thì các trường của mình sẽ đóng cửa ngay vì sẽ không ai vào học theo mức học phí của nước ngoài. Đây là mâu thuẫn mấy chục năm nay ở các ĐH chúng ta”.
“Nếu xét nhiều tiêu chí xếp hạng thì rõ ràng không phù hợp với điều kiện Việt Nam. Theo ý kiến riêng của tôi, nếu cứ chạy theo xếp hạng thế giới sẽ rất tốn kém. Ngay như xếp hạng của QS cũng mang tính chất thương mại, họ mời tổ chức hội nghị rồi tặng mình bằng khen và mình phải đóng tiền. Tham gia vào bảng xếp hạng là một bài toán tốn kém, các trường ĐH tầm trung không nên chạy theo bởi nó không phù hợp với mình.
Đại học của ta trong thời điểm nền kinh tế còn đang ở mức đang phát triển, các doanh nghiệp chỉ đang yêu cầu nhân lực phục vụ cho sản xuất thì chỉ nên đáp ứng việc đào tạo sao cho đầu ra có việc làm cao, đáp ứng được các kỹ năng mềm khi làm việc ở doanh nghiệp. Nếu bỏ nguồn lực, kinh phí để chạy theo ranking mà các trường không được hỗ trợ từ nhà nước thì không nên tham gia vì rất lãng phí.
Nhà nước chỉ nên định hướng một số trường như ĐH quốc gia, ĐH vùng đầu tư vào việc xếp hạng để đạt vị trí cao theo thế giới để tạo thương hiệu cho quốc gia”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nêu ý kiến.
Theo dantri.com.vn
Minh Xuân.