(Vtrend.vn) Theo nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, được căn cứ theo tiêu chuẩn quy định về đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính và quy định tiểu chuẩn về phường đã được người dân đặc biệt quan tâm tại TP.HCM trong giai đoạn 2019 đến 2021.
Từ căn cứ và quy định tại nghị quyết 1211/2016 của UBTV Quốc Hội, các khu vực quận tại TP.HCM có các phường được sáp nhập dựa váo các tiêu chí sau:
Thứ nhất căn cứ theo quy mô số dân: Phường thuộc quận từ 15.000 người trở lên; phường thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương từ 7.000 người trở lên; phường thuộc thị xã từ 5.000 người trở lên.
Thứ hai căn cứ theo diện tích tự nhiên phải đạt từ 5,5 km2 trở lên.
Nếu chiếu theo quy định nói trên, ở TP.HCM trong giai đoạn 2019 – 2021 có 16 phường thuộc 8 quận thuộc diện được xem xét sáp nhập, vì đều không đạt 50% chỉ tiêu về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo quy định trên, các phường sẽ được sáp nhập như sau:
Q.2 có 4 phường: Bình Khánh (gần 6.000 dân), Thủ Thiêm (720 dân), An Lợi Đông (gần 500 dân), An Khánh (184 dân).
Q.3 có 2 phường: P.13 (gần 7.000 dân) và P.6 (khoảng 7.000 dân).
Q.4 có 2 phường: P.5 (hơn 5.000 dân) và P.12 (hơn 6.300 dân).
Q.5 có 2 phường: P.10 (gần 7.000 dân) và P.12 (hơn 5.600 dân).
Q.6 có 1 phường: P.2 (hơn 7.400 dân).
Q.8 có 1 phường: P.11 (hơn 7.000 dân).
Q.10 có 2 phường: P.3 (hơn 7.200 dân) và P.6 (hơn 7.300 dân).
Q.Phú Nhuận có 2 phường: P.12 (hơn 6.300 dân) và P.14 (hơn 6.700 dân).
16 phường này có tổng quy mô khoảng 86.500 người dân.
Trao đổi với PV chiều 28.5, ông Đỗ Văn Đạo, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết việc sắp xếp, sáp nhập không phải đề án riêng của TP, mà là chủ trương chung.
Năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 37 và tháng 3.2019 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 653, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 liên quan đến việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo tiêu chí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết 1211/2016.
“Trên cơ sở chủ trương chung đó, ở giai đoạn 1 (2019 – 2021) các đơn vị hành chính ở TP gọi chung là huyện, xã không đạt 50% về tiêu chí diện tích và dân số theo quy định phải sáp nhập”, ông Đạo nói.
Theo ông Đạo, đối với người dân, việc sáp nhập sẽ gây nhiều xáo trộn khi phải thay đổi địa chỉ, giấy tờ, giao dịch… Tuy nhiên, TP.HCM cũng đặt yêu cầu là khi sắp xếp, sáp nhập phải làm sao để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Người dân liên hệ thủ tục hành chính phải được thông suốt, không được gián đoạn.
|
Phương Đinh