(Trend.vn) Doanh số của Jaguar Land Rover tại Anh sụt giảm mạnh, một phần do tác động của Brexit…
Jaguar Land Rover, hãng xe thuộc sở hữu của công ty Ấn Độ Tata Motors, có khoảng 40.000 công nhân tại Anh, sản xuất 500.000 xe mỗi năm.
Đợt cắt giảm việc làm này diễn ra tại nhà máy ở Birmingham, nơi sản xuất dòng xe Jaguar F-Pace, Land Rover Discovery và một số mẫu Range Rover – trang CNN Money cho hay.
Jaguar Land Rover cho biết doanh số của hãng tại thị trường trong nước giảm mạnh do niềm tin người tiêu dùng đi xuống. Tháng 3 vừa qua, doanh số của hãng tại Anh giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức giảm gần 16% của toàn thị trường ôtô nước này.
Người Anh đã cắt giảm việc mua sắm những vật dụng đắt tiền do thu nhập trở nên eo hẹp hơn vì lạm phát, ảnh hưởng của việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) – hay còn gọi là Brexit. Đồng Bảng Anh sụt giá mạnh sau cuộc bỏ phiếu Brexit hồi năm 2016 đã khiến các sản phẩm nhập khẩu vào nước đắt đỏ hơn, dẫn tới lạm phát vượt 3%.
Ngoài ra, nhu cầu của thị trường châu Âu đối với xe do Jaguar Land Rover sản xuất cũng giảm do tác động của vụ bê bối khí thải xe chạy dầu diesel. Trong vụ bê bối này, hãng xe lớn nhất của Đức Volkswagen đã bị phát hiện nói dối người tiêu dùng và cơ quan chức năng về mức độ phát thải của xe diesel do hãng sản xuất.
Các chính phủ ở châu Âu hiện đang xem xét siết kiểm soát đối với xe chạy nhiên liệu diesel sau những cáo buộc cho rằng loại động cơ này gây ô nhiễm môi trường ở mức cao. Nhiều thành phố ở châu Âu thậm chí đã tính đến việc cấm xe diesel. Vì lý do này, nhiều người tiêu dùng hoãn kế hoạch mua xe chạy diesel mới để chờ chính sách cụ thể của chính phủ.
Ngành sản xuất ôtô của Anh sử dụng 800.000 công nhân, nhưng Brexit đang đặt ra rủi ro lớn đối với ngành này. Các hãng xe phụ thuộc vào thương mại tự do, không mâu thuẫn để mua phụ tùng và bán hàng tại 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hồi đầu năm nay, Giám đốc điều hành Jaguar Land Rover, ông Ralf Speth nói rằng những bấp bênh do Brexit “thực sự đang thách thức” hãng xe này và toàn ngành công nghiệp ôtô của Anh nói chung.
“Các kế hoạch đầu tư bị hoãn lại, việc ra quyết định trở nên mất thời gian hơn”, ông Speth nói.
Các hãng xe lo ngại rằng Brexit có thể dẫn tới các loại thuế mới và dòng chảy thương mại chậm lại ở biên giới Anh.
“Một thỏa thuận cuối cùng để duy trì liên kết thương mại không mâu thuẫn với thị trường lớn nhất của chúng tôi là EU hiện đang là một ưu tiên cấp bách”, ông Mike Hawes, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ôtô Anh”, nói trong một tuyên bố vào tháng 3.