(Vtrend.vn) Theo Bộ GD-ĐT, nhu cầu thị trường lao động đã thay đổi, sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề gây lãng phí. Bởi vậy cần thiết phải bỏ quy định miễn học phí đối với sinh viên ngành này.
Trong tờ trình về dự án sửa đổi Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trình bày trước Quốc hội sáng 29-5, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng lâu nay ngành giáo dục vẫn đang áp dụng chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm.
Tuy nhiên hiện nay, do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành sư phạm còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành, nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục.
Vì vậy, dự thảo Luật Giáo dục được đệ trình lần này sẽ được sửa đổi theo hướng không miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm.
Cụ thể: học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định.
Về hướng chỉnh sửa này, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết qua lấy ý kiến thì đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm.
Quy định này để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục; tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học, bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.
Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, các đại biểu đều cho rằng cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp;
Sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
Ngoài việc sửa đổi quy định miễn giảm học phí, Luật Giáo dục sửa đổi lần này cũng đề cập đến việc thay đổi các quy định về chế độ học cử tuyển, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục nhằm nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục…
Theo Tuổi Trẻ
Minh Xuân